Thứ ba, 16/04/2024, 21:50 [GMT+7]

Vững vàng một dải biên cương - Bài 3: Đưa ánh sáng văn hóa về nơi biên cương Tổ quốc

Thứ hai, 30/12/2019 - 16:52'
(BLC) - Những năm qua, cùng với nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, vấn đề chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí cho bà con vùng biên giới được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương dành sự quan tâm đặc biệt. Tích cực đồng hành cùng đồng bào các dân tộc biên giới, những người lính quân hàm xanh trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã nỗ lực hết mình xây dựng các điểm sáng văn hóa, giúp bà con có cơ hội tiếp cận với tri thức, văn hóa mới, làm tiền đề để thay đổi chất lượng cuộc sống cho người dân.

<> Vững vàng một dải biên cương - Bài 2: Giúp dân an cư lạc nghiệp

Sáng sớm, khi sương đêm còn phủ trắng dãy núi Ma Can, chúng tôi cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) về bản Hà Nhì. Bản có hơn 50 hộ, 100% đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Những năm qua, Đồn Biên phòng Dào San đã luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con xây dựng đời sống văn hóa. Nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân vùng biên, cán bộ chiến sỹ trong Đồn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa. Qua đó, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp dân ngăn chặn các luồng văn hóa độc hại, tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật… Từng bước khơi dậy truyền thống văn hóa và lòng tự tôn dân tộc, cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đại úy Đinh Danh Cẩn - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Dào San chia sẻ: Địa bàn biên giới là nơi giao thoa của các nền văn hóa, vì vậy, để xây dựng được phòng tuyến Nhân dân bảo vệ biên giới, những năm qua Đồn Biên Phòng Dào San đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chính quyền cùng bà con trong xã tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Hà Nhì... Từng bước nâng cao ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, bài trừ các loại văn hóa độc hại, các tôn giáo trái phép xâm nhập vào đời sống quần chúng, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, đồng bào nơi biên cương ngày càng vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

biên phòng 3

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San trao số tiền hỗ trợ học tập cho em Dì Thị Hà - lớp 8A1, Trường THCS Dào San.

Xác định văn hóa là nền tảng quan trọng của sự phát triển bền vững, những năm qua dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cấp ủy, chỉ huy các Đồn Biên phòng đã trực tiếp trao đổi, thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nội dung, chương trình tham gia xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Góp phần làm cho phong trào xây dựng "bản văn hoá", "Gia đình văn hoá" ở vùng biên giới phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, nhiều mô hình cụ thể, chương trình, phần việc BĐBP tỉnh triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực như: “điểm sáng văn hóa biên giới”, cai nghiện tại cộng đồng”, “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”, Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Thầy giáo quân hàm xanh - nâng bước em tới trường”, “Quân - dân y kết hợp”,…

Bên cạnh đó, các đồn biên phòng cũng trở thành điểm sáng văn hóa, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP là người có văn hóa, đạo đức, lối sống tốt, có trình độ hiểu biết phong tục tập quán, nhu cầu thưởng thức văn hóa của đồng bào, nói đi đôi với làm, sâu sát, gần gũi với Nhân dân. Tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở các xã biên giới phải gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp lành mạnh, phong phú trong Quân đội”.

Đến các xã biên giới Lai Châu, hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh sau giờ làm việc lại cùng các thầy cô đứng lớp hay giúp địa phương làm lớp học, phòng bán trú cho học sinh đã không còn xa lạ. Trong câu chuyện với gia đình em Dì Thị Hà - lớp 8A1, Trường THCS Dào San, chúng tôi càng hiểu rõ hơn tình quân dân nơi biên giới không phải là những điều gì quá lớn lao mà xuất phát từ chính những việc làm nhỏ bé, nhưng ý nghĩa nhân văn sâu sắc lại hiện hữu trong từng hành động cụ thể.

Ông Lý Khà Cư – ông nội của em Hà chia sẻ, bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng rồi không trở về, Hà ở với ông bà nội đã già yếu nên nhiều lần con bé đòi bỏ học để phụ giúp ông công việc hàng ngày. Biết hoàn cảnh của Hà, Đại tá Phan Hồng Minh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu và giúp đỡ em mỗi tháng 500.000 đồng từ khi em còn học tiểu học. Nhờ sự giúp đỡ quý báu đó, đã giúp em yên tâm học tập, 8 năm qua Hà luôn là học sinh khá giỏi của nhà trường.

Đồng hành cùng giáo dục vùng biên, lực lượng Biên phòng Lai Châu đã thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Đến nay, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 60 cháu học sinh trên địa bàn biên giới, trung bình mỗi cháu được hỗ trợ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Có đơn vị nhận nuôi các cháu tại đồn. Ngoài ra, các đơn vị còn kết nối, kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện hỗ trợ, tặng sách vở, đồ dùng học tập, chăn ấm, áo ấm, xây dựng trường lớp, nhà ăn bán trú, khu vui chơi cho các em tổng trị giá hơn trên 20 tỷ đồng…

Đặc biệt, chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh – nâng bước em tới trường” những người lính quân hàm xanh đã trực tiếp tu sửa, làm mới 127 phòng học, phối hợp vận động 1.911 trẻ em bỏ học quay lại trường, lớp học. Cùng với đó, lực lượng biên phòng cũng tổ chức hàng nghìn buổi lên lớp xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao, giúp bà con nắm được chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; tiếp cận được với những kiến thức xã hội, từng bước phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Bám sát định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, những năm qua, lực lượng biên phòng Lai Châu đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người quân y mang quân hàm xanh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên tuyến biên giới. Các đơn vị quân y trên các địa bàn không chỉ khám, chữa bệnh cho Nhân dân mà còn tích cực tham gia các chương trình y tế quốc gia như: cai nghiện tại cộng đồng, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống: sốt rét, lao, suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản,...; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nếp sống mới, vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình... Điển hình như anh Dì A San ở bản Hợp II, xã Dào San, huyện Phong Thổ. Từ một người chăm chỉ, cần cù làm ăn, kinh tế gia đình khá giả, sau nhiều năm chìm trong khói thuốc, bao nhiêu lúa, ngô và đồ đạc trong nhà anh đã lần lượt mất đi. Cùng quẫn, anh tìm đến cái chết, may mắn đối với anh là được người thân phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, anh vẫn không thể từ bỏ "cái chết trắng", chỉ đến khi được CBCS đồn biên phòng giúp đỡ anh mới tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình. Dẫu có hơi muộn nhưng anh vẫn rất vui bởi đã thực hiện được nguyện vọng cuối cùng là mang lại hạnh phúc cho vợ con – những người luôn ở bên, khi anh lầm đường lạc lối.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sỹ biên phòng, đặc biệt xây dựng tình quân - dân nơi biên giới ngày càng gắn bó, bền chặt. Đến nay, việc xây dựng điểm sáng văn hóa biên giới gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn khu vực biên giới của BĐBP tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng cộng đồng ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Các xã biên giới đã phổ cập xong giáo dục tiểu học, 100% trẻ em đến độ tuổi vào lớp một. Việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống mới nhưng vẫn phù hợp với phong tục, tập quán, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Các hủ tục được bài trừ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lấy chồng bên kia biên giới giảm đáng kể. Đến nay, các Đồn biên phòng đã tham mưu cho các cấp chính quyền, mặt trận Tổ quốc địa phương công nhận 9.313 hộ gia đình văn hóa/16.307 hộ (chiếm 57,11%), 107 bản văn hóa/211 bản (chiếm 50,7%).

Thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa và phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và triển khai tốt mô hình “điểm sáng văn hóa biên giới” theo hướng thiết thực. Góp phần xây dựng địa bàn giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng, đẹp về cảnh quan, môi trường, thực sự là phên dậu vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...