Thứ sáu, 26/04/2024, 22:52 [GMT+7]

Có bộ đội biên phòng dân ấm no hơn

Thứ hai, 22/06/2020 - 11:32'
Hôm nay, đi dọc tuyến biên giới của tỉnh, chắc chắn ai cũng sẽ có chung một trải nghiệm về một dải biên cương đang vươn lên mạnh, giàu. Ngôi nhà mới, bữa cơm no, tấm áo đẹp từng là niềm mơ ước của bà con, dân bản nay đã thành hiện thực. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bà con còn có những đóng góp không nhỏ của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ (CBCS) bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh. Bà con bảo: có BĐBP dân bản ấm no hơn.

Những kỹ sư quân hàm xanh
Pa Ủ (huyện Mường Tè) là xã biên giới xa xôi, nghèo khó nhất của tỉnh. 12 năm trước, hai bản Hà Xi, Hà Nê bỗng nổi tiếng trên báo chí cả nước vì xuất hiện liên tục trong chương trình “50 ngày đêm hành quân về biên giới” khi CBCS BĐBP tỉnh đã cùng nhau san đất, dựng nhà, lập bản, đưa bà con từ cuộc sống du canh, du cư, ăn núi ngủ rừng về sống định cư. Ngày ấy, bà con sống trong những túp lều tạm bợ, lụp xụp bìa rừng, trống huơ trống hoác, “gia sản” lớn nhất là cái đói, cái nghèo, lạc hậu, cuộc sống luôn bị đe dọa bởi bệnh tật, đói khát, thiếu thốn đủ bề, tụt hậu quá xa so với xã hội. Hôm nay, trở lại Pa Ủ, tuy Hà Xi, Hà Nê chưa hẳn đã là lột xác, trong huyết quản của đồng bào La Hủ ở đây vẫn còn phảng phất “cái nỗi nhớ rừng” nhưng bà con đã “quen” với cuộc sống ổn cư. Để có được điều bình dị ấy, các CBCS của Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, tâm huyết để bà con không chỉ có nhà để ở mà còn có cơm để ăn, thay cho những nồi củ mài, củ sắn, rau rừng của cái ngày còn lang thang nơi thung sâu, đồi tối. Năm 2018, CBCS ở đây quyết tâm làm một “cuộc cách mạng”, thay đổi phương thức chọc lỗ tra hạt, lệ thuộc tự nhiên của bà con nơi đây bằng mô hình lúa nước hai vụ.
Thiếu tá Trần Hà Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ nhớ lại: “Muốn bà con ổn cư được thì cái bụng của đồng bào phải no, bởi vậy Ban Chỉ huy Đồn quyết tâm xây dựng và thực hiện thành công mô hình lúa nước hai vụ để bà con nhìn vào đó làm theo”. Quyết tâm đầy nhân văn ấy trở thành mệnh lệnh từ trái tim, thúc giục các CBCS nơi đây tìm đủ mọi cách để đưa cây lúa nước bám rễ vào đất này. Họ đã không tiếc công, tiếc sức, không quản ngại khó khăn xây dựng một đường ống dẫn nước kiên cố dài gần nửa cây số, đưa nước về để khai hoang ruộng. Rồi lựa chọn 2 hộ dân trong bản, đưa vào thực hiện mô hình, trồng 7.500m2 lúa thơm. “Lúc đầu hai hộ Vàng Phì Chờ và Vàng Vừ Xa cũng còn e dè lắm vì chẳng biết làm thế nào và hiệu quả ra sao. Anh em chúng tôi đã phải vận động, thuyết phục nhiều lần để hai gia đình tham gia mô hình. Thực ra sự tham gia của bà con cũng không được nhiều bởi từ làm ruộng, dẫn nước, gieo mạ, bón phân… hầu hết đều do các “kỹ sư quân hàm xanh” thực hiện, bà con vừa tham gia, vừa quan sát, học tập thôi” - thiếu tá Trần Hà Nam nhớ lại. Đến ngày thu hoạch, cán bộ của Đồn đã mời cả bản ra vừa giúp nhau gặt hái vừa chứng kiến thành quả. Hơn 30 bao thóc nặng trịch như đã làm sáng lên những ánh mắt trầm trồ của bà con. Ngày hôm ấy, anh Vàng Phì Chờ cười như không thể tắt mà rằng: Chưa bao giờ tôi có số thóc nhiều thế này. Chỗ này không chỉ đủ ăn mà còn có để chia cho anh em họ hàng! Nhờ các anh BĐBP chúng tôi đã có cơm no.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải chăn nuôi đàn dê ở bản Tô Y Phìn (Mồ Sì San, Phong Thổ).

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải chăn nuôi đàn dê ở bản Tô Y Phìn (Mồ Sì San, Phong Thổ).

Trên mặt trận chống đói nghèo
Thật là thiếu sót nếu suốt dọc tuyến biên giới dài hơn 265km mà chỉ kể ra đây riêng Đồn Biên phòng Pa Ủ (huyện Mường Tè) bởi giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BĐBP tỉnh. Dọc tuyến biên giới, đến đâu ta cũng thấy những “kỹ sư quân hàm xanh” cặm cụi bên các con giống, cây trồng, trong các mô hình giúp dân. Mô hình trồng chuối thương phẩm, mô hình nuôi dê sinh sản (Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải), mô hình trồng địa lan (Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ), mô hình nuôi lợn sinh sản (Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ), mô hình trồng dược liệu (Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè)… thậm chí một đồn có nhiều mô hình và một địa bàn cũng được áp dụng nhiều mô hình kinh tế. Và còn rất nhiều mô hình khác không chỉ áp dụng trong cộng đồng mà ngay trong đồn cũng rất có ý nghĩa trong việc đem đến những cách làm mới, hay để Nhân dân noi theo, làm theo mà thay đổi cuộc đời.
Những người lính quân hàm xanh còn giúp bà con gia tăng giá trị đối với những cây con truyền thống. Cách phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh chuồng trại, cách vận chuyển, bảo quản nông sản sao cho giảm thiểu thất thoát, hay thậm chí cả cách ngã giá, bán, mua nông sản, bà con dân bản cũng học được từ các anh bộ đội rất nhiều. Trong 5 năm trở lại đây, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 23 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông, khuyến lâm cho hàng ngàn lượt người dân, từ đó tạo ra “chiếc cần câu” để bà con vươn lên thoát nghèo.
Vừa là “kỹ sư”, “thầy giáo”, các chiến sỹ biên phòng còn là những công nhân cần mẫn, chăm chỉ và tận tâm. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị đã huy động CBCS trực tiếp tu sửa, làm mới gần 200km đường giao thông nông thôn, hơn 50km kênh mương thủy lợi, làm được 45 nhà cho hộ nghèo và xây dựng mới 27 phòng học cho các cháu học sinh và rất nhiều công trình khác nữa. Theo thống kê, đã có gần 1.800 ngày công CBCS BĐBP dầm mưa, dãi nắng giúp bà con nơi biên cương xây dựng kết cấu hạ tầng, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế.
Đại tá Phan Hồng Minh - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận định: Mô hình giúp dân phát triển kinh tế đã làm chuyển biến nhận thức Nhân dân nâng cao tính tự giác, tự chủ trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống. Tăng thêm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và BĐBP, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo...
Được biết, thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, phân công đảng viên ở đồn biên phòng tham gia phụ trách các hộ gia đình; tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục sắp xếp di dân ra biên giới, bố trí dân ở nơi thiếu đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt đến nơi có điều kiện thuận lợi; thành lập các đội chuyên trách là CBCS BĐBP tỉnh giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ biên giới. Bà con có cuộc sống ấm no thì biên cương sẽ được giữ vững, thắng trên mặt trận chống đói nghèo thì mặt trận an ninh biên giới sẽ thu được thành quả cao.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...