Thứ ba, 16/04/2024, 15:41 [GMT+7]

Bình ổn giá, bảo vệ người tiêu dùng

Thứ tư, 16/03/2022 - 08:45'
Hiện nay, trên địa bàn vùng cao Sìn Hồ, nhiều nhóm mặt hàng đang có chiều hướng hình thành mặt bằng giá mới, phần lớn các sản phẩm thuộc nhóm dược phẩm, nhiên liệu và thực phẩm đều tăng nhẹ. Để đảm bảo bình ổn thị trường, hiện nay, UBND huyện triển khai các giải pháp như tăng thêm nguồn cung, quản lý giá và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Sau dịp tết Nguyên đán là thời điểm bà con vùng cao huyện Sìn Hồ phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình xăng, dầu tăng giá. Để bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, dược phẩm, phân bón, huyện chủ động triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành tăng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Vận động các hộ kinh doanh công khai niêm yết giá, tuyên truyền tới người dân không tích trữ hàng hóa ồ ạt, đặc biệt với các loại hàng như: nhiên liệu, dược phẩm, phân bón... Nhờ được các cơ quan quản lý theo dõi thường xuyên nên trên địa bàn không xảy ra hiện tượng đầu cơ tích trữ và “thổi giá”.

Các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thị trấn Sìn Hồ đảm bảo hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Là huyện vùng cao, đời sống của đa số người dân còn khó khăn, việc cung ứng hàng tiêu dùng cơ bản dựa vào các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và chợ truyền thống. Các hộ kinh doanh thường không tích trữ hàng nên giá một số mặt hàng sẽ tăng nhẹ theo biến động thị trường như: các loại bánh kẹo nhập khẩu, nước giải khát, hóa chất tẩy rửa... Tuy nhiên, địa phương cũng phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như: lúa, rau màu và chăn nuôi gà, lợn, bò... nên các mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm được bình ổn, người dân có thể yên tâm về giá.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn huyện giá các loại gạo từ 18.000-23.000 đồng/kg tùy từng loại; thịt lợn mông 180.000-200.000 đồng/kg; thịt lợn thăn 200.000-250.000 đồng/kg; thịt bò từ 270.000-340.000 đồng/kg; gà từ 120.000-150.000 đồng/kg. Các sản phẩm thịt, gạo chủ yếu được nuôi trồng tại địa phương với các loại, rau, củ, quả, trái cây, nguồn cung về chợ vẫn đều, dù mức giá một số loại cao so với ngày thường do chi phí vận chuyển tăng. Đây là các sản phẩm đặc thù không thuộc nhóm thiết yếu nên không ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Đà - Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: Hiện, phòng đang tích cực theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường giá cả để kịp thời tham mưu cho UBND huyện các giải pháp bình ổn thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, phòng kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng tiêu dùng sau tết, nhất là đối với thực phẩm, dược phẩm, dịch vụ vận tải và thiết bị vật tư, vật liệu... không để xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ gây khó khăn cho người dân.

Về cơ bản, hiện nay trên địa bàn huyện Sìn Hồ tình hình cung cầu thị trường diễn ra theo đúng quy luật, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức, mẫu mã đẹp. Hàng được lưu thông trên địa bàn 21 xã, thị trấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bước sang tháng 3 do tình hình xăng, dầu tăng giá, chính quyền huyện, các phòng chuyên môn chủ động tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, quản lý chặt việc niêm yết giá các mặt hàng có nhu cầu tăng cao đột xuất. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải niêm yết công khai giá cước đúng quy định.

Chị Nguyễn Thị Hòa (chủ hộ kinh doanh hàng gia dụng tại thị trấn Sìn Hồ) cho biết: Vì giá cước vận chuyển hiện nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, mỗi lần nhập hàng tôi đều nhập số lượng nhiều hơn để giảm cước phí và được hưởng thêm ưu đãi từ nhà phân phối. Nhờ đó, tôi luôn đảm bảo được các sản phẩm bán với giá ổn định, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi mua sắm.

Sìn Hồ có nền kinh tế tự cung, tự cấp nên ít phụ thuộc bên ngoài, sản phẩm nông nghiệp phong phú, nhờ vậy nguồn hàng cung cấp không bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất của nông dân được duy trì; hoạt động kinh doanh của các hộ buôn bán ổn định nhờ chính sách bình ổn thị trường và quản lý giá của chính quyền địa phương.

Dự báo thị trường thời gian tới, giá xăng, dầu, ga, phân bón... có xu hướng tăng, để tiếp tục bình ổn thị trường, các cơ quan chuyên môn của huyện cần kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện chế độ báo giá thị trường công khai minh bạch, thường xuyên. Từ đó, bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...