Thứ tư, 09/10/2024, 02:13 [GMT+7]

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh

Thứ bảy, 01/06/2024 - 16:27'
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm virut dại ở địa bàn huyện Sìn Hồ thời gian qua đều do chó, mèo cắn. Hiện nay, thời tiết đang chuyển nắng nóng, bệnh dại dễ phát sinh trên đàn vật nuôi, chính quyền huyện, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, huyện Sìn Hồ đã triển khai tiêm phòng đợt 1 được 4.450 liều vắc-xin dại cho chó, mèo. Dù vậy, công tác tiêm phòng vắc-xin còn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân chưa chấp hành việc tiêm phòng, phải đôn đốc nhắc nhở. Việc mở sổ quản lý đàn chó, mèo chưa được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, địa bàn huyện rộng, người dân còn nuôi chó thả rông nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng nhiều trở ngại, nhất là những địa bàn các xã vùng cao. Công tác xử lý chủ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng theo quy định tại một số địa phương khó thực hiện. Việc tiêm phòng cho chó, mèo được Sìn Hồ thực hiện theo quy định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y nên phải trả chi phí khiến nhiều người dân ở địa bàn các xã vùng khó không chủ động kê khai và đưa vật nuôi đi tiêm phòng. Sìn Hồ hiện có hơn 10.000 con chó, 5.000 con mèo, nhưng lượng chó, mèo được tiêm phòng dại chỉ chiếm khoảng 45%, chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện.
Bà Nguyễn Thị Tươi ở khu 3 (thị trấn Sìn Hồ) cho biết: "Gia đình tôi nuôi 4 con mèo và 3 con chó sinh sản. Tôi thường xuyên theo dõi, đăng ký các đợt tiêm phòng dại và tiêm phòng các bệnh khác cho đàn chó, mèo. Do kinh phí tiêm phòng dại không quá cao, nên năm nào gia đình tôi cũng đăng ký tiêm phòng dại đầy đủ, đảm bảo an toàn cho gia đình và người dân trong khu vực”.

Nuôi chó thả rông không rọ mõm gây nguy hiểm cho người dân trong khu vực (ảnh chụp ngày 1/4/2024 tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ).

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến, với 22 trường hợp tử vong, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân do công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo, tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc-xin phòng dại còn thấp. Tại Lai Châu từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 483 trường hợp bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn, tăng 63 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 476 người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh dại (chiếm 98,6%), không có trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng trên địa bàn huyện Sìn Hồ từ đầu năm 2023 đến nay có 114 trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn đã đến Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng và theo dõi.
Để phòng, chống bệnh dại trên vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đôn đốc, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Sìn Hồ tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Phối hợp với UBND huyện, xã kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, nhất là công tác tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo; đồng thời, tổ chức tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn quy định phòng, chống bệnh dại tới bà con.
Bác sỹ Nguyễn Trung Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Bệnh dại truyền nhiễm cấp tính do virút dại gây ra, ủ bệnh khoảng 3 tháng. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm phòng, sẽ tử vong. Bệnh do virút dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Virút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, cào, trên vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là để điều trị cho bệnh nhân khi bị động vật dại cắn”.
UBND huyện Sìn Hồ đã yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê cập nhật số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng xã, bản và khu dân cư... hướng dẫn, yêu cầu chủ nuôi ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để chủ nuôi có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không được thả rông, khi đưa vật nuôi ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ theo quy định. Tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại, biện pháp phòng, chống bệnh, quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để người dân chủ động phòng, chống bệnh dại. Phổ biến cách xử lý ban đầu vết thương do động vật nghi dại cắn và hướng dẫn người dân đến điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng dại kịp thời.
Khi phát hiện chó, mèo nghi mắc bệnh dại, người dân cần thông tin kịp thời về Trung tâm Y tế huyện để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, bà con cần tích cực tham gia quản lý đàn vật nuôi của gia đình, không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra vào vùng dịch. Phát hiện động vật bị dại cần báo chính quyền địa phương để tiến hành, xử lý tiêu hủy mầm bệnh.

H,M

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...