Thứ năm, 16/05/2024, 15:25 [GMT+7]

Yên ấm vùng biên

Thứ năm, 29/12/2016 - 10:59'
(BLC) - Đó là một trong những thành quả nổi bật từ công tác phối hợp giữa Hội Nông dân và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực biên giới thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa thời gian qua.

Xây dựng thế trận lòng dân

5 năm trước, chương trình ký kết phối hợp giữa Hội Nông dân và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (giai đoạn 2011 - 2015) được thực hiện với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Từ đó, công tác vận động, tuyên tuyền Nhân dân các dân tộc khu vực biên giới được 2 bên thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện. Nội dung tuyên tuyền liên quan đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, Nghị quyết Đại hội các cấp, vận động Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di dịch cư tự do… Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương và hướng dẫn của cấp trên, hai ngành phối hợp biên soạn các tài liệu ngắn gọn phù hợp với từng địa bàn giúp Nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ. Mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho các cán bộ xã, bản; duy trì thường xuyên có hiệu quả 10 Đài Truyền thanh xã biên giới với mỗi tuần 1 số/60 phút phát nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, địa phương, gương người tốt - việc tốt; phát các loại báo, tạp chí miễn phí tới Đồn Biên phòng và các xã biên giới góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Từ đó, bà con vận dụng vào thực tế sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển để từng bước nâng cao đời sống.

Cán bộ Đồn Biên phòng và Nhân dân xã Thu Lũm thường xuyên tuần tra biên giới.

Vấn đề cốt lõi trong quy chế phối hợp chính là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại các xã biên giới. Việc đưa cán bộ tăng cường cho 23 xã biên giới trong toàn tỉnh được coi là chủ trương đúng đắn, giúp ích cho công tác tham mưu với cấp trên thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Trao đổi về điều này, đồng chí Lê Công Thành - Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết: “Chúng tôi đã điều động 20 cán bộ tăng cường cho 20/23 xã biên giới tham gia vào cấp ủy. Giới thiệu 66 đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản; đề xuất thay thế, bổ sung 150 cán bộ xã làm việc kém hiệu quả, cử đi học các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ… Sau một nhiệm kỳ hoạt động  cho thấy các chế độ sinh hoạt, công tác tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể dần đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả; mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, chính quyền, Nhân dân ở các xã biên giới được củng cố vững chắc và ngược lại Nhân dân đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, chính quyền”.

Đặc biệt, trong công tác quản lý biên giới, các đồn biên phòng đã với hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng hội viên nông dân và đồng bào các dân tộc tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh.

Cùng dân xóa đói giảm nghèo

2 ngành đã phối hợp vận động các tầng Nhân dân khu vực biên giới tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, ưu tiên quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020; phát động phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” hay “Nông dân tham gia đảm bảo an ninh, quốc phòng”.

Những ngày cuối năm sắp trôi qua, chúng tôi được cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh dẫn đi thăm một số mô hình kinh tế giúp dân đang phát huy hiệu quả cao ở nhiều xã biên giới huyện: Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và mô hình đỡ đầu nuôi dưỡng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ). Tại đây, chúng tôi được tận mắt ngắm những rừng chuối, nương ngô, nương lúa xanh bạt ngàn, nơi ấy đã và đang thấp thoáng bóng dáng của cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho - Tẩn Chỉn Hùng phấn khởi nói: “Được những người lính biên phòng hướng dẫn làm kinh tế, bản Hùng Pèng đã đẩy lùi đói nghèo. Nhất là tại đây, các mô hình chăn nuôi gia súc do lực lượng bộ đội biên phòng “đỡ đầu” đang mang đến luồng gió mới trong phát triển kinh tế”. Tìm hiểu sâu hơn chúng tôi được biết, những con giống đầu tiên được gây dựng từ chính nguồn vốn ít ỏi của bộ đội và Nhân dân. Dê và bò là 2 loại được lựa chọn trong dự án sinh kế lâu dài của bản Hùng Pèng. Từ đó đến nay, số bò, dê lên tới hàng trăm con. Mỗi đợt xuất bán hàng chục con dê, bò đã tạo nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống Nhân dân, lập quỹ xóa đói giảm nghèo và xây dựng chuồng trại kiên cố. Hợp tác xã Đại đoàn kết trở thành mô hình chăn nuôi điển hình được nhiều nơi trong tỉnh hưởng ứng, học hỏi, làm theo”.

Ngoài “công trình kinh tế” này, những mô hình tương tự cũng mang lại hiệu quả cao như: tăng gia sản xuất và hướng dẫn Nhân dân nuôi lợn nái sinh sản, trồng chuối thương phẩm ở xã Huổi Luông; nuôi dê sinh sản ở các xã vùng cao: Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San; nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ); giúp đồng bào La Hủ và Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ (huyện Mường Tè)… Song song với đó, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh còn tạo điều kiện cho hội viên thông qua việc ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay vốn làm ăn với số tiền dành riêng cho các xã biên giới lên đến hơn 73 tỷ đồng.

Từ những việc làm cụ thể, bà con miền biên viễn tỉnh ta đang từng ngày “thay sắc đổi màu”, nghèo đã không còn bám đuổi dai dẳng, đói cũng xa dần theo năm tháng để nhường chỗ cho ấm no, sung túc và bình yên.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...