Thứ ba, 19/03/2024, 15:17 [GMT+7]

Hiểm họa khôn lường nếu tự mua thuốc điều trị COVID-19

Thứ năm, 30/12/2021 - 09:16'
Mặc dù các chuyên gia y tế và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân cần cẩn trọng, không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, một phần do thực tế hiện nay, nhiều F0 thể nhẹ, nên dẫn tới tâm lý một số người chủ quan, thờ ơ với khuyến cáo trên. Việc tự dùng thuốc điều trị COVID-19 mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất nguy hiểm.

Hiện nay có nhiều toa thuốc điều trị COVID-19 khác nhau được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, do đó, nhiều người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã ra hiệu thuốc mua ngay một toa về uống. Các chuyên gia y tế khuyến cáo đây là điều vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân không nên hoang mang, cần khai báo y tế để được tư vấn về chuyên môn trong chăm sóc và điều trị để nhanh khỏi bệnh.

Lý giải nguyên nhân vì sao không khai báo y tế mà tự ý mua thuốc về điều trị, chị Nguyệt (người nhiễm COVID-19, ngụ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây chồng chị cũng đã từng bị mắc COVID-19 do đó, các loại thuốc về cơ bản chị cũng đã biết. Hơn nữa, giờ rất nhiều người bị nhiễm nhưng thấy họ đều điều trị ở nhà 1,2 tuần là khỏi, không “sợ” như trước nữa vì thế chị “tự điều trị” cho mình. “Một số người khai báo y tế tại địa phương tôi thấy cũng chỉ được cấp phát thuốc hạ sốt, vitamin C. Tôi chỉ hơi ho nhẹ, cảm nhận cơ thể mình hoàn toàn khỏe mạnh, hơn nữa bản thân cũng đã được chích ngừa 2 mũi vắc xin rồi, do đó, cũng không cần khai báo y tế cho thêm rắc rối”, chị Nguyệt chia sẻ.

Trường hợp như chị Nguyệt không phải số ít tại TP Hồ Chí Minh. Thậm chí ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng đã có rất nhiều người bị mắc COVID-19 mà không khai báo y tế, và họ lựa chọn cách tự điều trị tại nhà. Họ có thể sử dụng toa thuốc của người thân đã từng bị nhiễm COVID-19 và điều trị khỏi trước đó hoặc mua thuốc theo sự “truyền tai” nhau trên mạng xã hội.

Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 - một trong những đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua trao đổi với người nhà của các bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 trong thời gian qua thì nhiều người đã không khai báo y tế tại địa phương. Lý do được họ chia sẻ chủ yếu là bởi họ sợ phải cách ly. Bên cạnh đó, cũng có một số người nghĩ rằng, có gọi khai báo y tế cũng sẽ khó nhận được sự hỗ trợ…

Ở đây, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, y tế cơ sở của chúng ta còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Đặc biệt, chưa đáp ứng kịp với diễn biến quá nhanh, sự phức tạp khó lường của dịch bệnh COVID-19, vì thế chưa đáp ứng tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ sự chủ quan của người dân. Điều đó có thể xuất phát từ chính “thói quen” tự điều trị trong rất nhiều bệnh thông thường khác.

Có lẽ cũng vì thế mà hiện nay khi có nhiều toa thuốc điều trị COVID-19 khác nhau được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, bao gồm kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus.. thì nhiều người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã ra hiệu thuốc mua ngay một toa về uống.

Bác sĩ Ân cũng như các chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng không khai báo y tế đang gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, khiến dịch bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tự ý dùng thuốc, không tham khảo ý kiến chuyên môn còn rất nguy hiểm, đã khiến cho không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, thậm chí rất nặng trước khi nhập viện, đồng thời còn gây khó khăn cho các phác đồ điều trị sau này. Đặc biệt, việc mua thuốc không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. “Đối với bất kỳ bệnh lý nào, uống thuốc phải đúng thời điểm. Khi bác sĩ kê toa thì toa thuốc ấy phù hợp với thời điểm của người bệnh và phù hợp với cơ địa, thể trạng của người uống thuốc. Không có toa thuốc dùng chung cho tất cả mọi người. Có những toa thuốc hiệu quả với người này nhưng sử dụng cho người khác lại có biến chứng phụ rất nguy hiểm, do đó người dân cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc”- TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.

Từ thực trạng trên, để các trường hợp F0 điều trị tại nhà có thêm thông tin về sử dụng từng loại thuốc cho phù hợp, bác sĩ Châu cũng đã chia sẻ cụ thể.

Theo đó, trong vòng 3-5 ngày đầu sau khi nhiễm COVID-19 là giai đoạn cơ thể đề kháng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong cơ thể. Giai đoạn này cần sử dụng 2 nhóm thuốc: nhóm thuốc điều trị triệu chứng và nhóm thuốc kháng virus. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, đau họng, nhức mỏi cơ thì cần uống thuốc điều trị các triệu chứng này. Nhóm thứ hai là thuốc kháng virus để ngăn chặn sự nhân lên của virus. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Giai đoạn này tuyệt đối không được dùng nhóm thuốc kháng viêm (chứa corticoid), vì đây là thuốc ức chế phản ứng viêm, làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch, giúp virus phát triển mạnh hơn. Trong 5 ngày đầu, nếu dùng cả corticoid và kháng virus thì thuốc kháng virus sẽ bị mất tác dụng, virus nhân lên nhiều hơn, người bệnh dễ diễn tiến nặng và có biến chứng nguy hiểm. Đó là chưa kể đến tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng viêm, ví dụ người bị loét dạ dày tá tràng dùng kháng viêm có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Thuốc kháng đông cũng không có giá trị trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, do lúc này cơ thể chưa xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến đông máu.

Nhân viên y tế phường 25, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà 

Bác sĩ Châu cũng nói thêm, F0 dùng thuốc kháng đông, kháng viêm cần có sự quản lý chặt chẽ của nhân viên y tế, bởi đây là các loại thuốc cần được kê toa, theo dõi sát tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt là thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết dữ dội, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Một loại thuốc mà nhiều người dân thường mua về sử dụng không hợp lý theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu là các loại kháng sinh. Loại thuốc này không cần thiết để điều trị COVID-19 trong giai đầu, khi người bệnh điều trị tại nhà. Nguyên nhân là kháng sinh điều trị vi trùng, còn bản chất mắc COVID-19 là nhiễm virus. Trong giai đoạn đầu mắc bệnh, người bệnh thường không bị nhiễm vi trùng.

Kháng sinh có thể dẫn đến các tác dụng phụ như dị ứng, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, gây hại cho người dùng. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.  Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân thường khi nhập viện điều trị hơn một tuần, phải thực hiện thủ thuật xâm lấn như thở máy, có nhiễm khuẩn bệnh viện.

Từ thực tế hiện nay, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân thật sự hiểu được hậu quả của việc dùng thuốc “tùy tiện”. Bên cạnh đó, cần tăng cường nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở để đảm bảo người dân được chăm sóc, theo dõi, điều trị tốt nhất. Và điều quan trọng, nếu không may bị nhiễm COVID-19 chúng ta nên khai báo đầy đủ thông tin với y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể trong việc điều trị tại nhà đặc biệt là người bệnh sẽ được can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của mỗi người.

Cập nhật Thứ ba, 28/12/2021 16:17 (GMT+7)/V.Lê/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...