Thứ năm, 18/04/2024, 10:54 [GMT+7]

Vững vàng một dải biên cương - Bài 1: “Bà đỡ” giúp dân thoát nghèo

Thứ sáu, 20/12/2019 - 23:32'
(BLC) - Tỉnh Lai Châu có 265km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), địa hình hiểm trở, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Song những năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng biên phòng Lai Châu thông qua việc triển khai nhiều mô hình thí điểm cây, con giống mới đã và đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điểm tựa vững chắc để người dân vùng biên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu bao gồm 4 huyện, với 23 xã, quán triệt Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững; Nghị quyết 05/NQ-TU, ngày 9/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch; ra nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện sát với địa bàn, đơn vị với phương châm “3 bám, 4 cùng”.

Song song với đó, cán bộ, chiến sĩ được huy động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới giúp cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân trong khu vực phòng thủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực hướng về BĐBP và đồng bào nơi biên giới.

biên phòng 1

Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa địa lan của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP còn tham mưu cho UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát điều chỉnh các dự án, phối hợp lồng ghép các chương trình phù hợp với địa bàn biên giới. Vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai hoang, thâm canh tăng vụ, làm thuỷ lợi, thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa các loại cây con giống có năng suất cao vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội.

Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đứng chân trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 9,202km đường biên tiếp giáp với nước Trung Quốc; với 3 xã biên giới gồm Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Bản Lang, dân số chủ yếu là bà con dân tộc Mông, Dao sinh sống nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Thế nhưng, trong những năn gần đây, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Đồng chí Vàng A Vư - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ chia sẻ, đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn nhưng bằng tình cảm và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn đã nghiên cứu thành công nhiều mô hình, giúp bà con trong xã phát triển kinh tế, ổn định đời sống  như: mô hình trồng hoa địa lan, chè, xả, chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là cách phát triển kinh tế qua mô hình làm du lịch cộng đồng. 

Ghé thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, anh Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho chúng tôi biết, từ những bông địa lan rừng được bà con đưa về trồng để chơi tết. Sau này có nhiều du khách đến thăm bản, thấy đẹp đã hỏi mua. Ban đầu mình vừa bán vừa cho, sau thấy nhu cầu tăng cao, gia đình mình cùng các hộ trong bản đầu tư chăm cho lan đẹp rồi bán với giá vài trăm nghìn một cành, thậm chí có chậu địa lan bán được hơn chục triệu đồng. Anh bảo, địa lan được trồng nhiều và cả bản phát triển làm du lịch được như ngày hôm nay, nhờ công rất lớn của Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ. Các anh thường xuyên lên bản động viên, hướng dẫn bà con trồng địa lan làm sao cho tốt, cho hiệu quả và hướng dẫn bà con làm du lịch, thu hút khách, bán lan để mua sắm trang thiết bị phục vụ du lịch. Từ khi bản Sin Suối Hồ có điện sinh hoạt, các anh còn tư vấn cho bà con lắp wifi, dạy bà con cách vào mạng và lập facebook để quảng bá cây địa lan, giới thiệu cho khách du lịch biết đến bản Sin Suối Hồ. Cả bản hiện có 10 hộ kinh doanh dịch vụ Homestay, mỗi hộ có thể phục vụ từ 8 - 10 khách/ngày. Lượng khách du lịch hàng năm đến thăm quan bản đạt hơn 20.000 lượt người và đem lại doanh thu cho bản gần 4 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, thì bản Sin Suối Hồ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách thích trải nghiệm và yêu thích hoa địa lan.

Gắn bó với người dân nơi biên giới, xem họ như gia đình, anh em ruột thịt trong nhà, những người lính biên phòng trên địa bàn biên giới còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm khi tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tìm tòi, nghiên cứu những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương. Qua đó, giúp Nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điển hình như các mô hình: chăn nuôi gia súc tập trung như ở bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho; nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Pa Vây Sử; nuôi trâu sinh sản tại xã Sin Suối Hồ; trồng Chuối thương phẩm xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ). Mô hình nuôi bò tại xã Pa Ủ, Pa Vây Sủ; trồng lúa nước ở bản Là Si, xã Thu Lũm, giúp đồng bào La Hủ và Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm (huyện Mường Tè)…

Trung tá Nguyễn Văn Hòa - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thu Lũm, huyện Mường Tè khẳng định, biên cương có vững chắc, thực sự là phên dậu của Tổ quốc, trước hết mỗi người dân phải thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Chính vì vậy, các mô hình kinh tế do đơn vị xây dựng, chuyển giao không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu mà còn tạo việc làm, thúc đẩy công cuộc xóa giảm đói nghèo bền vững trên tuyến biên giới.

Một trong những chương trình ghi dấu ấn quan trọng trong giúp người dân ở vùng biên giới xóa đói giảm nghèo bền vững, đó là Chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới” do Bộ Tư lệnh BĐBP và Tập đoàn công nghiệp Viettel phối hợp thực hiện từ năm 2013 đến nay, BĐBP tỉnh đã phối hợp với Viettel Lai Châu trao tặng 1.110 con cho Nhân dân khu vực biên giới của tỉnh. Con số đó không chỉ minh chứng cho sự quan tâm, sẻ chia của lực lượng biên phòng với đồng bào các dân tộc vùng biên mà nó còn khẳng định tình đoàn kết gắn bó, quân dân; tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Đứng trước thực trạng đồng bào La Hủ ở khu vực biên giới như đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và lạc hậu nghiêm trọng, bởi lối canh tác giản đơn, sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung, tự cấp, cuộc sống chủ yếu du canh, du cư, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Bộ đội Biên phòng Lai Châu tham mưu cho địa phương giúp dân tộc La Hủ định canh định cư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tỉnh” (giai đoạn 2009-2015) nhằm vực dậy một dân tộc ít người nơi biên cương đang có nguy cơ mai một.

Chủ trương được chấp thuận, BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp các ban, ngành, tỉnh, huyện tham mưu quy hoạch ổn định, sắp xếp và di chuyển dân đến nơi có điều kiện sản xuất tốt hơn để thành lập bản theo mô hình nông thôn mới, vận động đồng bào về sinh sống tập trung, thành lập mới 3 bản (Hà Xi, xã Pa Ủ; Là Si, xã Ka Lăng; Là Si, xã Thu Lũm), quy hoạch sắp xếp lại 2 bản (Tân Biên, Mu Chi, xã Pa Ủ) với 207 hộ/958 khẩu. Đến nay, đời sống của đồng bào La Hủ đã từng bước được cải thiện, đồng bào đã yên tâm định canh, định cư, lao động sản xuất, có ý thức vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên trì bám trụ trên biên giới, tích  cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc.

Để người dân có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quan tâm, triển khai hiệu quả phong trào “Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã tổ chức ra quân giúp đồng bào làm mới 233km đường giao thông nông thôn, 87,5km đường bê tông nội bản. Khai hoang, phục hoá 73ha ruộng nước và nương có bờ, làm 47,5km kênh mương thủy lợi. Di dời 842 nhà với hơn 4.036 ngày công từ khu vực có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Khám chữa bệnh cho 4.899 lượt người; cấp thuốc miễn phí trị giá 143,4 triệu đồng; trực tiếp xây dựng 25 công trình dân sinh... Đến nay, đã có 1 xã biên giới (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ đói, nghèo 10 năm về trước là 76% đến nay đã giảm xuống còn dưới 40%.

Với những kết quả đạt được trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt chuyên trách của lực lượng BĐBP tỉnh trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh. Góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nhà nước và BĐBP ngày càng được củng cố tăng cường, quần chúng Nhân dân đã tích cực tham gia cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

(Còn nữa)

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...