

KỲ 1: XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP - MỆNH LỆNH TỪ THỰC TIỄN
Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: "Việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài". Đây không chỉ là sắp xếp về tổ chức bộ máy, mà còn là phân cấp, phân quyền rõ ràng, bố trí lại không gian phát triển, phân bổ nguồn lực hiệu quả. Mục tiêu lớn nhất xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cùng với địa phương cả nước tỉnh biên giới Lai Châu khẩn trương xây dựng “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu năm 2025” trên cơ sở các định hướng của Trung ương.
Tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hệ thống chính trị là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Từ trước đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên bộ máy hành chính của Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lặp chức năng, số lượng cán bộ quá lớn làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước và gây lãng phí nguồn lực xã hội, theo tính toán hiện nay ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên phục vụ cho hoạt động. Giải bài toán tinh gọn bộ máy, xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, một quyết sách mang tính bước ngoặt đã được thống nhất: triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025. Đây được xem là một cuộc “cách mạng”, bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100 năm” phát triển đất nước.
Tại tỉnh biên giới Lai Châu, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tỉnh đạt những kết quả nổi bật: Sau rà soát, sắp xếp toàn tỉnh đã giảm 298 tổ chức, 272 cán bộ lãnh đạo, quản lý; giảm 3.100 biên chế (giảm 15,9% so với năm 2015). Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố không đảm bảo tiêu chí theo quy định; thực hiện sáp nhập giảm 2 xã, 213 thôn, bản, tổ dân phố. Bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, tổ dân phố; tích cực khắc phục trưởng thôn, bản, tổ dân phố không là đảng viên. Đến nay, toàn tỉnh có 77,3% trưởng bản, tổ dân phố là đảng viên; 30,02% Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, tổ dân phố.
Lai Châu công bố các quyết định của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, bộ máy hành chính tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức điều này được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thẳng thắn thừa nhận trong báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Một số cơ quan, đơn vị tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn, vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; còn có nhiệm vụ cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều cơ quan cùng quản lý, chịu trách nhiệm. Cơ cấu tổ chức của một số đơn vị sự nghiệp chưa tinh gọn; hiệu quả hoạt động sau sắp xếp chưa cao. Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn thấp; xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công còn chậm; tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính chưa đạt kế hoạch”.
Làm rõ hơn vấn đề này, đồng chí Tẩn Thị Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường phân tích thêm: “Thực hiện chỉ đạo của trung ương, tỉnh có nhiều cải cách trong sắp xếp tinh gọn bộ máy nhưng nhìn thẳng vào sự thật tổ chức bộ máy bên trong của một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự được tinh gọn, chưa phân cấp, phân quyền rõ ràng dẫn đến tình trạng chồng chéo, né tránh công việc, hiệu quả phục vụ nhân dân chưa cao. Vì vậy, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tôi là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế giúp rút ngắn chuỗi quản lý, giảm bớt các thủ tục phức tạp góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi cho ngân sách, khơi dậy nguồn lực giúp Lai Châu phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các tỉnh miền xuôi.
Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc có diện tích 9.068,73 km2, dân số 512.601 người, 20 đồng bào dân tộc sinh sống. Địa hình chia cắt, đường biên giới dài, diện tích tự nhiên của một số xã, bản rất rộng; dân số không tập trung, năng lực cán bộ ở một số nơi còn hạn chế. Khi xây dựng phương án sáp nhập xã, bỏ cấp huyện tỉnh cân nhắc kỹ lưỡng về: vị trí, khoảng cách các xã, phường sau sáp nhập; phương án đặt tên, vị trí trụ sở trung tâm đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.
Với tinh thần “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, ngay sau khi có Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Đảng uỷ UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và triển khai xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tiễn của địa phương và những bài học kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính ở các giai đoạn trước Lai Châu đã thực hiện đồng bộ, bài bản, chất lượng “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu năm 2025”. Theo đó, tỉnh Lai Châu từ 106 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 38 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 36 xã và 2 phường), giảm 64,15% số đơn vị hành chính cấp xã" - ông Trần Việt Thắng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu nhấn mạnh.
Trong quá trình xây dựng “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu năm 2025” việc lựa chọn đặt tên, trung tâm hành chính mới được các ban, ngành thảo luận kỹ, xin ý kiến nhiều lần. Vì đây là điều hết sức nhạy cảm khi các xã có sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội, văn hoá và tâm lý chung của bà con muốn địa bàn mình sinh sống sẽ được đặt trung tâm hành chính mới. Trong bối cảnh đó, giải pháp tuyên truyền, giải thích, định hướng đã được các cấp uỷ chính quyền hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, có 36/36 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp (đạt tỷ lệ 100%) bảo đảm định hướng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số mở ra không gian phát triển cho các xã, quản lý hiệu quả địa bàn, gần dân, sát dân phục vụ nhân dân tốt nhất.
Thực hiện lời Bác dạy "Nước lấy dân làm gốc; gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, việc lấy ý kiến của nhân dân được cấp uỷ chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện dân chủ, khách quan, công khai và tôn trọng nguyện vọng của nhân dân. Đã có 106/106 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu năm 2025” với tỷ lệ cử tri đồng thuận chiếm 97,10%. Đây là cơ sở để Lai Châu sớm ổn định tổ chức bộ máy hành chính cấp xã mới và đi vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Với mục tiêu đảm bảo chính quyền địa phương sau sắp xếp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không bỏ trống lĩnh vực địa bàn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Thời điểm này, các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong toàn cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua các hình thức: họp chi bộ, thôn, bản; loa phát thanh, mạng xã hội... Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương, UBND các huyện, thành phố đã ban hành quy chế, quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ và giải quyết chính sách, chế độ đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Bàn các phương án sử dụng các trụ sở sau dôi dư để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài sản của nhà nước.
Việc thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền 2 cấp ở tỉnh Lai Châu không đơn thuần là sắp xếp theo cơ học mà là cuộc “cải cách” có ý nghĩa lịch sử, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, hành động dứt khoát và sự đồng thuận của toàn xã hội.
(còn nữa)
Tin đọc nhiều

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

Đại hội Chi bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030
Hội Cựu chiến binh tỉnh: Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 7 khoá VII

Địa phương đầu tiên của huyện Tân Uyên hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Kỳ 2: Ý Đảng – thuận lòng dân

Học Bác để phát triển nông nghiệp bền vững

Học Bác là “tự soi, tự sửa, tự vươn lên” vì nhân dân

Bồi đắp lý tưởng cho thanh niên




![[Video] Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương](https://baolaichau.vn/uploaded/post/2025/05/25/440baab9-2a50-4ed3-91e5-0ed29dd91396.png)




