Niềm tự hào của báo chí Chiến khu Việt Bắc
Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, “địa chỉ đỏ” Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ; Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trường.
Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Trường và hướng đến 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ nguồn vốn xã hội hoá và được giao trọng trách Chủ đầu tư.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
“Sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa thất thường, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất, công trình đi vào sử dụng với mong muốn phục vụ rộng rãi công chúng và nhân dân cả nước…”, nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết. Giờ đây, bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954” và “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949”.
Nổi bật không kém là “quảng trường mini” rộng 200m2, với bức phù điêu cao gần 3m rộng gần 8m hy vọng sẽ là một điểm nhấn ấn tượng tạo cảm xúc cho khách tham quan.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau.
Ôn lại lịch sử 75 năm về trước, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó.
Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” .
Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4.4 đến ngày 6.7.1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này. Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự.
Tái hiện phòng học Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại khu Di tích.
Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân…
Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giảng dạy tại Trường, ông đã để lại bút tích trong Sổ ghi cảm tưởng của lớp học: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Các học viên sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.
Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.
Năm 1949, chúng ta có khoảng mười tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo…
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta…
Tôi biết Họa sỹ Ngô Xuân Khôi – đại diện bộ phận thiết kế trưng bày Di tích từ khi công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, anh tâm sự: Tôi đã cộng tác với Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở nhiều hoạt động nên chúng tôi hiểu được các công việc, ý nghĩa nội dung của từng sự kiện lịch sử, hiểu được giá trị lịch sử của các tư liệu hiện vật về báo chí.
Họa sỹ Ngô Xuân Khôi.
Khi chúng tôi nhận được nhiệm vụ làm thiết kế, trưng bày cho Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi đã dành thời gian để nghiên cứu về lịch sử của Trường, dành thời gian nghiên cứu về các hiện vật, các sự kiện, nhân vật gắn với Trường.
Nội dung các tư liệu được sắp đặt từ thời gian sơ khai thành lập Trường cho đến quá trình sau này và cho đến thời điểm bây giờ. Việc sắp xếp theo thời gian, từ trái qua phải giúp cho mọi người dễ hình dung, dễ nhớ dễ hiểu, ở đây có một tinh thần chung là tất cả cho chiến thắng.
Qua các tư liệu hiện vật, trưng bày tôi muốn nhấn mạnh đến một thời kỳ lịch sử, thời điểm sơ khai của cách mạng, cuộc kháng chiến chuẩn bị bước vào giai đoạn khốc liệt, đầy gian khổ. Có rất nhiều công việc phải làm nhưng Đảng và Chính phủ vẫn nhận thấy tầm quan trọng công tác tuyên truyền, coi đây là một mặt trận quan trọng của báo chí. Nhận thấy sự cấp thiết của báo chí để tập trung đào tạo lớp cán bộ mà sau này đã góp phần tạo nên nền tảng báo chí sau này và cách mạng nói chung.
Tại Lễ khánh thành, bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có thân nhân các giảng viên, học viên của trường dạy làm báo năm xưa về dự. Bà Đỗ Hồng Lạng - con gái nhà báo Đỗ Đức Dục, bà cho rằng: Báo chí nước nhà luôn nhớ về những công lao của thế hệ tiền bối, luôn tôn trọng lịch sử. Đó là những nhân vật có nhiều đóng góp cho cách mạng, là những nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ… họ đến đây để nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo ra đội ngũ làm báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam.
Chúng tôi được về với khu căn cứ kháng chiến xưa, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với núi sông thành một lực lượng vô địch để chống lại kẻ thù. Đến với di tích lần này, tôi thấy ấn tượng về công trình, đặc biệt là cách trưng bày các tư liệu hiện vật, trước đây tôi và gia đình tôi đã phối hợp trao đổi thông tin với Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ khi bảo tàng mới được thành lập. Đã có nhiều tư liệu hiện vật về cha tôi được nghiên cứu, lựa chọn và trưng bày.
Bà Đỗ Hồng Lạng - con gái nhà báo Đỗ Đức Dục (đứng giữa), cùng con trai và con rể Nhà báo Xuân Thủy tại khu di tích vừa khánh thành.
“Qua thăm chuyến thăm di tích này tôi nhận thấy, người làm công tác bảo tàng phải thật sự có tâm mới làm nên những công trình mang giá trị lịch sử như vậy. Họ làm việc với tinh thần nhiệt huyết, luôn nhớ về những công lao của thế hệ tiền bối, luôn tôn trọng lịch sử, biết cách phát huy các giá trị vô giá của lịch sử báo chí Việt Nam”. Bà Lạng chia sẻ.
Đã 92 tuổi, bà Đào Thị Ngọc Dung, vợ của đồng chí Hoàng Kiên Trung (Trần Kiên), nguyên lớp trưởng khóa học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân cũng đã lặn lội từ Hà Nội lên khu di tích để dự lễ khánh thành. Gia đình bà Dung cũng đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều bức ảnh chụp quãng thời gia ngắn nhưng không thể nào quên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có bức ảnh chụp Ban giám hiệu, giảng viên và hơn 40 học viên của lớp học, hôm nay đã được tạc thành bức phù điêu trưng bày tại không gian di tích.
Bà Dung bên phải (ngoài cùng).
“Cách đây 5 năm (năm 2019), tôi thay mặt nhà tôi lên đây dự lễ cắm mốc và gắn bia di tích. Lúc đó ông ngoài 90 tuổi, khá yếu nên không đích thân đi được. Khi thấy mọi người quan tâm đến đến địa chỉ của những người làm báo, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, ông mừng lắm. Rất tiếc năm ngoái ông đã mất nên không kịp chứng kiến công trình được hoàn thành”, bà Dung cho biết.
Tại buổi Lê khánh thành Di tích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Thái Nguyên vinh dự và tự hào là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nơi khởi phát nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, mà tiêu biểu là Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một “địa chỉ đỏ” trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là “thủ đô kháng chiến”, làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tặng hoa và quà lưu niệm cho Hội Nhà báo Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sau khi nhận bàn giao di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng, là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của Nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ, sau sự kiện mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, các cấp, ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp Cách mạng.
Cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc; bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Toàn cảnh Di tích nhìn từ trên cao. Ảnh: PV
Ngoài Bia Di tích đã được dựng từ 2019, công trình tu bổ, tôn tạo hiện có: Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954; Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2...
Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, nhà báo về nguồn, sinh viên và học sinh học tập, trải nghiệm về lịch sử báo chí; là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…
Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Báo chí chiến khu Việt Bắc không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.
“Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến với các Hội Nhà báo địa phương, các Liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc với mong muốn giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của Di tích, coi đây là một địa chỉ đỏ để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Mai Chí Vũ - Hội Nhà báo Việt Nam
Bình luận