

Xã Lê Lợi có 351 hộ, 1.501 nhân khẩu, 98% là dân tộc Thái. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức tự cung tự cấp. Do đó, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi liên tiếp xảy ra đã khiến hàng trăm con lợn bị chết, tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi lợn. Để khôi phục lại, sau mỗi lần công bố hết dịch, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, khuyến khích hộ chăn nuôi tái đàn lợn. Từ năm 2019, người dân xã Lê Lợi tái đàn lợn với số lượng ngày càng nhiều. Điển hình là bản Co Mủn, hiện bản có hơn 340 con lợn.
Mô hình chăn nuôi lợn của người dân bản Chang (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn).
Ông Mào Văn Dũng - Trưởng bản Co Mủn cho biết: “Bản tôi có 71 hộ đều chăn nuôi lợn, hộ nuôi ít thì 2 - 3 con, hộ nhiều từ 10 - 50 con. Nhiều hộ từ chăn nuôi lợn đã thoát nghèo, trong đó có gia đình bà Lường Thị Đại, ông Lù Văn Hoàn... Đến nay, bản chỉ còn 13 hộ nghèo. Nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi lại giảm, dân bản chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Mặc dù nuôi lợn bằng cám gạo, ngô, sắn đem lại hiệu quả thấp nhưng nếu nuôi 100% bằng thức ăn công nghiệp thì chúng tôi không biết xoay vốn ở đâu để mua. Cứ tình trạng này kéo dài thì việc chăn nuôi của bà con sẽ lỗ vốn nặng”.
Chúng tôi tiếp tục đến bản Chang, thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lò Văn Thiện - một trong những trang trại có quy mô lớn nhất xã Lê Lợi. Với diện tích 500m2, gia đình anh xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư nuôi lợn với số lượng gần trăm con từ những năm 2016. Anh Thiện chia sẻ: “Nhờ chăm sóc, phòng bệnh cũng như vệ sinh chuồng sạch sẽ nên đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt; ít bị dịch bệnh. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 100 con lợn, trong đó có 22 con lợn thịt, mỗi con trên 80kg đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng nhiều ngày nay, mặc dù tôi đã gọi thương lái đến xuất bán vẫn chưa có người vào mua. Hiện, gia đình chỉ cho lợn ăn cầm chừng, không dám đầu tư thêm”.
Trước những khó khăn như vậy, người chăn nuôi đã tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ (tự nấu cám, sử dụng bột ngô, gạo) thay thế thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, những biện pháp này đều chưa mang lại hiệu quả. Không riêng gia đình anh Thiện mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của xã Lê Lợi đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho lợn hơi, bởi hầu hết lợn tại địa phương chủ yếu được bán cho các thương lái ở Nậm Nhùn và các địa phương lân cận nhưng với số lượng nhỏ.
Qua tìm hiểu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong nước bùng phát kéo theo thức ăn chăn nuôi tăng mạnh (khoảng 60 - 70 nghìn đồng/1 bao 25kg so với cùng kỳ năm 2020) trong khi đó giá xuất bán lợn hơi lại giảm từ 15 - 20% nên người chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như vài tháng trước đây giá thịt lợn hơi được các thương lái thu mua với giá dao động từ 65 - 70 nghìn đồng/kg, đến nay giá lợn hơi giảm xuống còn 50 - 52 nghìn đồng/kg. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi thì người chăn nuôi không có lãi mà thậm chí lỗ vốn.
Ông Mào Việt Hoa - Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Đến nay, toàn xã có trên 1.190 con lợn (đạt 101,1% kế hoạch), trong đó nuôi nhiều nhất ở các bản: Co Mủn 342 con; Lao Chen 315 con, bản Chang hơn 200 con. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, giá bán lợn hơi xuống thấp, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, cùng với đó là việc tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn đã và đang làm cho người chăn nuôi lợn không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhiều hộ không dám đầu tư hoặc chăn nuôi cầm chừng. Trước tình trạng đó, xã thường xuyên cử cán bộ xuống các bản tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt việc nuôi lợn nái, tái đàn lợn thịt có kiểm soát. Hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường…
Để người chăn nuôi trên địa bàn xã Lê Lợi yên tâm tái đàn, tăng đàn lợn, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành huyện, tỉnh trong việc bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, định hướng phát triển đàn lợn, ổn định thị trường đầu ra.
Tin đọc nhiều

Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn

Bản Lao Chải 1: Thu hút nhiều du khách

Độc đáo văn hoá người Hà Nhì đen ở Dào San

“Vườn cổ tích” giữa lòng thành phố trẻ

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm đóng gói sẵn

Tam Đường siết chặt vùng trồng hoa hồng

Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả


_1714034525176.jpg)



_1699111413486.jpg)


