Thứ sáu, 29/03/2024, 14:33 [GMT+7]

Phòng tai nạn đuối nước ở trẻ em

Thứ tư, 28/07/2021 - 16:07'
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 vụ đuối nước, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng trẻ em tai nạn đuối nước vẫn diễn ra, cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Gần đây nhất có trường hợp cháu bé Mò Văn Đông (SN 2014 ở xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên) bị đuối nước thương tâm vào cuối tháng 5 vừa qua. Không khí đau thương vẫn bao trùm ngôi nhà của anh Mò Văn Sơn (bố của cháu Đông). Gần 2 tháng trôi qua nhưng cái chết của con làm vợ chồng anh suy sụp, cứ ngỡ con đang đi chơi cùng các bạn. Nén nỗi đau anh Sơn tâm sự: Hôm đó trời nắng nóng, vợ chồng tôi lại mải công việc nên cháu Đông tự ra suối chơi và tắm. Do xảy chân nên con đã ra đi mãi mãi, giờ chúng tôi có hối hận thì con cũng không về. Qua đây chỉ mong mọi người hãy quan tâm tới các con, đừng để trẻ em ra sông suối, ao hồ một mình. Các cháu còn quá nhỏ không hiểu hết được mối nguy hiểm khi một mình ra sông, suối tắm.

Trẻ em chơi, tắm ở khu vực sông, suối không có người lớn quản lý dễ xảy ra nguy cơ tai nạn đuối nước. (Ảnh chụp ngày 28/6/2021 ở cọn nước bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường).

Tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh, đặc biệt là mỗi dịp hè khi các cháu được nghỉ học lại là thời điểm nắng nóng nên trẻ thường rủ nhau ra các ao hồ, sông suối để chơi và tắm. Chị Lê Thị Thanh Thủy - Trưởng Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh-Xã hội) cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: sông, suối, ao, hồ. Bên cạnh đó, một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bị đuối nước. Hoặc cũng có những trường hợp các em cứu lẫn nhau dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Việc để trẻ ra sông suối tắm không có người lớn là rất nguy hiểm. Mỗi một đợt tuyên truyền các địa phương đều nhắc nhở và cảnh báo cho người dân nhưng có lẽ do cuộc sống khó khăn nên họ vẫn mải mê làm kinh tế mà quên mất sự nguy hiểm đang rình rập con trẻ mỗi ngày.

Ngoài ra, thiếu các sân chơi lành mạnh nên trẻ em thường tìm đến các ao hồ, sông suối và các bãi tắm tự phát để vui chơi. Trang bị kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước hiện nay được nhiều gia đình hướng đến cho các con, nhất là trong dịp nghỉ hè. Chị Nguyễn Thị Hoa Lư (Tổ dân phố số 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Tôi thấy hầu hết các vụ đuối nước đều do trẻ chưa được trang bị kỹ năng bơi lội cũng như xử lý các tình huống trong môi trường nước. Cứ vào dịp hè tôi thường cho các con tham gia các lớp bơi lội vừa nâng cao sức khỏe vừa trang bị cho các con những kiến thức cơ bản liên quan đến bơi lội”.

Trong thời gian qua, các sở, ban ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Từ đó để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa lũ. Cụ thể như: làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại hồ nước, ao, các công trình xây dựng có hố nước sâu, sông, suối, rãnh tiêu thoát nước, các khu vực nước sâu, nguy hiểm… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn trong phòng chống tai nạn đuối nước tại cơ sở, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay chưa có nguồn kinh phí để tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bơi, lặn; kiến thức, kỹ năng bơi an toàn và phòng tránh đuối nước ở trẻ em của cha mẹ và chính bản thân trẻ em chưa đầy đủ dẫn đến nhận thức còn hạn chế. Đặc biệt, 2 năm gần đây do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tụ tập đông người nên việc tổ chức các lớp bơi lội vào dịp hè của các tổ chức tư nhân cũng ít hơn. Ngoài ra, công tác quản lý về cơ sở vật chất, dạy và học bơi còn bất cập, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn giáo viên dạy bơi, chương trình, học liệu, an toàn kỹ thuật, an toàn trong việc dạy và học, thu phí, cấp chứng chỉ sau khi học; cơ chế phối hợp trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh loại hình này còn nhiều khó khăn và ít có khả năng xã hội hóa. Người dân vùng cao chưa nâng cao ý thức trong việc quản lý và giáo dục con em dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm vẫn còn diễn ra - chị Lê Thị Thanh Thủy cho biết thêm.

Tai nạn đuối nước luôn để lại nỗi đau cho gia đình và cộng đồng, đặc biệt vào dịp hè, thời tiết nắng nóng cùng thời điểm trẻ được nghỉ học. Do đó, việc nắm chắc những nguyên tắc cơ bản để phòng đuối nước ở trẻ là vô cùng quan trọng.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...