Thứ năm, 28/03/2024, 23:17 [GMT+7]

Chống “virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm”​

Chủ nhật, 09/08/2020 - 11:14'
Chỉ rõ thực tế còn tồn tại rào cản về cơ chế, cách thức điều hành gây khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm như một số đại biểu phản ánh…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).


Chiều 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.


Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề như về giáo dục, đào tạo và dạy nghề, về lĩnh vực văn hóa, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp…


Chống "virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm”


Đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo. Cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước và nhiều địa phương.


Theo đại biểu, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị được gọi là hội nghị Diên Hồng để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Gần đây nhất, hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp được tổ chức với quy mô khoảng 6.000 đại biểu ở các điểm cầu để tìm giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ cho doanh nghiệp hậu COVID -19, trong đó có hỗ trợ gói tín dụng và tài khóa với quy mô chưa từng có trong bối cảnh tài chính quốc gia còn nhiều hạn hẹp. Mới nhất, báo cáo VCCI cho thấy có 55% doanh nghiệp tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III và 22% có ý định mở rộng sản xuất.


Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ, thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. "Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona”, đại biểu nêu rõ.


 Với tinh thần chống dịch COVID-19 như vừa qua, đại biểu mong Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường đối thoại, lắng nghe, đồng hành để tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp.


Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, những gì làm được thời gian qua chính là đã biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng. Uy tín, thương hiệu của Việt Nam đã chinh phục được cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài.


Để biến những cơ hội trên thành hiện thực, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: phải có các giải pháp đặc biệt nhằm biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước. Thủ tướng đã có tổ công tác nhằm chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư là mục tiêu thu hút để nắm bắt yêu cầu, đánh giá các điều kiện đáp ứng. Chính phủ cần lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.


Đại biểu lấy ví dụ: "Nếu chúng ta có cơ chế phù hợp để giành toàn bộ thị phần ngành công nghiệp đường sắt và những chính sách phù hợp, chúng ta có thể thu hút các tập đoàn nước ngoài và bắt tay các doanh nghiệp trong nước hình thành nền công nghiệp đường sắt trong nước”.


Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo…


Cho ý kiến về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ tư vấn văn hóa giáo dục. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là mong muốn xuất phát từ vai trò của văn hóa, giáo dục và công nghệ, trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, nền tảng tư tưởng của xã hội và giáo dục, khoa học - công nghệ là quyết sách hàng đầu.


Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổ tư vấn văn hóa giáo dục sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ trong trung hạn, dài hạn và phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Như Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã tư vấn với Thủ tướng nhiều giải pháp, nhiều biện pháp ứng phó kịp thời trước những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.


Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách


Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) bảy tỏ đồng tình với các nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các lĩnh vực, phục vụ phát triển đất nước; đồng thời, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp chủ trương, đường lối, bám sát thực tiễn và có tính khả thi. Tuy nhiên, việc thi hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực còn nhiều yếu kém, vi phạm, gây thất thoát, lãng phí còn lớn, nhất là trong quản lý công trình, dự án đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách, tài nguyên, tài sản công. Qua thực tế nhiều năm cho thấy, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, là nguyên nhân chủ quan của hầu hết các hạn chế, yếu kém nêu trên.


Đại biểu đề nghị cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách, như giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trấn áp các băng nhóm tội phạm; xử lý các vấn đề bức xúc kéo dài, cản trở sự phát triển đất nước, tinh thần đổi mới, sáng tạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.


"Việc triển khai tổ chức thực hiện phải sát tình hình thực tế, có kế hoạch, đề án bài bản, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Duy trì giao ban đánh giá, rút kinh nghiệm, công khai, minh bạch thông tin. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; khắc phục tình trạng "cha chung không ai khóc”, "trên nóng dưới lạnh”, thành tích, điển hình không được biểu dương khen thưởng và nhân rộng, còn vi phạm lại chậm được phát hiện và xử lý”, đại biểu nêu rõ.

Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2020 | 9:30:31 AM/Theo dangcongsan.vn/baoyenbai.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...