Thứ bảy, 05/10/2024, 10:50 [GMT+7]

Quản lý đất đai ở Tân Uyên - cần thêm nhiều giải pháp

Thứ hai, 28/02/2022 - 08:28'
Công tác quản lý đất đai ở bất cứ đâu, nơi nào cũng rất khó, nhất là các vùng đô thị, khu vực trung tâm. Ở huyện Tân Uyên cũng vậy, công tác này còn khó hơn bởi đây là huyện “sinh sau, đẻ muộn”, hồ sơ pháp lý về đất đai chưa thành hệ thống. Do đó, huyện cần nỗ lực nhiều hơn và cần thêm nhiều giải pháp quản lý đất đai.

Khó khăn do nhiều nguyên nhân

Câu chuyện về những ý kiến trái chiều liên quan đến việc sử dụng đất đai tại khu vực đang được huyện quy hoạch xây dựng bến xe khách đến nay vẫn còn chưa thống nhất dẫn đến tiến độ công trình chưa đạt được theo kế hoạch. Đây chính là hệ lụy của việc đo đạc hồ sơ địa chính chưa được thực hiện ngay từ những năm chưa chia tách tỉnh (2004) và chia tách huyện (2009). Dù cấp ủy, chính quyền huyện đã thảo luận, thống nhất, ra chủ trương, đề xuất với các cấp có thẩm quyền, xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để giải quyết mâu thuẫn của các hộ dân khu vực trên, song để giải quyết được triệt để những vướng mắc hiện có vẫn phải chờ thời gian.

Công trình Bến xe khách huyện Tân Uyên đang chậm tiến độ do một số công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Hay như sự việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân giáp ranh thuộc xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) và xã Mường Mít (huyện Than Uyên) vào tháng 1/2021 dẫn đến xô xát cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và lực lượng công an cũng đều có nguyên nhân từ việc sử dụng đất đai không đúng theo quy định pháp luật. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, chuyển từ đất rừng sang đất làm nương đã khiến cho các hộ dân lầm tưởng mình đang được sở hữu. Lý lẽ bà con đưa ra đã đưa chính quyền vào thế “phép vua thua lệ làng” nên tự do tranh chấp đất đai, dẫn đến những mâu thuẫn.

Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền cũng đang diễn ra tại xã Nậm Sỏ thời gian qua. Làm rõ hơn thực trạng này, anh Vi Phương Huy - Phó Phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) huyện cho biết, trong năm 2021, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra về tình hình sử dụng đất tại xã. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều hộ canh tác nương trên diện tích đất rừng nhưng không làm thủ tục chuyển đổi (nếu chuyển đổi các hộ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính). Nhiều ngôi nhà được xây nhưng không có giấy phép xây dựng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, năm 2001, thị trấn Tân Uyên đã có bản đồ địa chính nhưng đã cũ nên rất khó sử dụng. Còn đối với các xã, việc đo đạc, rải thửa chủ yếu được dựa trên bản đồ thủ công xác định thửa đất của các hộ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong khi đó, quá trình mua bán, chuyển nhượng hoặc cho, biếu, tặng, các chủ đất chỉ thỏa thuận miệng với nhau, không có chứng nhận của cơ quan Nhà nước. Chính vì thế, việc chỉnh lý hiện trạng đất trên giấy tờ, hồ sơ không thực hiện được.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số xã còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng sử dụng đất sai mục đích, không đúng theo quy hoạch; xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm diện tích đất đã thu hồi… Chính quyền một số xã chưa kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến đất đai.

Cần thêm nhiều giải pháp

Nhiệm vụ trước mắt và quan trọng của huyện trong công tác quản lý đất đai là thực hiện đo đạc thực địa để hoàn thiện bản đồ địa chính trên địa bàn thị trấn, tiếp đến là các xã Pắc Ta, Trung Đồng. Song song với đó, hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra đối với việc sử dụng đất của các xã, qua đó xác định các lỗi vi phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân chấp hành đúng quy định pháp luật về đất đai.

Cũng theo anh Vi Phương Huy, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. Kịp thời tổng hợp danh mục các dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh trong năm 2022. Phối hợp thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện đảm bảo tiến độ. Đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ trên địa bàn thị trấn huyện.

Huyện Tân Uyên cũng tăng cường thẩm định hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp GCN cho các hộ gia đình, cá nhân; kịp thời cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai theo quy định. Đây chính là mấu chốt và cũng là điều kiện để giảm bớt những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai ở cơ sở. Nhằm hạn chế việc lấn chiếm đất công, huyện cũng sẽ rà soát, thống kê diện tích các thửa đất dôi dư, có kích thước nhỏ hẹp, không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa. Từ đó, lên phương án đấu giá hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Hiện nay, trên địa bàn Tân Uyên có rất nhiều nhà đầu tư khảo sát và triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tích cực hướng dẫn khảo sát diện tích đất có khả năng thực hiện; hướng dẫn hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai theo quy định. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư các dự án về thủy điện, phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong cơ chế tích tụ đất đai cũng như các thủ tục về đầu tư. Thực hiện chuyển đổi mục đích rừng, tận thu gỗ rừng, trồng rừng thay thế…

Các cơ quan chuyên môn của huyện cũng sẽ quản lý đất đai chặt hơn nữa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thu hồi để ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. UBND các xã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...