

Do điều kiện xã biên giới, địa hình nhiều đồi núi, vực sâu nên việc tìm kiếm được nguồn nước ở Pa Tần gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm trước, mỗi ngày, khi trời bắt đầu hửng sáng, bà con phải mang theo vật dụng chứa nước tìm đến các mó, khe cách nhà tầm 7 - 9km để lấy nước sử dụng. Đi xe máy chỉ được một đoạn rồi phải đi bộ, dùng sức trâu, sức ngựa thồ về. Đường đi nhiều gian nan, thử thách, một bên là núi, một bên là vực. Khi trời mưa, đường trơn trợt, không thể đi lấy nước, người dân chỉ có thể tận dụng nước mưa để dùng. Bà con dùng thêm ống tre, nứa để dẫn nước về bản nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, hiệu quả không cao.
Bà Tao Thị Thạch (bản Pa Tần 3) kể: Mỗi lần đi lấy nước cũng chỉ đủ dùng 2 - 3 ngày với điều kiện là phải tiết kiệm, còn nếu không chỉ hơn 1 ngày là hết. Mùa khô, nước cạn dần, phải dùng chi li, phân phối từng ngày một. Tuy có con sông Nậm Na chảy qua nhưng nước lại đục ngầu không sử dụng được. Nhờ có chính quyền nỗ lực thực hiện các giải pháp, giờ đây chúng tôi đã có nước sử dụng thường xuyên.
Để đảm bảo nước sinh hoạt, chính quyền xã tiến hành mua ống dẫn nước, xây dựng bể chứa, khảo sát các mó, khe nước để đánh giá về trữ lượng nước, địa hình có phù hợp với việc đặt ống dẫn nước không rồi mới triển khai. Theo đó, ống dẫn nước được mắc trực tiếp từ nguồn chảy về bể nước tập trung của mỗi bản, được xử lý qua hệ thống lọc thô rồi chảy qua các ống nhỏ dẫn nước về các hộ để dùng trực tiếp. Có nước về bản, cuộc sống của người dân thay đổi rất nhiều, nhất là bà con ở các bản vùng cao, giáp biên, có nhiều thời gian để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập cho bản thân. Hộ nào cũng xây bể chứa, mắc ống, lắp đồng hồ, còn gia đình nào khá giả thì có thêm téc đựng nước, bình nóng lạnh...
Niềm vui của quân - dân xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) khi có nước sử dụng tại bản.
Anh Vàng A Hừ (bản Lùng Thàng) hồ hởi: Là bản xa nhất, đường giao thông khó khăn nên nước sinh hoạt chảy về tận bản giúp cuộc sống người dân bản tôi đổi khác rất nhiều, không chỉ có nước dùng thường xuyên trong sinh hoạt mà việc chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi hơn trước. Giờ đây, người dân có nhiều thời gian để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đảm bảo chất lượng nguồn nước, người dân thường xuyên vệ sinh các bể chứa nước tập trung, không xả, vứt rác cạnh bể, rửa bể, thay nước liên tục. Đối với khu vực đầu nguồn, không chăn thả gia súc, phát dọn cây cỏ, vệ sinh sạch sẽ. Chủ động kiểm tra các ống dẫn, chất lượng công trình nước sinh hoạt, nếu phát hiện sự cố thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương xử lý. Xã còn vận động người dân bảo vệ, phát triển rừng để giữ nguồn nước.
Bên cạnh đó, xã xây dựng 10 công trình thủy lợi dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, nương ngô, hoa màu đảm bảo đúng mùa vụ, tăng năng suất, góp phần giảm nghèo.
Anh Sìn Văn Vấn - Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Thời gian tới, xã sẽ đầu tư, nâng cấp các công trình nước sinh hoạt, thường xuyên kiểm tra, thay thế ống dẫn bị hỏng; vận động Nhân dân sử dụng hợp lý, giữ gìn vệ sinh. Tham mưu UBND huyện, các phòng chuyên môn trang bị hệ thống lọc nước đảm bảo tiêu chuẩn để bà con yên tâm sử dụng.
Giờ đây, người dân ở 14 bản của xã Pa Tần không còn lo thiếu nước, giảm được gánh nặng về thời gian, sức lực để chú tâm vào phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, góp phần bảo vệ biên cương ngày càng vững chắc.
Tin đọc nhiều

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa
“Công nghệ mở lối - Giáo dục bứt phá”

Kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thành phố Lai Châu

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn









