Thứ sáu, 29/03/2024, 12:24 [GMT+7]
Bộ đội thời bình - những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận

Bài 4: Nào đâu phải “nghề lương cao”?

Thứ tư, 25/08/2021 - 09:33'
Lại thêm một sự nhào nặn trắng trợn nữa-ấy là việc các lực lượng thù địch tô vẽ nên cuộc sống “giàu sang, sung túc” của bộ đội. Họ kêu gọi “không nên đầu tư ngân sách cho hoạt động quốc phòng, an ninh” và “không nên xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

>> Bộ đội thời bình - những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận

>> Bài 2: Hậu phương vạn dặm khó khăn, cách trở (tiếp theo kỳ trước)

>> Bài 3: "Điều kỳ diệu chính là các anh rồi!"

Dường như họ đang cố tình tạo ra nhận thức mơ hồ cho một số người thiếu hiểu biết về chính trị và thúc đẩy nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ.

1. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát “Có một nghề” do Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) sáng tác nhanh chóng nhận được cảm tình, trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội, nhận hàng triệu lượt like và bình luận. Người dân cả nước bày tỏ sự đồng tình về những vất vả hy sinh của người lính Cụ Hồ được thể hiện qua nội dung bài hát và bày tỏ sự sẻ chia trước những khó khăn trong đời sống cũng như công tác của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã và đang đối diện.

Xướng lại những lời hát giàu cảm xúc ấy, Thượng úy Trương Tiến Đạt, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) cho rằng, bài hát đã phản ánh đúng tâm trạng, hoàn cảnh của nhiều cán bộ, sĩ quan trong thời bình. Công tác ở địa bàn có mức sống đắt đỏ, với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng và công việc của vợ là lao động thời vụ, thu nhập bấp bênh, không thể đủ để gia đình anh Đạt chi tiêu sinh hoạt thường ngày. Nào tiền điện nước, thuê nhà, việc hiếu hỷ, học phí của con cái... nên hoàn toàn không có tích lũy. Tài sản vợ chồng anh sắm được là hai chiếc xe máy để đi làm. Với mức thu nhập như thế nên chuyện mua đất, xây nhà đối với gia đình Thượng úy Trương Tiến Đạt luôn là mơ ước xa vời.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa Quán triệt nhiệm vụ trước khi hành quân lên biên giới tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Khánh Trình. 

Nhưng gia đình Thượng úy Trương Tiến Đạt còn may mắn hơn nhiều sĩ quan khác vì anh được công tác gần nhà nên có thể tranh thủ phụ giúp vợ con việc gia đình. Hơn nữa, ít nhiều vợ anh cũng có thu nhập nhất định. Còn với hoàn cảnh của Đại úy Sùng A Co, dân tộc Mông, Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 82 còn khó khăn hơn nhiều. Là cán bộ quân đội, theo nghiệp binh với gần 20 năm công tác, anh ở vào cảnh “một chốn đôi quê” (quê anh ở Thuận Châu, Sơn La, cách đơn vị đóng quân hơn 150km); có hai con nhỏ, vợ không có việc làm, hằng tháng, anh phải tằn tiện trong chi tiêu để gửi tiền về phụ giúp vợ nuôi con ăn học và lo cho bố mẹ già.

Đồng chí Trung tá Trần Thị Anh Thư, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 5, chia sẻ: “Với mức thu nhập của cán bộ, sĩ quan hiện nay, nếu gia đình không có nền tảng kinh tế từ trước thì quả là mọi chi tiêu, sinh hoạt đều phải tiết kiệm triệt để mới gọi là tạm ổn, không thì sẽ thiếu trước, hụt sau”. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, sĩ quan phần vì đặc thù công tác, phần do phải tiết kiệm nên chuyện đưa vợ con đi nhà hàng, đi du lịch quả là một giấc mơ xa xỉ.

Qua điều tra xã hội học đối với 350 sĩ quan quân đội mang quân hàm sơ cấp, trung cấp, đã lập gia đình riêng, đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và TP Việt Trì (Phú Thọ), đã cho thấy kết quả rất đáng suy nghĩ: Có gần 50 gia đình khó khăn về kinh tế do mức sống trên địa bàn quá cao; hơn 1/3 số gia đình có nhu cầu cấp thiết về nhà ở; nhiều gia đình không ít lần phải thuê, mướn nhà ở; một bộ phận được ở nhà công vụ, hay ở nhờ gia đình bố mẹ hai bên... nhưng khả năng tích lũy không có, hoặc quá ít, không bảo đảm sự vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nói về thực trạng này, các sĩ quan (được khảo sát) lý giải những khó khăn ấy có một phần nguyên nhân là do đặc thù hoạt động quân sự, thời gian làm việc của cán bộ, sĩ quan là 24/24 giờ trong ngày. Họ hoàn toàn không có thời gian làm thêm, phát triển kinh tế gia đình. Họ cũng không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương, trong khi mức lương thực chất không phải là cao nên khó đáp ứng, theo kịp mức sống xã hội hiện tại. So với sĩ quan quân đội nhiều nước trên thế giới thì lương của sĩ quan quân đội Việt Nam còn hết sức khiêm tốn, thậm chí thấp hơn rất nhiều.

2. Thế nhưng 100% sĩ quan được khảo sát nêu trên đều có chung một cách nghĩ, rằng dù khó khăn về kinh tế đến mấy cũng không sao nhãng nhiệm vụ, không bao giờ dao động về lý tưởng. Họ luôn kiên định con đường binh nghiệp đã lựa chọn. Những người trong cuộc thừa hiểu “nghề bộ đội” là nghề cống hiến và chấp nhận hy sinh ngay từ lúc lựa chọn nên chủ động đón nhận những khó khăn, vất vả bằng sự điềm tĩnh, thậm chí lạc quan theo cách của riêng mình.

Cuộc sống khó khăn, nhưng lòng tự trọng của người lính Cụ Hồ rất đáng ghi nhận. Họ thật tâm chia sẻ, rằng trong xã hội hiện tại, chất lượng cuộc sống của một bộ phận quần chúng nhân dân vẫn còn khó khăn hơn, nên gia đình quân nhân có mức thu nhập ổn định từ đồng lương, tiết kiệm đủ sống và chi tiêu, chăm lo cho con cái học hành tiến bộ thì đó đã là niềm vui. Thậm chí, rất nhiều đồng chí sĩ quan bày tỏ sự ái ngại khi đặt vấn đề về chất lượng cuộc sống hiện tại. Họ không giấu nghèo, nhưng không muốn xã hội biết thêm về những khó khăn của người lính, và họ vốn đã quen với những điều đó. Có đồng chí sĩ quan gương mặt trẻ măng, tuy gia cảnh khó khăn nhưng suy nghĩ lại rất chín chắn: “Mong các anh phản ánh thật khéo, vì rất có thể có người sẽ nghĩ bộ đội đang so bì với nghề nọ nghề kia, đang so đo tính toán về mức sống và thu nhập”.

Chúng tôi cho rằng lời tâm sự ấy cũng là suy nghĩ chung của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Rất đông trong hàng ngũ sĩ quan quân đội, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng... vốn là những người được học tập bài bản, có trình độ năng lực và khả năng làm kinh tế rất tốt, nhưng nhiều người trong số họ đã tự nguyện từ bỏ những cơ hội kiếm tiền từ kinh doanh, làm kinh tế mà quyết tâm đi theo con đường binh nghiệp, đúng như cách nói của Trung tá Phạm Lê An, công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2): “Cuộc sống bây giờ, cái gì cũng cần tiền, nhưng tiền chỉ là điều kiện cần, là phương tiện, chứ sống mà thiếu lý tưởng thì thật vô nghĩa. Chúng tôi làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới này chỉ luôn quan tâm là mình và đơn vị mình đã làm được gì cho bà con các dân tộc nơi đây để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Lý giải có vẻ “lý thuyết” vậy nhưng đó lại là sự thật, là điều đã và đang diễn ra với hàng vạn cán bộ, sĩ quan quân đội trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cách đây mấy chục năm, Phạm Lê An, quê ở xã Minh Tân (Vụ Bản, Nam Định) quyết định nộp hồ sơ và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Pháo binh. Bấy giờ, người thân trong gia đình và bạn bè phản đối ra mặt, vì với lực học xuất sắc, An có thể thi đỗ nhiều trường đại học khác, nhưng anh vẫn quyết tâm chọn cho mình con đường binh nghiệp và khăng khăng: “Khi ra trường sẽ xung phong lên biên giới”.

Nói là làm, suốt mấy chục năm qua, anh gắn bó với nhiều vùng quê biên giới của Bát Xát (Lào Cai), in dấu chân khắp chốn rừng thiêng nước độc: Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Y Tý, Ngải Thầu... hòa mình vào nhịp sống và trở thành con nuôi của nhiều bà con các bản đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... Đó chính là cách anh chọn sống và thực hiện lý tưởng của mình.

Giờ đây, gắn bó với biên cương suốt nhiều năm, với mức thu nhập từ đồng lương ít ỏi nên mức sống của gia đình anh vẫn chưa gọi là khá. Thế nhưng ở chính quê hương thứ hai ấy, Phạm Lê An có một sự "bội thu", đó là niềm tin yêu, biết ơn của đồng bào các dân tộc nơi anh đã qua dành cho Bộ đội Cụ Hồ và người đảng viên một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Đúng như cách nói của đồng chí Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung (Bát Xát) thì bộ đội An chẳng biết nghĩ cho mình, ít làm cái gì cho riêng mình... mà chỉ chăm chăm giúp đỡ đồng bào. Bởi thế mà bà con nơi đây ai cũng yêu mến, biết ơn bộ đội An!

3. Với cách lựa chọn theo lý tưởng ấy, có hàng nghìn cán bộ, sĩ quan gặp phải cảnh một chốn ba, bốn quê. Sống, công tác ở vùng sâu, vùng xa, nhiều quân nhân phải xuôi ngược những chuyến đi dài mỗi khi về thăm quê hương, gia đình. Cũng bởi thế mà tiền "rải" đường đã khiến đồng lương hao hụt, gần như không còn để tích lũy. Thế nhưng cán bộ, sĩ quan không hề kêu ca, than vãn về điều kiện hoàn cảnh gia đình. Thậm chí, trong khốn khó, người lính Cụ Hồ vẫn sẵn sàng chia sẻ, giúp những người dân còn khó khăn hơn mình. Họ sống tằn tiện để góp tiền lập quỹ hỗ trợ các em học sinh vùng cao có điều kiện đến trường, đồng thời “thắt lưng buộc bụng” gửi về phụ giúp cho hậu phương... Có lẽ bởi thế mà trong ánh nhìn của nhân dân và cả những người thân trong gia đình, ai cũng nhận thấy ở các quân nhân sự chững chạc, đức tính vượt khó...

Lý tưởng ư? Có thật sự là vẫn tồn tại lý tưởng về sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc, đồng bào trong một điều kiện xã hội đang ngổn ngang sự thực dụng? Hiện nay có vẻ ngày càng nhiều người đặt câu hỏi này. Xin trả lời ngay: Còn chứ và đây mà minh chứng. Ấy là câu chuyện của đồng chí Lê Quang Hiếu, sinh năm 1989, Phó giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu (TCT VTNet), Tổng công ty Mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.

Lê Quang Hiếu là cán bộ tài năng, công tác trong quân đội với một mức lương bình thường và một lý tưởng cống hiến đặc biệt. Đã có biết bao công ty, doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước lôi kéo, “rỉ tai” về những khoản đãi ngộ hậu hĩnh, gấp nhiều lần mức thu nhập hiện tại. Thế nhưng Hiếu luôn an nhiên trước sự mời gọi ấy, chỉ chú tâm vào công việc chứ không so đo thiệt hơn, hay chí ít là sự dao động theo kiểu chuyện “chân trong, chân ngoài”. Hiếu nói như tự nhủ: “Tôi hạnh phúc khi được cống hiến và phục vụ trong quân đội, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi hiểu, những đóng góp của cá nhân, xét ở một góc độ nhất định có thể được trả ít hơn về giá trị vật chất, nhưng điều đó không quan trọng bằng ý nghĩa của công việc mà mình đang thực hiện”.

Tương tự, còn rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực quân sự, cán bộ, sĩ quan quân đội có trình độ vượt trội đang công tác, làm việc ở các tập đoàn, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường quân đội và các lĩnh vực quân sự đặc thù, cũng đã làm được việc như Lê Quang Hiếu đã làm. Vậy nên, đừng đơm đặt về mức thu nhập đối với sĩ quan quân đội-người lính Cụ Hồ-mà cần nhìn nhận về họ với sự trân trọng đúng nghĩa; đồng thời mạnh mẽ đấu tranh, bóc trần sự thật về những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đang cố tình dựng chuyện.

“Biết bao chiến công, dù lớn hay nhỏ, những hy sinh được biết đến và những hy sinh thầm lặng, chưa được biết đến của người chiến sĩ quân đội, đều bắt nguồn từ khát vọng bỏng cháy “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh" - GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. 

Để thiết thực giúp đỡ các gia đình quân nhân khắc phục khó khăn trong cuộc sống, Ban Thanh niên Quân đội phát động triển khai, nhân rộng mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” trong tuổi trẻ toàn quân, thông qua việc cán bộ, đoàn viên, thanh niên mỗi ngày tiết kiệm 100 đồng. Số tiền tiết kiệm được lập thành quỹ, sau đó khảo sát, lựa chọn những cán bộ, đoàn viên, thanh niên có khó khăn về nhà ở để hỗ trợ xây nhà. Tính từ tháng 2-2012 đến hết tháng 6-2021, tuổi trẻ toàn quân đã hỗ trợ xây tặng 785 “Ngôi nhà 100 đồng” (trị giá từ 50 đến 80 triệu đồng/nhà) cùng hàng trăm nghìn lượt ngày công xây dựng.

(còn nữa)

Cập nhật 19/08/2021 05:00/TRẦN TUẤN - TẤN TUÂN - HOÀNG TIẾN - HỒNG SÁNG/qdnd.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...