

Để chủ động ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xác định các địa bàn trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm cung ứng kịp thời cho các khu vực có khả năng bị chia cắt, cô lập.
Đồng chí Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngoài phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng và dự phòng trong mùa mưa lũ, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu có phương án dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Trong các tình huống bất khả kháng do lũ lụt, thiên tai gây tắc đường kéo dài ảnh hưởng đến việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu cho các khu vực bị chia cắt, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp kịp thời báo cáo về Sở Công thương để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo các ngành cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Thời điểm này, các đội QLTT trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng và nâng giá bán hàng hóa bất hợp lý. Vừa mới đây, trước và sau kỳ nâng giá xăng, dự báo nhu cầu tăng mà nguồn cung hạn chế, Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT tiến hành kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng. Nhắc nhở các đơn vị không găm hàng chờ giá lên, không gián đoạn việc bán hàng để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, không thể thiếu để phục vụ tiêu dùng, sản xuất và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Với vai trò quan trọng đó, từ tháng 4, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lai Châu (Petrolimex Lai Châu) và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch dự trữ và phương án cung ứng xăng dầu cho toàn hệ thống, chú trọng đến các khu vực thường xảy ra sạt lở, tắc đường trong mùa mưa lũ như các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập các bể chứa, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; chống trôi nổi xăng dầu khi các bể chứa bị ngập nước. Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán, thời gian bán hàng.
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, dù trên thị trường tỉnh nhiều cây xăng có thời điểm phải treo biển hết xăng, dừng đóng cửa, nhưng Petrolimex Lai Châu luôn đảm bảo lượng xăng cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.
Anh Trần Huy Quyền - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, Công ty chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ xăng, dầu mùa mưa lũ năm 2020. Theo đó, lập kế hoạch dự trữ xăng, dầu tại 8 khu vực gồm 16 cửa hàng phân bổ khắp các huyện, thành phố với 170m3 xăng và 170m3 dầu diezen. Đối với các địa bàn vùng sâu, xa, hay xảy ra tắc đường, Công ty có giải pháp vận chuyển xăng dầu từ sớm để phòng khi có tình huống xấu.
Cùng với các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng tăng nguồn hàng dự trữ trong các kho, đại lý, cửa hàng bán lẻ tại trung tâm các huyện, cụm xã vùng sâu vùng xa, các khu vực dễ bị chia cắt khi xảy ra mưa lũ. Qua đó, đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng thiên tai. Đồng thời, chủ động, sẵn sàng cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho vùng bị thiên tai.
Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng nguồn hàng dự trữ trên toàn hệ thống, nhất là khu vực dễ xảy ra chia cắt ở các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa mưa lũ năm 2020 ước khoảng 106 tỷ đồng. Trong đó: gạo 1.500 tấn, mỳ tôm 20.000 kiện, lương khô 12 tấn, dầu ăn 100 nghìn lít, nước mắm 100 nghìn lít; xăng 1.245m3, dầu diezen 1.370m3, dầu hỏa 100m3; tôn lợp trên 20.000m2, tấm lợp bằng vật liệu khác trên 10.000m2, đinh vít 40 tấn, dây thép 80 tấn…). Hàng hóa được phân bổ rộng khắp tại các kho, đại lý và các cửa hàng bán lẻ trong toàn tỉnh. Riêng mặt hàng xăng, dầu được dự trữ và cung ứng theo hệ thống 56 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu của 26 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đồng chí Lê Xuân Tiến cho biết thêm: Trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày đã huy động hết nguồn dự trữ tại chỗ, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa thiết yếu huy động các nguồn lực vận chuyển hàng hóa từ kho dự trữ đến các khu vực bị sạt lở gây chia cắt, đảm bảo không để thiếu hàng, sốt giá ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Với sự chủ động của các ngành, các cấp và sự chung tay của doanh nghiệp đầu mối, hy vọng sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa lũ năm nay. Hàng hóa thiết yếu đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh - quốc phòng; người dân không phải sử dụng hàng kém chất lượng và bị nâng giá bán bất hợp lý.
Tin đọc nhiều
Chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân
Hội đàm giữa Tiểu ban công tác cửa khẩu tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với Văn phòng hợp tác cửa khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ với thanh niên năm 2025

Tuyên truyền phòng, chống thiên tai vùng hạ du công trình thuỷ điện Huội Quảng - Bản Chát năm 2025

Địa phương đầu tiên của huyện Tân Uyên hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát

Hội thi mô hình báo tường

Thị trấn Than Uyên đẩy mạnh cải cách hành chính






