Thứ tư, 08/05/2024, 11:06 [GMT+7]

Bảo vệ đường biên, cột mốc

Thứ hai, 06/10/2014 - 10:50'
(BLC) - Xã Dào San (huyện Phong Thổ) có đường biên giới dài 7,5km tiếp giáp với xã Ma Ngan Ty (huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Đời sống Nhân dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, tình trạng thăm thân của người dân 2 nước diễn ra thường xuyên nên vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, đường biên, cột mốc được lực lượng dân quân xã Dào San xác định là nhiệm vụ hàng đầu.

Để làm tốt việc bảo vệ đường biên, cột mốc, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Dào San thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo vệ đường biên mốc giới. Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng dân quân. Thực hiện tốt quy chế, nhiệm vụ, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp với các cán bộ đồn biên phòng, Công an huyện đóng chân trên địa bàn nắm chắc tình hình địa phương, tuần tra dọc biên giới và các vị trí cột mốc chính 83, mốc phụ 831.

Lực lượng dân quân xã Dào San tuần tra biên giới.

Hiện, lực lượng dân quân cơ động xã có 22 đồng chí. Ngoài ra tại 15 bản, Ban CHQS xã thành lập 15 tổ dân quân bản để cùng phối hợp thực hiện tuần tra biên giới, cột mốc. Với phương châm “mỗi người dân ở vùng biên là một cột mốc chủ quyền”, “tư tưởng của bà con có vững thì biên giới lòng dân mới vững” nên những năm qua, Ban CHQS xã Dào San tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu Luật Biên giới quốc gia, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, mốc giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nhằm giáo dục thế hệ trẻ phát huy tinh thần yêu nước, bảo vệ từng tấc đất biên cương. Trong những đợt tuần tra, nắm bắt tình hình biên giới, lực lượng dân quân xã còn đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, vận động Nhân dân tham gia phong trào tự quản đường biên mốc giới, tập trung vào 2 khu vực trọng điểm, gần đường biên (bản Ma Cam và San Cha). Đồng thời, nhắc nhở các gia đình nêu cao trách nhiệm trong việc trông coi cột mốc, không được buộc gia súc vào cột mốc, vượt biên trái phép hay có những hành vi trái pháp luật. Nhờ đó đã bồi dưỡng vun đắp lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới. Đến nay, nhiều người dân đã thực hiện việc báo cáo khi sang thăm thân bên Trung Quốc; nghiêm túc chấp hành quy định trao đổi hàng hóa tại chợ trung tâm xã, không buôn bán tại bìa rừng gây mất trật tự an ninh khu vực.

Ông Tẩn Chỉnh Sơn (bản Ma Cam) chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, tôi chưa hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của đường biên giới nên không quan tâm các vấn đề liên quan đến cột mốc. Nhờ bộ đội, công an và dân quân địa phương tuyên truyền, phân tích, tôi hiểu rằng cột mốc còn thì nhà còn. Bảo vệ đường biên mốc giới như bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản của mình vậy. Mỗi khi làm nương đi qua cột mốc, tôi đều dừng lại nhặt cỏ xung quanh cột mốc, quan sát đường biên giới xem có dấu hiệu bất thường không để kịp thời báo các lực lượng chức năng”.

Mặc dù việc tuần tra biên giới gặp nhiều gian nan, vất vả do các cột mốc có vị trí hiểm trở, trong rừng sâu, nhưng lực lượng dân quân xã Dào San đã vượt qua thử thách để thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, nhận được nhiều nguồn tin có giá trị do Nhân dân cung cấp. Đồng chí Chang A Khi – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Dào San cho biết: “Thời gian tới, Ban CHQS xã sẽ tích cực đổi mới nội dung tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ, thông báo tình hình kịp thời với Đồn Biên phòng Dào San và lực lượng công an đóng trên địa bàn. Tiếp tục vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, nâng cao hiệu quả chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới”.

 

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...