Thứ tư, 08/05/2024, 19:00 [GMT+7]

Hiệu quả gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Nhân dân tái định cư

Thứ hai, 20/12/2021 - 14:04'
Cùng với việc quan tâm đến đời sống, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ trồng chè, nuôi cá, trồng mắc-ca, chăn nuôi... cho bà con tái định cư dự án Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, lãnh đạo huyện Than Uyên thường xuyên gặp gỡ, tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, trao đổi những kiến nghị, vấn đề mới nảy sinh từ cơ sở để kịp thời giải quyết. Qua đó, tạo sự đồng thuận, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Dự án Thủy điện Huổi Quảng có công suất 520MW và Bản Chát có công suất 220MW do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Nằm trong vùng dự án, huyện Than Uyên có 2.179 hộ/13.433 nhân khẩu phải di chuyển; tổng số 7 khu và 37 điểm TĐC. Sau hơn 15 năm, cuộc sống Nhân dân cơ bản ổn định, nhiều hộ có đời sống kinh tế khá giả hơn trước. Quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án từ năm 2006 đến năm 2021, huyện đã giải quyết, trả lời 1.066 đơn/1.066 đơn về chính sách bồi thường (thiếu khối lượng kiểm đếm; thiếu đơn giá; thiếu chính xác). Sau khi được giải quyết và trả lời, đa số người dân đồng thuận và không còn kiến nghị nữa.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Than Uyên trò chuyện với người dân tái định cư.

Tuy nhiên, một số hộ mặc dù đã biết, nắm được chính sách nhưng vẫn cố tình lôi kéo, kích động một số người dân tham gia khiếu kiện về cơ quan Trung ương; một số hộ thuê cả luật sư khởi kiện hành chính ra tòa án. Mặc dù có các kết luận của cơ quan chức năng (Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu; Tòa án Cấp cao tại Hà Nội), nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Nội dung về yêu cầu công khai, giao cho từng hộ bị thu hồi đất các thủ tục, quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi trả số tiền hỗ trợ cho các hộ dân đã tự lo chỗ ở cho gia đình mà không phải về nơi tái định cư tập trung (cụ thể 700.000.000 đồng/hộ); chi trả số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 9/8/2009 của UBND tỉnh Lai Châu.

Ông Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: “Trước những kiến nghị của bà con, huyện tổ chức nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại để bà con hiểu rõ, cụ thể các chính sách đối với việc bồi thường GPMB dự án Thủy điện Bản Chát, Huội Quảng. Tại mỗi buổi gặp gỡ, người dân được giải thích thêm về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn huyện. Ngoài các chính sách về di dân, Đảng, Nhà nước, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như: cấp giống lúa, giống cây ăn quả, trồng chè, cây mắc-ca, máy móc nông nghiệp, làm chuồng trại chăn nuôi, nuôi cá lồng, đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Ông Lò Văn Hương cho biết thêm, công tác đền bù GPMB đã được thực hiện công khai và chi tiết, cụ thể. Các hộ dân đều biết, UBND xã và bản cũng đã xác nhận bằng biên bản cụ thể; phương án đền bù GPMB được phê duyệt, các hộ dân đã nhận đầy đủ 100% số tiền theo phương án và đồng thuận.

Sau mỗi lần đối thoại với bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, đại diện các hộ dân và 127 hộ tham gia khởi kiện đã nắm rõ hơn các chính sách của Nhà nước, các hộ cũng đã hiểu viết đơn khiếu kiện khi không có căn cứ là sai và từ giờ không tham gia khiếu kiện. Cùng với đó, nhiều hộ cũng đến cơ quan có thẩm quyền xem hồ sơ và đồng thuận nhất trí cao với kết quả chi trả.

Điều đáng bàn là một số hộ dân thuê luật sư khởi kiện cũng đã phải bỏ ra một khoản tiền để trả cho luật sư, mỗi hộ trung bình từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với lời hứa hẹn sẽ kiện lấy lại số tiền thiếu hụt. Nhưng thực tế lấy đâu ra, khi huyện đã chi trả đầy đủ chính sách cho Nhân dân theo quy định của Nhà nước và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đó chỉ là chiêu trò dụ dỗ những người dân không hiểu biết để lôi kéo và kích động; vừa mất tiền, mất thời gian, công sức, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Ông Tòng Văn Hưởng (bản Then, xã Mường Kim) tâm sự: “Sau khi gặp gỡ đối thoại, được các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trả lời các kiến nghị, tôi biết lãnh đạo huyện luôn quan tâm và kiến nghị tỉnh, Trung ương để trả lời thấu đáo. Trước đây, bà con cứ nghĩ kiến nghị sẽ không được trả lời nhưng sau mỗi lần đối thoại tôi thấy người đứng đầu huyện quan tâm, sâu sát và có các văn bản của cơ quan thực thi pháp luật trả lời rõ ràng theo đúng quy định của Nhà nước”.

Sau mỗi lần gặp gỡ, đối thoại, đồng chí Hoàng Hữu An - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Than Uyên cũng ghi nhận những ý kiến tâm huyết chính đáng của bà con và chia sẻ với sự hy sinh của người dân TĐC trong việc góp phần vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định huyện luôn quan tâm đến đời sống, hỗ trợ kịp thời các chính sách của Trung ương, tỉnh để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bí thư Huyện ủy Than Uyên cũng đề nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận các bản TĐC tiếp tục tuyên truyền cho người dân đoàn kết, ổn định đời sống, vận dụng các chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp của tỉnh để canh tác, sản xuất, vươn lên cùng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...