Thứ hai, 02/12/2024, 02:54 [GMT+7]

Tổng Bí thư Tô Lâm: Không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển

Thứ sáu, 01/11/2024 - 12:16'
Thảo luận ở tổ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển.

Thông cáo báo chí số 9 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hưng Yên) phát biểu thảo luận sáng 31-10. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã có sự chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải căn cứ vào tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, đủ tiêu chí thì mới xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư cho rằng, cần bảo đảm các tiêu chí và yêu cầu về dân số, quy mô phát triển, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... để thành phố Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương; các tiêu chí này không chỉ dựa trên cảm tính mà phải căn cứ vào các quy định, tiêu chuẩn cụ thể.

Đối với mối quan hệ giữa thành phố và vùng nông thôn sau khi trực thuộc Trung ương, đồng chí Tô Lâm cho rằng, cần có sự hài hòa, không để xảy ra tình trạng người dân nông thôn cảm thấy bị thiệt thòi so với người dân thành phố. Đồng thời, việc phát triển thành phố không được làm ảnh hưởng đến nhu cầu và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Đồng chí Tô Lâm cũng nhấn mạnh yêu cầu các thành phố trọng điểm, “đầu tàu” cần được hưởng các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để bảo đảm vai trò dẫn dắt, đi đầu trong quá trình đổi mới và phát triển. Các chính sách này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính thực tiễn cao để phát huy tối đa tiềm năng của các thành phố.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhìn nhận, việc thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, đòi hỏi cần có giai đoạn chuyển tiếp, hội nhập để giải quyết những vấn đề phát sinh.

 

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đặc biệt là ở Hải Phòng và một số thành phố khác. Do đó, cần rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trung ương đánh giá, bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, nên cần phải sắp xếp, tinh gọn.

“Phải rất thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận, nếu chúng ta không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”, Tổng Bí thư nói và cho biết, chúng ta đang chi gần 70% ngân sách để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho các hoạt động.

Việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính là cần thiết, nhưng phải bảo đảm chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, không chồng chéo. Cần có sự phân cấp, phân quyền hợp lý cho chính quyền địa phương, tránh tình trạng địa phương phải xin ý kiến quá nhiều cấp trên. Tổng Bí thư dẫn chứng vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản (cát, sỏi, đá) là một ví dụ điển hình về sự chồng chéo, thiếu trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Cho biết, dù kinh tế đang phát triển nhưng năng suất lao động của Việt Nam đang có xu hướng giảm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn 2021-2025 là 6,5% rất khó đạt được vì hiện chưa đạt được 5%, đồng chí Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kỹ năng lao động, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, quản lý chưa hiệu quả…

“Muốn tăng năng suất lao động, phải có tay nghề lao động, có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. Vì vậy, phải khuyến khích làm sao để có năng suất lao động cao so với các nước xung quanh”, Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu muốn phát triển bền vững thì phải tự lực, tự chủ, tự cường, phải tăng năng suất lao động, huy động được mọi người tham gia vào sản xuất, kinh doanh, người làm nhiều hơn người hưởng thụ”.

Theo Tổng Bí thư, nếu tăng năng suất lao động sẽ khuyến khích giảm giờ làm. Trước đây làm 48 tiếng/tuần, 6 ngày/tuần, giảm xuống 5 ngày/tuần, cần đặt mục tiêu 35 tiếng/tuần, làm 4,5 ngày/tuần; nếu làm được như vậy thì nhân dân sẽ rất phấn khởi, được thụ hưởng, hạnh phúc.

Theo Hà Nội mới

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...