Thứ bảy, 27/04/2024, 09:25 [GMT+7]

Nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm mía tím

Thứ tư, 16/02/2022 - 20:25'
Chịu tác động của dịch Covid-19, sức tiêu thụ mía tím trên địa bàn huyện Phong Thổ phần nào bị ảnh hưởng. Bà con nông dân trong huyện đã phát huy tinh thần vượt khó, sức sáng tạo để tìm đầu ra cho sản phẩm mía tím đảm bảo mùa vụ cũng như nguồn thu nhập.

Chúng tôi đến thăm huyện Phong Thổ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, được chứng kiến không khí hăng hái thi đua lao động sản xuất của bà con nông dân các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Khắp các sườn núi, trên các cánh đồng, bà con nông dân chăm chỉ chăm sóc chuối, ngô, tỉa dặm lúa. Sau những trận mưa đầu xuân, cây trồng được tưới mát, phủ màu xanh đậm, căng tràn sức sống. Tô điểm cho bức tranh chung ấy là hình ảnh nông dân hối hả thu hoạch mía và bán mía dọc theo các trục đường lớn, khu vực tập trung đông dân cư và chợ Mường So.

Gia đình chị Lừu Thị Mặn (thôn Tây Sơn, xã Mường So) duy trì việc nấu mật mía cung ứng ra thị trường.

Chị Vàng Thị Tương (ở bản Cang, xã Khổng Lào) bộc bạch: “Gia đình tôi trồng hơn 1ha mía tím. Từ tháng 8/2021 đến nay, vợ chồng tôi chủ động bố trí công việc đồng áng, cứ rảnh rỗi là chặt mía, vận chuyển ra khu vực tỉnh lộ 132 đoạn chạy qua xã để bán lẻ. Với giá bán 10.000 đồng/túi mía róc sẵn, mỗi ngày tôi thu được khoảng 200.000-300.000 đồng, cao nhất được trên 1 triệu đồng. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã bán được 1/3 diện tích mía, thu về 30 triệu đồng, dự kiến bán hết vườn thu được 80-90 triệu đồng”.

Trao đổi với đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ được biết, người dân trong huyện trồng nhiều mía tím khoảng 5 năm nay, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Khổng Lào, Mường So và Bản Lang. Mía tím có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Đặc biệt, không kén đất, đối với những diện tích thiếu nước, bà con chuyển đổi sang trồng mía rất phù hợp. Địa hình các xã khá bằng phẳng nên việc vận chuyển dễ dàng. Khi ăn mía tím giòn, có vị ngọt sắc, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Những năm trước số lượng hộ và diện tích trồng mía tím ít, sức tiêu thụ mạnh, thương lái trong huyện và thành phố Lai Châu vào tận vườn để tìm mua, việc bán mía tím đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, gần đây diện tích trồng mía ngày càng được mở rộng (tổng 3 xã là 6ha) trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh doanh buôn bán chậm, nhiều người dân không đi làm ăn xa, nguồn thu nhập giảm, kéo theo sức mua giảm. Thậm chí, trước đây mỗi khi trong xã, bản có hộ gia đình có việc hỷ, về nhà mới cũng đặt mía tím làm đồ tráng miệng thì nay việc đặt mua ít dần. Đó chính là lý do khiến người nông dân phải chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Vàng Văn Hới - Bí thư Chi bộ bản Cang (xã Khổng Lào) nói: “Trong bản tôi có nhiều hộ trồng mía tím. Kinh nghiệm trồng lâu năm, chăm sóc cẩn thận, cây mía hầu hết phát triển tốt, cho sản lượng ổn định. Có điều khác với cây sắn có thể để lưu 2 năm thu hoạch thì cây mía tím phải thu hoạch trong năm. Thời vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 8 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Nếu thu hoạch muộn cây mía thường bị xốp trong thân, giảm độ ngọt, cây nứt, làm giảm năng suất, chất lượng”.

Cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều ngày nay, người dân 3 xã chủ động hình thức bán mía tím cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình như: ép mía làm nước giải khát, róc mía bán theo túi. Mới đây, nắm bắt được nhu cầu sử dụng mật mía để làm các loại bánh (bánh bỏng, bánh mật, bánh trôi), nấu ăn (kho thịt, nấu cá)… một số hộ dân còn chủ động nấu mật mía tăng đầu ra cho sản phẩm, có thể kể đến gia đình các ông: Mùng Văn Phúc, Lành Văn Tộ (ở bản Bản Lang 2, xã Bản Lang); chị Lừu Thị Mặn (thôn Tây Sơn, xã Mường So); bà Nông Thị Sọn (bản Đớ, xã Khổng Lào)…

Cùng con trai chuẩn bị mía nấu nồi mật mới, chị Lừu Thị Mặn (thôn Tây Sơn, xã Mường So) kể, gần 10 năm nay, gia đình chị trồng 2.000m2 mía. Thông thường chị hay ngồi bán lẻ ở đầu đường lớn của xã, riêng năm 2020, gia đình chị đầu tư 5 triệu đồng mua 1 máy ép mía về ép nấu mật, vừa sử dụng trong gia đình vừa bán ra thị trường thì thấy bà con khen ngon, ủng hộ nhiệt tình. Năm 2021, chị đã nấu được 40 lít mật phục vụ khách hàng trước và sau tết, thời gian tới chị tiếp tục duy trì việc nấu mật mía.

Với gia đình ông Mùng Văn Phúc, nấu mật mía không chỉ phù hợp với điều kiện gia đình thiếu nhân lực đi bán lẻ mà còn là cách để ông khôi phục nghề nấu mật mía truyền thống được cha ông để lại từ 40 năm trước. Nấu mật mía quy trình đơn giản, lại tận dụng được những đoạn đầu, đuôi và cả những cây mía xấu, khó bán. Gần đây, gia đình ông đã nấu được 70 lít mật mía, với giá bán 70.000 đồng/lít gia đình thu về gần 5 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Bán lẻ mía róc sẵn và nấu mật mía là giải pháp trước mắt của người dân huyện Phong Thổ nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, tận dụng nguồn thu, về lâu dài cần có giải pháp dài hơi hơn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của bà con tin rằng mọi khó khăn sẽ được giải quyết, cây mía tiếp tục cùng với các cây trồng khác giúp bà con thêm thu nhập, đẩy lùi đói nghèo.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...