Thứ năm, 16/05/2024, 20:00 [GMT+7]

Những “cột mốc sống” nơi ải bắc

Thứ sáu, 18/11/2016 - 15:28'
(BLC) - Nhiều năm qua đồng bào các dân tộc nơi ải bắc tỉnh ta tự nguyện sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới. Giờ đây, trên dải đất quan san điệp trùng ấy, việc đảm nhận trông coi biên giới không chỉ là của lực lượng biên phòng hay của một cá nhân mà đã trở thành phong trào rộng khắp trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để rồi, chính họ đã trở thành những “cột mốc sống”, cùng lực lượng biên phòng canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Dù là đảng viên dân tộc thiểu số hay những nông dân vùng cao, cuộc sống mưu sinh hàng ngày vẫn là chuỗi ngày đi rừng, lên nương để đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, phía sau những điều rất đỗi bình thường ấy, là những tấm lòng vì nước cao cả, ngày ngày “bám biên” lao động sản xuất. Đó không chỉ là việc làm mưu sinh vì cuộc sống đơn thuần, mà mục tiêu lớn lao hơn cả, họ đã góp phần giúp người dân đất Việt được sống trong yên bình.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) phối hợp cùng dân quân xã Ma Ly Pho tuần tra biên giới.

Để đến được vùng biên ải xa xôi này, sau gần một ngày đường ngược núi, chúng tôi mới gặp được họ, những “cột mốc sống” tại cánh rừng thảo quả ở gần mốc biên giới số 79. Người đàn ông dân tộc Mông tên Mùa A Sình (ở bản Hang É, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ) được người dân trên khắp dải biên giới Lai Châu nhắc nhiều, vì thành tích gần 10 năm bám biên với phong trào “tự quản đường biên, mốc giới” ở địa phương. Đúng với tính cách của một nông dân vùng cao chân chất, vóc dáng nhỏ thó, nước da ngăm đen và mái tóc vàng sạm cháy nắng, thích làm hơn nói, ông Sinh bộc bạch: Đường từ nhà lên nương thảo quả mất vài giờ đi bộ vượt núi, luồn rừng, vất vả lắm. Nhưng chỉ khi nào ốm, cái mắt nó mờ, bước không qua nổi hòn đá tôi mới phải nhờ đến người nhà lên nương, lên mốc biên giới. Từ khi gia đình tôi và bà con trong bản được chính quyền và cán bộ biên phòng tổ chức ký cam kết tự quản đường biên mốc giới thì tôi càng phải có trách nhiệm và cố gắng hơn.

Cũng như gia đình ông Mùa A Sình, từ nhiều năm nay gia đình ông Ly A Sa  (dân tộc Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ) đã ký kết tham gia bảo vệ đoạn biên giới dài gần 2km, nơi đặt vị trí cột mốc 70 trên biên giới Việt - Trung. Đồng hành với ông là vợ cùng 9 người con nhiều năm nay đều hăng hái tham gia. Các thành viên trong gia đình cũng coi đây như một niềm vinh dự, tự hào. Là một đảng viên, nên ông càng rõ trách nhiệm của mình, làm gương cho bà con trong bản. Hàng ngày, cùng với việc lên chăm sóc nương thảo quả gần đường biên, ông và người thân trong gia đình đều không quên thăm cột mốc. Chưa một dấu vết lạ nào trên đường biên, cột mốc có thể qua được mắt ông.

Ông Ly A Sa kể lại: Cách đây mấy năm, một lần tôi ốm mà thời gian đó lại là ngày mùa, cả nhà đi thu hoạch lúa hết, nên không ai đi thăm biên. Sau mấy ngày nghỉ ốm, thấy trong người không yên, với linh cảm có gì đó không hay xảy ra trên biên giới, tôi đã bảo đứa con trai lớn đi cùng lên biên giới. Đúng như linh tính, khi lên tới gần mốc, thấy có mấy người đang phát nương lấn sang đất mình. Tôi đã giải thích cho bà con hiểu quy chế biên giới, rồi bảo đứa con trai về báo với bộ đội biên phòng. Nhờ đó mà đã kịp thời ngăn chặn được việc xâm canh và cũng từ đó đoạn biên giới, với cột mốc 70 đã gắn liền với cuộc sống của gia đình tôi.

Trong tâm khảm của mỗi người dân, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như ai cũng đều nghĩ rằng việc quản lý đường biên mốc giới là nhiệm vụ chính của lực lượng bộ đội biên phòng. Thế nhưng, đối với đồng bào các dân tộc vùng cao Lai Châu, thì việc này lại là trách nhiệm chung và cao hơn cả là tình yêu quê hương, đất nước mình. Những cái tên như Mùa A Sình, Ly A Sa, cũng như hàng trăm hộ gia đình trên dải biên cương Lai Châu đã ký kết bảo vệ đường biên với các đồn biên phòng và chính quyền địa phương. Để rồi, khi bám biên, họ đều có những thông tin cập nhật chính xác và kịp thời nhất báo cáo về tình hình đoạn biên giới mà gia đình mình quản lý.

Bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kết hợp với Bộ đội Biên phòng trong việc giữ gìn đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh trật tự thôn bản. Bà con đã coi trọng việc bảo vệ đường biên, mốc giới là để phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cùng với bộ đội biên phòng tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn trật tự thôn bản.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cùng chính quyền địa phương xã Sì Lở Lầu thường xuyên xuống bản để kịp thời nắm bắt thông tin qua quần chúng Nhân dân.

Ở các bản làng vùng cao, trải dài hơn 265km trên tuyến biên giới Việt - Trung, việc tự quản đường biên, mốc giới những năm qua đã trở thành phong trào rộng khắp trong đồng bào các dân tộc thiểu số Lai Châu. Từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 năm 2015 về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; tỉnh ta đã phát triển lên hơn 200 nhóm hộ và tổ tự quản đường biên mốc giới, quản lý 83/101 mốc và 200 tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản ở 23 xã biên giới. Số lượng đồng bào các dân tộc địa phương tham gia các tổ, nhóm tự quản ngày càng đông, bởi biên giới Lai Châu đã ở trong lòng dân và lòng dân chính là biên giới.

Đại tá Phan Hồng Minh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Các tổ tự quản và các hộ dân canh tác trên tuyến biên giới đã đóng góp rất nhiều, giúp bộ đội biên phòng trong việc quản lý và bảo vệ biên giới. Bà con đã kịp thời phát hiện các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biên giới, những thay đổi của đường biên, cột mốc để báo với bộ đội biên phòng kịp thời xử lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đến các xã và tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện biên giới tổ chức ký kết phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc tới từng bản trên địa bàn biên giới của tỉnh. 

Chiều biên giới Lai Châu những ngày đầu đông thật bình yên, khắp một dải quan san trùng điệp, nhuộm kín màu vàng của hoa cúc quỳ và màu xanh của những cánh rừng đại ngàn. Mùa nào mây cũng trôi, nước cũng chảy về hạ nguồn và đứng trước những “cột mốc sống” hiên ngang ngày đêm bám biên, khiến trong lòng mỗi người trỗi dậy tình yêu bản làng, quê hương, đất nước.

Đức Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...