Thứ tư, 08/05/2024, 16:07 [GMT+7]

Vượt dãy Hoàng Liên - Kỳ 1: Đường tuần tra qua núi

Thứ bảy, 01/03/2014 - 15:17'
(BLC) – Dãy Hoàng Liên Sơn - mái nhà Đông Dương với vô vàn điều kỳ bí, sừng sững. Sự gian nan của chốn u linh rừng thẳm khiến người khám phá phải thoái trí. Vậy mà hơn 40 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) vẫn cần mẫn ngày đêm vượt dãy Hoàng Liên, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Sáng sớm ở Nậm Xe, sương núi như chiếc chăn mềm trùm khắp các bản làng, đỉnh núi. Trong màn sương đó, những CBCS Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đang nhận nhiệm vụ hành quân tuần tra bảo vệ biên giới.

Trên đường tuần tra biên giới.

Vượt núi

Trong màn sương đặc như vơ, như nắm được chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng lách cách kiểm tra súng, tiếng những bước chân khẩn trương và nhất là tiếng của đại úy Hà Đức Long - Chính trị viên phó, Đội trưởng Đội tuần tra (Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ) dõng rạc phổ biến nhiệm vụ, tình hình liên quan, phân chia tổ, giao nhiệm vụ cho đội tuần tra và truyền đạt mệnh lệnh hành quân. Trong sương, đội tuần tra đứng nghiêm trang nắm chắc súng chờ lệnh hành quân. Trong đội tuần tra có 2 chiến sỹ trẻ lần đâu tiên được đi tuần biên giới, hẳn lúc này họ đang hồi hộp lắm.

Đội tuần tra qua các cánh đồng đang thì chính vụ gieo cấy, nhân dân ở đây đang tranh thủ cấy nốt những thửa ruộng còn lại để đảm bảo lịch thời vụ. Đội đi đến đâu là đồng bào dừng cấy, ngẩng lên cười, chào, hỏi thân mật, thắm thiết. Bà con vồn vã mời nghỉ, mời nước cả đoàn. Có lẽ với họ, những CBCS của Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã là người nhà, ruột thịt nên đến bản nào Đội cũng nhận được tình cảm ấm nồng của bà con.

Chuẩn bị tuần tra.

Bản làng dần lùi xa sau những bước chân thoăn thoắt, sau gần 14km từ điểm xuất phát, đội bắt đầu chinh phục đại ngàn Hoàng Liên. Sự hiểm trở, gian nan của “mái nhà Đông Dương” hiện rõ! Đường lên núi cứ hẹp dần, hẹp dần sau từng con dốc. Những vách đá cheo leo cứ như hùa cùng vực thẳm lăm le trực những cú sa chân của chiến sỹ đi tuần. Đường đi có chỗ qua khe, qua suối, của chiến sỹ đi tuần thành khiến đoàn người phải kéo gối lên tận ngực mà leo. Nhìn từ dưới lên cứ ngỡ người trên đạp lên vai người dưới... Mồ hôi ướt đầm những lưng áo, rịn xuống cằm, xuống gáy từng người, những chiếc gậy “trường sơn” cũng đã tòe đầu, cong trĩu.

Mặt trời càng lên cao, sự thử thách của thiên nhiên đối với Đội tuần tra càng lớn. Mồ hôi vẫn rơi nhưng những nụ cười đầy tự hào, kiêu hãnh và trách nhiệm của CBCS biên phòng vẫn không thôi nở trên môi, như thể gian nan chỉ làm cho cuộc sống thêm thi vị. Những cái bóng đổ dài sườn dốc, những ngôi sao trên mũ nhấp nhô theo nhịp bước. Gió vẫn rít vù vù qua kẽ tóc, sương núi buốt giá vẫn quất vào người hòng cản bước đội tuần tra vượt núi.

Bản cổ

Sau gần 3 giờ đi bộ qua những đoạn dốc dài, chúng tôi tới bản Sàng Mà Phô (xã Sin Suối Hồ) ở lưng chừng núi. Thật trùng hợp, cái tên của bản dịch ra có nghĩa là “đoạn dốc dài”. Mùa này cây đào, mận đang độ mãn khai. Đào nở đầy giữa bản, quanh bản, trên nương, bờ suối tạo nên một bức tranh thơ mộng. Những nếp nhà nằm yên bình bên triền đồi trong sự ấp ủ của đại ngàn và những đụn hoa đào hồng ửng tạc nên một bức tranh phong cảnh với những gam màu hài hòa, bắt mắt. Dòng khe uốn lượn qua đầu bản với những lán cối giã bằng sức nước càng khiến khung cảnh nên thơ, hữu tình. Trong bản vẫn còn những cây cổ thụ 4 - 5 người ôm không xuể.

Nhận mệnh lệnh hành quân.

Đội tuần tra ghé thăm trưởng bản Lý A Dế. Ông Dế đón đội bằng cái ôm thật chặt và cười như thể đón người nhà đi xa trở về. Biết tin đội tuần tra sẽ đi tuần mốc giới qua bản, ông Dế không ngần ngại đăng ký tham gia cùng. Dù rằng năm nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng hầu như năm nào cũng vài đận ông cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra biên giới. Ông bảo: “Sắp kỷ niệm 25 năm ngày Biên phòng toàn dân mà, mình cũng phải tham gia tuần tra chứ, là ngày 3/3 hàng năm đấy. Ông già vẫn nhớ mà, không quên đâu!”.

Biết đoàn mỏi mệt sau đoạn dốc dài, ông Dế đã chuẩn bị nào nước, lương khô để đoàn giải lao. Nước của ông cũng là thứ nước đặc biệt được lấy từ một loại cây trên dãy Hoàng Liên nấu lên có màu vàng sậm, uống vào thanh mát đặc biệt.

Sau phút giây hội ngộ, đội lại tiếp tục men theo con đường đầu bản, tiến lên dãy Hoàng Liên. Đứng trên đầu bản nhìn xuống, bản Sàng Mà Phô như thể cái mai rùa với những hoa văn đặc sắc từ những mái nhà, những cây cổ thụ, khối đá và hoa đào. Bản có 59 hộ, 100% là dân tộc Mông. Bản được mọi người đặt cho cái tên “bản cổ” vì từ bao đời nay, người dân sinh ra, lớn lên rồi tỏa đi lập nghiệp ở những bản khác tận bên kia dãy Hoàng Liên nhưng bản thì không di chuyển. Bà con bảo Sàng Mà Phô là cái gốc cây các con các cháu là cành, nhánh mỗi ngày một tỏa rộng.

Tuy là bản cổ nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, sự đầu tư của Nhà nước nên điện lưới quốc gia đã về đến bản. Bây giờ bà con tẽ ngô, xát gạo, đọc báo, nấu cơm đều thuận tiện hơn nhờ có điện. Ông Dế còn bảo bây giờ cứ đến 7 giờ tối hầu như bà con trong bản đều xem chương trình thời sự chứ không xem phim nữa. Ti vi, nhất là Báo Lai Châu không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là kênh thông tin rất bổ ích cho đồng bào nơi đây. Không chỉ điện lưới, nhà nước và nhân dân còn cùng nhau xây dựng tuyến đường bê tông nội bản nên đường vào bản giờ đã sạch, đẹp, việc vận chuyển ngô, lúa, thảo quả thuận tiện hơn rất nhiều.

Tuy ít nói nhưng trưởng bản Lý A Dế vẫn thủ thỉ những điều hết sức ý nghĩa: Bản tôi ở đây ngàn đời rồi, bám lấy đường biên giới Việt Nam mà sống. Đất của cha ông ở đây thì chỉ ở đây và phải giữ bằng được. Mỗi người dân trong bản khi đi làm nương thấy đường biên, mốc giới có điều gì bất ổn đều thông tin cho bộ đội. Đất của cha ông thì phải giữ bằng được.

(Còn nữa)

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...