Thứ tư, 16/10/2024, 03:44 [GMT+7]

Hàng Việt ở Nậm Ban

Thứ sáu, 08/04/2022 - 09:45'
Xã biên giới Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) có gần 400 hộ, với 2.052 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc: Mảng, Mông, Hà Nhì sinh sống tại 6 bản, kinh tế của nhiều hộ gia đình hạn hẹp. Xã cách xa trung tâm huyện hơn 100km, địa hình đồi núi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn... Do đó, trước đây, dân bản thường tìm đến các mặt hàng giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình.

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn hàng hóa được sản xuất trong nước, hộ kinh doanh buôn bán nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra ca, vụ ngộ độc do thực phẩm.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp thăm xã Nậm Ban, quan sát thấy khu trung tâm xã rất nhộn nhịp, hình ảnh người bán, người mua ra vào tấp nập, các mặt hàng được bán hầu hết là hàng Việt Nam. Có mẫu mã, chủng loại phong phú, đa dạng như: lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập, hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng... Những mặt hàng này được người dân vùng cao ngày càng tin dùng bởi có giá cả phù hợp, chất lượng tốt.

Chị Lò Thị Chuyên (bên phải), chủ cửa hàng tạp hóa tại trung tâm xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) giới thiệu sản phẩm do Việt Nam sản xuất cho khách hàng.

Chị Lò Thị Chuyên, chủ cửa hàng tạp hóa tại bản Nậm Ô (xã Nậm Ban) cho biết: “Tôi kinh doanh cửa hàng tạp hóa từ năm 2010, ngày đó, hàng Việt không nhiều, chỉ chiếm khoảng 45%. Từ khi có chủ trương khuyến khích dùng hàng nội, người dân nhận thấy hàng Việt an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp hơn nên bà con ngày càng tin dùng. Hàng hóa của gia đình tôi 100% là hàng Việt Nam, chủ yếu nhập ở các đại lý trong tỉnh, mỗi 1 sản phẩm đều ghi hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã lại đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân nơi đây”.

Đến nay, hàng Việt Nam đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị phần ở xã vùng cao Nậm Ban, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói quen sử dụng hàng nội. Điều đó được thể hiện qua việc người dân đến mua hàng hóa đã quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc sản phẩm. Ưa chuộng dùng hàng Việt, có ghi nơi xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng chứ không ham rẻ, mua hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng như trước.

Cầm trên tay chai nước mắm Nam Ngư, chị Lý Thị Phương (bản Nậm Ô) chia sẻ: “Trước kia đi chợ mua đồ, chúng tôi quan tâm đến giá cả, loại nào rẻ hơn thì mua. Nay được cán bộ xã, bản tuyên truyền cũng như xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc ăn uống đảm bảo vệ sinh là rất cần thiết. Do đó, bây giờ tôi chỉ chọn mua những mặt hàng được sản xuất trong nước, có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng...”.

Ông Lý Văn Thậm - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: Để hàng Việt có chỗ đứng bền vững hơn nữa trên thị trường, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng Việt. Yêu cầu các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn bán các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tạo điều kiện cho các tiểu thương, các xe hàng lưu động đến kinh doanh, buôn bán tại địa phương để người dân được tiếp cận với nhiều mặt hàng đa dạng, kích cầu tiêu dùng nhiều sản phẩm hàng Việt trong Nhân dân…

Gió Pư

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...