Thứ năm, 09/05/2024, 07:19 [GMT+7]

Biên giới vững vàng từ lòng dân

Thứ sáu, 25/04/2014 - 15:14'
(BLC) - Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng đóng trên địa bàn xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13km đường biên giới với 3 mốc (65, 66, 67) và một cửa khẩu. Những “cột mốc sống” - những người dân sống, lao động sản xuất ở khu vực giáp biên là lực lượng rất quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới.

Theo như lời của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Ma Lù Thàng, tuy quản lý tuyến biên giới không dài nhưng đoạn này là đường biên giới tụ thuỷ, dễ qua lại, cư dân hai bên chỉ cần lội qua suối là có thể sang được đất của nhau. Chính vì vậy, dù rất thuận lợi về đường tuần tra song để giữ vững được biên cương lại là điều rất khó khăn.

Năm 2005 trở về trước, khi dọc tuyến biên giới từ cửa khẩu Ma Lù Thàng đến đất của xã Mù Sang chưa có một hộ dân nào sinh sống. Khi đó vấn đề xâm phạm chủ quyền biên giới của người dân nước bạn diễn ra thường xuyên. Chủ yếu là sang săn bắn, quá canh, khai thác lâm thổ sản…

Cán bộ Đồn Biên phòng cùng phát triển chăn nuôi với bà con tại Hợp tác xã Đoàn Kết, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho.

Cùng với đó là hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới, từ trộm cắp, buôn người đến vượt biên trái phép… Mặc dù lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát, song do lúc đó đường tuần tra còn quá khó, đa phần đi bộ, lực lượng tuần tra lại mỏng nên an ninh biên giới khu vực này phức tạp.

Từ năm 2005 theo chủ trương giãn dân ra biên giới, 49 hộ dân trong xã đã đi chuyển ra giáp biên giới thành lập bản Hùng Pèng. Có bản, có dân, biên giới sẽ có thêm người bảo vệ. Tuy nhiên, để người dân gắn bó và tự nguyện bảo vệ đường biên cột mốc thì phải làm cho người dân thấy được lợi ích gắn với việc bảo vệ đường biên mốc giới. Bộ đội biên phòng bắt tay xây dựng biên giới lòng dân.

Ban đầu cán bộ Đồn giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Khi cuộc sống ổn định, người dân yên tâm bám trụ với biên cương. CBCS Đồn đã thay phiên xuống giúp bà con dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, cầm tay chỉ việc trong lao động sản xuất. Đồng thời kêu gọi vốn thành lập Hợp tác xã Đoàn Kết phát triển chăn nuôi trồng trọt mà chủ yếu là nuôi bò, tạo điều kiện để người dân tham gia và chia lợi nhuận.

Cùng với đó, CBCS của Đồn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con trong hợp tác xã hướng dẫn bà con tập trung phát triển cây ngô, cây chuối. Có bộ đội biên phòng giúp đỡ, bà con yên tâm sản xuất. Nhờ vậy, từ chỗ hầu hết các hộ trong bản đều nghèo, đến nay Hùng Pèng đã có gần 70% số hộ thoát nghèo, trong đó một số hộ mua được ôtô.

Cuộc sống ở bản mới nơi biên giới ổn định, kinh tế bền vững hơn nơi ở cũ đã giúp bà con hiểu, gắn bó và bảo vệ đường biên mốc giới. Khu vực biên giới do Đồn quản lý nay không còn nóng và phức tạp như trước, cán bộ biên phòng cũng nhờ đó hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ biên cương.

Nói về vấn đề này, ông Lý Pao Sài – Trưởng bản Hùng Pèng khẳng định: “Bảo vệ biên giới là trách nhiệm của người dân Hùng Pèng. Dù cán bộ Biên phòng không vận động thì bà con vẫn bảo vệ, đơn giản là bởi cây chuối, cây ngô, miếng cơm của chúng tôi gắn liền với khu vực biên giới này”.

Để củng cố sự vững vàng của biên giới trong lòng Nhân dân, ngoài giúp bà con ổn định đời sống, Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng còn xây dựng các tổ tự quản đường biên mốc giới ở các bản: Pa Nậm Cúm, Hùng Pèng, Ma Ly Pho. Nhờ có những tổ tự quản nên việc quản lý bảo vệ đường biên cột mốc vững chắc hơn. Tình trạng vượt biên trái phép, xâm phạm chủ quyền quốc gia, buôn bán người qua biên giới… những năm qua giảm nhiều.

Theo đánh giá của lãnh đạo Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng, khoảng 40% nguồn tin từ các tổ tự quản và người dân cung cấp là đúng và có giá trị giúp Đồn xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn lãnh thổ biên giới quốc gia.

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...