Thứ sáu, 17/05/2024, 01:47 [GMT+7]

Góp phần bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ

Thứ tư, 07/09/2016 - 14:24'
(BLC) - Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới (ANBG), những năm qua, bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực trong đảm bảo an sinh xã hội khu vực biên giới. Trong đó, nổi bật là việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”.

Cán bộ quân y BĐBP tỉnh khám và cấp thuốc miễn phí cho người La Hủ xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, là một trong 20 tộc người sinh sống tại Lai Châu, tộc người La Hủ có tên là Khù Sung, được biết đến là “Dân tộc lá vàng”, sống du canh, du cư, tạm bợ ở các lều, lán, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có hoạt động giao lưu hàng hóa với bên ngoài...Đến khi màu lá trên lều, lán chuyển sang màu vàng, họ lại du cư đến vùng đất khác để sinh sống.

Trước đây, trong một thời gian khá dài, một bộ phận lớn người La Hủ sống gần như biệt lập trên các mỏm núi cao; tỷ lệ nghèo đói 100%; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ trên 80%... Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, nạn hôn nhân cận huyết; tệ nạn nghiện hút, uống rượu; sự suy giảm dân số và chất lượng dân số, sự tự ti dân tộc...đã đẩy tộc người này đứng trước nguy cơ đồng hóa, mai một. Đồng thời là khó khăn, thách thức trong việc hoạch định những chính sách phát triển cho dân tộc này cũng như là rào cản cho sự hoà nhập, phát triển của người dân.

Trước thực trạng này, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu xác định, việc “Bảo tồn và Phát triển bền vững dân tộc La Hủ” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Do vậy đã tham mưu, triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và Phát triển bền vững dân tộc La Hủ”, trực tiếp tham gia giúp dân tộc La Hủ định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Theo đại tá Phan Hồng Minh – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thì, để Đề án đảm bảo được tính thiết thực và hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP chú trọng khâu khảo sát thực tế, tổng hợp chính xác các số liệu, dữ liệu, làm cơ sở để phân tích, đánh giá thực trạng khách quan, sát đúng làm căn cứ quy hoạch và đề ra các giải pháp tổng thể khoa học, phù hợp với thực tiễn và mang tính khả thi cao. Huy động tốt và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực; phát huy tối đa khả năng của CBCS, năng lực nội tại của lực lượng Biên phòng, tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung, mục tiêu, yêu cầu của Đề án với chất lượng cao…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hơn 6 năm triển khai thực hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ xây dựng được 130 nhà Đại đoàn kết, 48 công trình dân sinh, 22 phòng họp; cơ bản xóa được nhà tạm, nhà tranh tre, nứa lá. Thành lập mới 3 bản: Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Ka Lăng) và Là Si, (xã Thu Lũm); quy hoạch sắp xếp 2 bản: Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ) với tổng số 130 căn nhà. Di chuyển 35 hộ bản Phí Chi A (xã Pa Vệ Sử) ra khỏi vùng sạt lở; mở mới 5 tuyến đường giao thông nông thôn đến các bản thuộc các xã: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ; xây dựng 3 công trình thủy lợi, 9 công trình cấp nước sinh hoạt; vận động nhân dân khai hoang 7ha ruộng, trồng mới 15,2ha cây thảo quả...Cán bộ, chiến sỹ BĐBP đã trực tiếp tham gia thực hiện Đề án với trên 30 nghìn ngày công; đóng góp tiền, vật chất trị giá hàng tỷ đồng... Trong phát triển kinh tế, bà con được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như thâm canh lúa, chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng và giống gia súc; làm quen với việc trồng lúa nước; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên; nhiều gia đình đã mua sắm được các tiện nghi phục vụ sinh hoạt như xe máy, ti vi, tủ lạnh...

Quan trọng nhất là, trình độ, nhận thức cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có nhiều đổi thay rõ nét. Về cơ bản người dân bỏ lối sống du canh, du cư; chấp hành đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp và chính sách của Nhà nước, địa phương. Bà con từng bước áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; giao lưu, thích ứng và hòa nhập với môi trường văn minh, tiến bộ...

Có điều kiện về kinh tế, “ấm cái bụng” người dân tạo điều kiện thuận lợi cho con em đi học, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp dần được khôi phục; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các dân tộc khác được tổ chức thường xuyên hơn, người dân tham gia tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, khi ốm đau, sinh nở biết đến trạm tế để được khám và điều trị; tỷ lệ mắc ốm đau và mắc các bệnh thông thường giảm; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm; chất lượng dân số ngày càng được nâng lên…

Được nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, bà con tích cực tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tỷ lệ nghiện ma túy giảm, nhiều người nghiện ý thức được tác hại của ma túy với bản thân, gia đình và cộng đồng nên đã chủ động xin đi cai nghiện. Bà con còn cung cấp nhiều tin có giá trị cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tích cực tham gia cùng BĐBP tuần tra biên giới, tự quản đường biên, cột mốc...

Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện Đề án, những năm qua, cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè) đã phối hợp với ủy ban MTTQ huyện, các ban ngành, đoàn thể triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng 25 nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” hỗ trợ cho 2 cháu ăn học ở bản Sín Chải A,B. Hiện nay, hầu hết bản dọc tuyến biên giới trong xã đều được phủ sóng di động của VNPT, Viettel, trung tâm xã có điểm bưu điện văn hóa, một bộ phận lớn nhân dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch nông thôn. Đồn còn phối hợp xây dựng được nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa thiết thực như: “Thầy giáo quân hàm xanh’, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ tăng cường xã mang quân hàm xanh”, “Mô hình nuôi bò tập trung đã và đang mang lại hiệu quả”. Nhờ đó, hiện nay 15 bản, trên 550 hộ, gần 2.420 nhân khẩu người La Hủ trên địa bàn Đồn quản lý cơ bản ổn định cuộc sống; bà con nỗ lực sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo; cùng bộ đội biên phòng giữ vững dải đất biên cương của Tổ quốc.

 Những kết quả đạt được là động lực để lực lượng Biên phòng tiếp tục triển khai, thực hiện Giai đoạn II của Đề án (2016 - 2020) một cách mạnh mẽ, theo hướng tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chính quyền tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng, làm tốt công tác tham mưu về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; sắp xếp ổn định dân cư; phát triển sản xuất; chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế.. thực hiện tốt 5 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng suy nghĩ”, 4 biết: “biết việc của mình; biết việc của dân; biết tham mưu đúng”… Qua đó, tạo tiền đề giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo; từng bước bắt nhịp với xu thế, tốc độ và sự phát triển chung của tỉnh cũng như tham gia tích cực vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Hồng Luyến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...