Thứ năm, 28/03/2024, 19:49 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả tiêm chủng mở rộng

Thứ hai, 14/02/2022 - 15:35'
Tiêm vắc-xin được xem là phương pháp hữu hiệu để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo thời điểm, theo mùa, nhất là hiện nay khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp với tỷ lệ vùng, người nhiễm ngày càng tăng. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ - những “mầm xanh” tương lai của đất nước và phụ nữ mang thai trên địa bàn, phòng, chống dịch bệnh lây lan, thời gian qua, Trạm Y tế xã Mường Than (huyện Than Uyên) triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng.

Tại Trạm Y tế xã Mường Than cứ vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 10 hàng tháng (ngày quy định tiêm chủng), thường rất đông người dân đưa con tới tiêm. Vừa cho con tiêm xong, chị Hà Thị Pỏm ở bản Mường chia sẻ với chúng tôi: “Con tôi được 6 tháng tuổi, qua tuyên truyền và tìm hiểu thông tin tôi biết được tiêm vắc-xin là phương pháp phòng tránh các loại bệnh dịch theo mùa nên tôi thường xuyên theo dõi lịch tiêm chủng hàng tháng để đưa con đi tiêm theo đúng quy định, bảo đảm con được tiêm đúng, đủ các mũi vắc-xin cần thiết. Mỗi lần tới trạm tiêm tôi đều được nhân viên y tế giới thiệu các loại thuốc trước khi tiêm, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sau tiêm và thông báo lịch tiêm các mũi tiếp theo. Tôi thực hiện tốt việc tiêm chủng cho trẻ để con có một cơ thể khỏe mạnh, phát triển tốt, hạn chế bị nhiễm bệnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Than tiêm chủng cho trẻ em.

Chứng kiến một buổi tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Mường Than, chúng tôi thấy trạm chấp hành nghiêm các quy định về tiêm chủng, nhất là hiện nay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trạm đã sắp xếp khoa học từng khu vực. Ngay cổng vào trạm chuẩn bị nước sát khuẩn tay, ghế ngồi chờ tiêm đều đảm bảo khoảng cách xa nhau. Trước khi tiêm, người được tiêm được đo thân nhiệt, khám sàng lọc, cân, được cán bộ giới thiệu về thuốc, bố trí phòng ngồi chờ sau tiêm. Sau tiêm 30 phút khám lại sức khỏe ổn định mới được về.

Được biết, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn đạt hiệu quả, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng, định kỳ, góp phần phòng tránh các bệnh nói chung, bệnh truyền nhiễm theo thời điểm, theo mùa như: lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, uốn ván, bại liệt, sởi-rubella, tả… Trạm Y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Phối hợp với chính quyền địa phương, y tế bản rà soát số trẻ nằm trong độ tuổi tiêm chủng, phụ nữ mang thai để lập danh sách và lên kế hoạch dự trù vắc-xin tiêm. Đảm bảo đúng, đủ vắc-xin và không để sót đối tượng được tiêm. Phó trưởng Trạm Y tế xã Mường Than - Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Trạm đa dạng các hình thức tuyên truyền (bằng hình ảnh, pano trực quan, qua loa phát thanh) tại các bản, chợ trung tâm xã; cử cán bộ y tế trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với y tế thôn bản tuyên truyền trực tiếp. Với đặc thù là xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống; vì vậy Trạm Y tế xã phối hợp với trưởng bản, bí thư chi bộ tuyên truyền, vận động bằng tiếng dân tộc. Cấp phát sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; kết hợp việc tiêm chủng hàng tháng, cán bộ y tế nhắc nhở và ghi vào sổ lịch tiêm mũi vắc-xin tiếp theo để người tiêm và gia đình có thể nắm thông tin.

Để tránh trường hợp quên lịch tiêm chủng, trước khi triển khai tiêm chủng 1-2 ngày cán bộ y tế thông báo lịch tiêm trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản và thông báo cho trưởng bản để thông báo, nhắc nhở người dân đưa con em tới tiêm đúng quy định. Đặc biệt, đối với những trường hợp không đưa con đi tiêm hoặc chính bản thân, gia đình phụ nữ có thai không tiêm vắc-xin, trạm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trưởng bản, người có uy tín, nhất là những người dân có trình độ hiểu biết, chấp hành tốt việc tiêm chủng đến từng nhà, từng người để tuyên truyền, giải thích và vận động. Cùng với đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về kỹ năng tổ chức, thực hành tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm và quản lý, bảo quản, sử dụng vắc-xin cho đội ngũ y, bác sỹ. Xây dựng kế hoạch tiêm chủng hàng tháng; chuẩn bị trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế đảm bảo phục vụ tốt công tác tiêm chủng. Đồng thời, xây dựng các phác đồ xử lý, điều trị những tình huống, bệnh nhân bị sốc phản vệ sau tiêm nếu có. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trước khi triển khai tiêm chủng, thông qua hệ thống loa truyền thanh, các trưởng bản thông báo lịch tiêm theo từng giờ nhằm giảm tình trạng chờ lâu, hạn chế việc tụ tập đông người cùng một lúc.

Với những giải pháp thiết thực, nhiều năm qua công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn xã được duy trì nề nếp, chất lượng tiêm chủng không ngừng được nâng lên. Năm 2021, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc-xin đạt gần 98%; phụ nữ có thai được tiêm uốn ván đạt 95%. Trên 95% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19; người từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm vắc -xin phòng Covid-19 đạt 82%; góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phòng, chống các dịch bệnh lây lan.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...