

Bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) có gần 20 hộ gia đình còn duy trì nghề mây tre đan truyền thống. Công việc này vừa mang lại thu nhập cho bà con vùng nông thôn vừa là niềm vui lúc tuổi xế chiều cho người cao tuổi. Vì vậy, nhiều người khi bước vào tuổi từ 30-40 đã học đan lát để tạo kế sinh nhai sau này. Nhưng hiện nay vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất đặt ra cho bà con nhiều trăn trở. Bởi trước đây, mỗi khi vào rừng là dễ dàng tìm thấy những khóm mây già, khai thác một lần có thể làm cả tuần nhưng nay không còn sẵn mà ngày càng khan hiếm. Do đó, muốn đan lát, các hộ dân nơi đây phải mua ở chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu).
Trên gác bếp của gia đình bà Lò Thị Ón bản Phiêng Phát có hơn 20 mâm mây tre đủ các kích cỡ. Những mâm mây làm cầu kỳ, cẩn thận, đầu tư công sức được bà Ón bán với giá 1 triệu đồng/cái, giúp trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bà Ón tâm sự: Trước đây khi mây tre còn sẵn trong rừng, tôi đi lấy về đan lát. Nhưng nay khan hiếm mây, tôi phải đi xe khách lên chợ San Thàng mua. Sức khỏe yếu, mỗi lần đi chợ cũng rất bất tiện. Vừa rồi công việc bị đứt quãng do chợ phiên tạm dừng hoạt động. Hiện, tôi đã gần 60 tuổi, mọi chi phí hàng ngày trông vào thu nhập từ nghề đan lát. Nếu không có nguyên liệu làm rất khó khăn cho cuộc sống của tôi.
Nghề đan lát tạo việc làm cho người dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên).
Nhắc đến xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), người ta thường nghĩ đến nghề làm ghế mây truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Sản phẩm ghế mây của bà con nơi đây tạo được sự tin tưởng với khách hàng nhiều năm qua nhờ độ chắc, bền đẹp và nét văn hóa riêng biệt. Do đó, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, không bị tồn đọng. Đồng chí Chảo A Lai - Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu cho biết: Trước đây sản phẩm ghế mây trên địa bàn xã thường được các tiểu thương mua rồi vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Dịch Covid-19 xảy ra, mặt hàng này khó xuất khẩu nhưng vẫn tiêu thụ được trên địa bàn các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn.
Ghế mây bán ra thị trường có nhiều mẫu, giá. Trung bình từ 120-150 nghìn đồng/cái. Sản phẩm làm theo yêu cầu có giá từ 200-250 nghìn đồng/cái. Công việc này đã góp phần cải thiện mức sống của các hộ dân. Tuy nhiên do khai thác quá mức dẫn đến nguyên liệu bị cạn kiệt, nguy cơ nghề truyền thống mai một ngày càng cận kề. Muốn duy trì nghề, bà con phải mua mây từ người dân các xã Sơn Bình hoặc đến chợ phiên San Thàng. Do đó, các gia đình làm nghề đan ghế mây giảm dần, đây cũng là một phần khiến nhiều lao động rời bản vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm mới. Hiện, số hộ làm ghế mây còn tập trung ở bản Tà Chải với hơn 10 hộ. Trước thực trạng này, nhiều gia đình cũng bày tỏ mối lo ngại về sức sống của nghề truyền thống. Để có thể duy trì nghề làm ghế mây, xã Hồ Thầu cũng đã đề cập tới một số biện pháp như khuyến khích người dân trồng mây ở khu vực nương thảo quả. Nhưng khó ở chỗ, mây phải trồng trong thời gian từ 10-20 năm tuổi mới có thể khai thác; đồng thời mây giống không đủ để trồng, còn nhập giống mây từ miền xuôi lên sợ không phù hợp với khí hậu vùng cao, nên cũng khó thực hiện.
Lâu nay, cơ sở sản xuất các mặt hàng từ mây tre đan của gia đình chị Lò Thị Hản ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường) được nhiều người biết đến với các sản phẩm thủ công có mẫu mã phong phú, tinh xảo. Nhờ kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật hiện đại và truyền thống nên các sản phẩm mây tre đan của gia đình chị bán được số lượng lớn. Có ngày bán từ 20-30 cái, có ngày bán nhiều thì hơn 100 ghế. Các sản phẩm được vợ chồng chị làm như: ghế mây, mâm mây tre, bộ salon mây tre, giường mây có giá từ 5-10 triệu đồng trở lên. Hiện, công việc sản xuất của gia đình chị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chị Hản khẳng định, cuối năm không có sản phẩm tồn đọng. Các mặt hàng được tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Nội. Mấy năm gần đây, sức mua các mặt hàng thủ công tăng cao, gia đình chị thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Cơ sở sản xuất của gia đình chị tạo việc làm cho 12 lao động, chế độ tiền công căn cứ theo sản phẩm. Chị Hản chia sẻ: Với cường độ sản xuất số lượng lớn, mây tại địa phương không đủ đáp ứng, hầu hết nguyên liệu phải nhập từ các tỉnh khác với giá cao nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu trong tỉnh có cơ sở cung cấp nguyên liệu thì cũng đỡ chi phí vận chuyển.
Nguyện vọng của bà Ón, chị Hản hay những người dân xã Hồ Thầu cũng là trăn trở của nhiều người dân tâm huyết gắn bó với nghề thủ công truyền thống. Trước tình trạng thiếu nguyên liệu, bà con các xã mong được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ chính sách phát triển vùng nguyên liệu, từ đó tạo sinh kế cho đồng bào.
Tin đọc nhiều

Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn

Bản Lao Chải 1: Thu hút nhiều du khách

Độc đáo văn hoá người Hà Nhì đen ở Dào San

“Vườn cổ tích” giữa lòng thành phố trẻ

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm đóng gói sẵn

Tam Đường siết chặt vùng trồng hoa hồng

Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả


_1714034525176.jpg)



_1699111413486.jpg)


