Quỹ BHYT: Đóng góp khi lành, “của để dành” khi ốm
Sức khỏe tốt là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng của cuộc đời mình. Vì thế, tấm thẻ BHYT là chỗ dựa giá trị hơn bao giờ hết, là chỗ dựa tài chính vững chắc khi bản thân và gia đình gặp phải rủi ro, tai nạn bất ngờ hoặc không may mắc các bệnh hiểm nghèo.
Ở tuổi đôi mươi- độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, nhưng em Trần Văn Công (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) đã phải trải qua “cơn thập tử nhất sinh” từ ca phẫu thuật ghép thận. Tháng 8/2020, cuộc đời chàng trai sinh viên năm 2 Đại học Dược Hà Nội rẽ hướng khi em phát hiện mình bị suy thận cuối. Công cho biết tuổi 19, 20 của em gắn liền với bệnh viện và những khoản viện phí không thể kham nổi nếu không có BHYT đỡ đần. Chi phí điều trị các chứng bệnh của Công mỗi năm lên đến cả trăm triệu động.
Tính riêng trong 3 năm kể từ ca ghép thận, quỹ BHYT đã giúp Công chi trả hơn 800 triệu đồng. Mang trên mình nỗi đau bệnh tật đi kèm với chi phí chữa trị đắt đỏ, đối với Công, BHYT chính là “ân nhân” của không chỉ riêng em mà còn của cả gia đình. Nhờ gác bỏ được gánh nặng tài chính, Công có thể yên tâm chữa trị, phục hồi. Đến nay, Công đang hoàn thành chương trình học, tiếp bước trên con đường trở thành dược sĩ. Chàng sinh viên đại học Dược xúc động cho biết: “Với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, chính sách BHYT càng trở nên có giá trị và là chỗ dựa to lớn, tiếp sức cùng em chống chọi với bệnh tật”.
Tấm thẻ BHYT luôn đồng hành, chăm sóc tốt sức khỏe của người dân.
Với nhiều người dân từng phải chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, BHYT vừa là ân nhân, vừa là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Hơn cả những giá trị vật chất, với chị Quàng Thị Thoa (53 tuổi, giáo viên trường mầm non Trường Cọ, TP. Sơn La), thẻ BHYT là điểm tựa tinh thần giúp chị và gia đình yên tâm trong quá trình điều trị bệnh tật.
Năm 2023 của chị Thoa vất vả, khó khăn hơn thường lệ khi chị phải trải qua 4 ca phẫu thuật tràn dịch màng tim. Vượt quãng đường hơn 300km đến BV Việt Đức để chữa bệnh, chị Thoa cho biết trong suốt hành trình, thẻ BHYT là người bạn không thể thiếu, giúp chị chi trả hơn 300 triệu chỉ trong năm 2023.
“Khi rủi ro ập đến, việc có thẻ BHYT như một chiếc “phao cứu sinh” giúp người tham gia có thể yên tâm điều trị bệnh mà không phải quá lo lắng về chi phí điều trị. Vì vậy, mọi người dân cần tích cực, chủ động tham gia BHYT để chia sẻ với những người không may mắn mắc bệnh; đồng thời phòng ngừa rủi ro cho bản thân và gia đình với phương châm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, chị Thoa chia sẻ.
Cũng vừa trải qua ca phẫu thuật có chi phí lớn, chị Trịnh Thị Thắm (62 tuổi, trú tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cho biết bản thân đã bị thoái hóa khớp gối nhiều năm. Khi đôi chân không còn chịu đựng được những cơn đau giày vò, chị cùng con trai đến BV Việt Đức để điều trị. Sau ca phẫu thuật thay khớp gối, đến nay đôi chân chị đã có thể đi lại bình thường. Chị Thắm cho biết bản thân và chồng đã có nhiều năm tham gia BHYT. “Do tuổi cao sức yếu nên thẻ BHYT hỗ trợ rất đắc lực cho vợ chồng tôi mỗi khi ốm đau. Nay khớp gối tôi thoái hóa độ 4, phải chuyển tuyến lên BV Việt Đức để thực hiện phẫu thuật. Sau khi thanh toán toàn bộ chi phí, Quỹ BHYT đã hỗ trợ tôi gần 60 triệu. Với tôi và gia đình, đây là khoản tiền rất ý nghĩa”, chị Thắm cho biết.
Thực tế, đa số người dân khi tham gia BHYT đều không mong muốn sử dụng thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh; chủ yếu là phòng ngừa rủi ro khi không may ốm đau, bệnh tật cần phải điều trị. Nhờ ý thức được giá trị của thẻ BHYT là phòng ngừa rủi ro, nên nhiều người tham gia đã được chia sẻ gánh nặng về tài chính khi mắc bệnh phải điều trị chi phí cao.
Sự chia sẻ lớn về tài chính và tinh thần
Phía sau những lời tâm sự của chị Thoa, chị Thắm và em Công về sự che chở về mặt tâm lý và tài chính khi đi khám chữa bệnh, có thể cảm nhận được rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với những bệnh nhân nghèo. GS-TS. Đồng Văn Hệ- Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: Những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp người có Thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Nhiều trường hợp không may ốm đau có chi phí khám chữa bệnh lớn đã được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh giúp họ giảm gánh nặng kinh tế, có nhiều người bệnh được chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng.
Hiện nay, người dân tham gia KCB BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, hiệu quả.
Chia sẻ thêm về những trường hợp bệnh nặng có chi phí lớn, GS-TS. Đồng Văn Hệ cho biết: Có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”- hôn mê sâu, đồng tử giãn,… sau đó phải đặt những dụng cụ trở giúp bên trong sọ, thậm chí phải phẫu thuật rất nhiều lần, sau đó nằm hồi sức nhiều tháng trời. Mà chi phí ở khoa hồi sức rất tốn kém, thông thường thuốc men và các phương pháp trợ giúp cho phẫu thuật thần kinh, sọ não,… mỗi tháng phải tốn 300-400 triệu. May thay trường hợp ấy có BHYT nên trong hơn 2 tháng nằm viện, bệnh nhân đã được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Chắc chắn với một gia đình thu nhập trung lưu thì số tiền ấy rất khó khăn để trang trải. Nếu không có BHYT thì rất khó để bệnh nhân và gia đình có thể tiếp tục điều trị và quay trở lại với cuộc sống bình thường”.
“Về phía cơ sở y tế, việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân có BHYT cũng khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Khi ra những quyết định điều trị, bác sĩ chúng tôi muốn lựa chọn phương pháp tốt nhất cho người bệnh. Dẫu cho phương pháp điều trị quá tốn kém, nhưng người bệnh lại có BHYT thì bác sĩ sẽ dễ dàng quyết định hơn. Còn nếu phương pháp điều trị đắt tiền, người bệnh lại không có BHYT thì đôi khi vẫn phải làm nhưng tâm lý bác sĩ cảm thấy trăn trở khi suy tính đến điều kiện tài chính của người bệnh. Chúng tôi hy vọng BHYT bao phủ toàn dân, để bệnh viện chỉ tập trung vào chuyên môn, không phải đắn đo, lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân và bệnh nhân nào cũng an tâm điều trị, không phải lo về viện phí”- GS-TS. Đồng Văn Hệ cho biết.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bình luận