Thứ sáu, 29/03/2024, 17:04 [GMT+7]

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 115 năm lành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh(10/10/1949-10/10/2024), 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024)

Thứ sáu, 02/06/2023 - 11:09'
(BLC) - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 115 năm lành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh(10/10/1949-10/10/2024), 20 chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024). Báo Laichau Online giới thiệu tới bạn đọc.

 LAI CHÂU 115 NĂM LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN,

ĐẢNG BỘ LAI CHÂU 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

I- LAI CHÂU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ ở hang Thẩm Múa (Búng Lao), Thẩm Khương (Chiềng Sinh) thuộc huyện Tuần Giáo và Nậm Phé, Nậm Tun thuộc huyện Phong Thổ đã tìm thấy các công cụ của thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở Lai Châu những công cụ bằng đồng của nền văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại Hùng Vương như: trống đồng Tuần Giáo, trống đồng Mường Thanh, trống đồng Na Ngum (Điện Biên), trống đồng Chiềng Nưa (Mường Lay) trống đồng Mường So (Phong Thổ)…

Thời Hùng Vương, Lai Châu thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc lộ Đà Giang; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây gồm một vùng đất đai, sông núi rộng mênh mông tương đương với các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ ngày nay. Lai Châu lúc đó thuộc  phủ An Tây. Phủ An Tây có 10 châu: châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Chiêu Tấn, châu Tùng Lăng, châu Lễ Tuyền, châu Hoàng Nham, châu Hợp Phì, châu Tuy Phụ và châu Khiêm.

Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1768) miền đất này có 6 châu: Tùng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, và Khiêm bị nhà Thanh (Trung Quốc) đánh chiếm. Phủ An Tây chỉ còn 4 châu: châu Chiêu Tấn, châu Quỳnh Nhai, châu Lai và châu Luân. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã làm một biểu gửi vua nhà Thanh (Trung Quốc) đòi lại 6 châu đã bị nhà Thanh chiếm nhưng không được chấp nhận.

Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, đã đặt kế hoạch xâm chiếm tỉnh Hưng Hóa. Thời điểm này, tỉnh Hưng Hóa nằm trong Quân khu Tây, thuộc Đạo quan binh thứ tư (theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/8/1891). Sau đó Đạo quan binh thứ tư tách thành Tiểu quân khu Vạn Bú và Tiểu quân khu Lai Châu. Ngày 10/10/1895, hai tiểu quân khu trên sáp nhập thành tỉnh Vạn Bú. Ngày 7/4/1904, tỉnh lỵ Vạn Bú chuyển về Sơn La. Đến ngày 23/8/1904, tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La.

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người. Đến ngày 27/3/1916, tỉnh Lai Châu lại chuyển thành Đạo quan binh thứ tư theo chế độ quân quản. Mãi tới ngày 4/9/1943, chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ. Trong thời kỳ dài thống trị Lai Châu, thực dân Pháp đều đặt Lai Châu dưới chế độ quân quản, có một thời gian ngắn chúng áp dụng chế độ cai trị hành chính.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới chính thể mới của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Lai Châu có một số thay đổi về địa giới hành chính. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lai Châu nằm trong chiến khu 2 cùng với Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La. Sau đó Lai Châu nhập vào chiến khu 10 và một phần chiến khu 1 thành liên khu Việt Bắc. Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 26/1/1953, để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Đồng thời, Khu ủy Tây Bắc cũng ra Quyết định chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 230-SL thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, các châu (huyện trước đây) trực thuộc Khu, không có cấp hành chính tỉnh. Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trấn Lai Châu.

Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể. Tháng 12/1977 thành lập thị trấn Mường Lay và Sìn Hồ. Ngày 18/4/1992, thành lập thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 7/10/1995 thành lập huyện Điện Biên Đông. Ngày 26/9/2003 Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Điện Biên Phủ. Ngày 14/1/2002 Chính phủ ra Nghị định số 08-2002/NĐ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé”.

Nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Lai Châu nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung có sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI, tháng 11/2003 đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu sau khi được chia tách gồm 4 huyện của tỉnh Lai Châu trước đây và tiếp nhận huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai, với diện tích tự nhiên trên 9 ngàn km2 gồm 5 huyện, 86 xã, thị trấn, với trên 30 vạn người thuộc 20 dân tộc anh em cùng chung sống.

II- KINH TẾ - XÃ HỘI LAI CHÂU

1. Về kinh tế

Thời phong kiến, kinh tế của Lai Châu rất lạc hậu, hoàn toàn là nông nghiệp; nghề trồng trọt trở thành nguồn sống chủ yếu; chăn nuôi, thủ công nghiệp là nghề phụ. Trình độ sản xuất của các dân tộc ở các khu vực không đồng đều, nhiều dân tộc đã biết sử dụng cày bừa, con dao, cái cuốc nhưng vẫn còn có dân tộc dùng gậy để chọc lỗ tra hạt. Đời sống của nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đúng như câu cửa miệng của dân tộc Thái: “Miếng cơm từ đất, thức ăn ở rừng”. Nhiều dân tộc vẫn quen lối sống du canh, du cư. Nền kinh tế còn mang nặng tính tự cấp, tự túc; kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Do vậy, cuộc sống của đồng bào không ổn định, thiếu đói thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, đồng bào phải chịu áp bức bóc lột của chế độ phong kiến là các tạo bá, tạo mường. Người dân phải đi lính, đi ở, cống nạp theo luật tục nên nền kinh tế Lai Châu rất trì trệ, kém phát triển.

Thời thuộc Pháp, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người Pháp và một số quan lại địa phương, thực dân Pháp cho một số Hoa Kiều và người Kinh ở dưới xuôi lên mở cửa hiệu buôn bán ở thị trấn Lai châu, Tuần Giáo, Điên Biên. Cả tỉnh chỉ có 3 chợ tại trung tâm tỉnh lỵ, Điện Biên Phủ và Tuần Giáo. Từ cái kim, sợi chỉ, dầu hoả, muối... đều được mang từ dưới xuôi lên hoặc do các lái buôn Trung Quốc mang sang, nhưng số lượng hàng hoá trao đổi rất ít. Thủ công nghiệp ở Lai Châu gần như không có gì ngoài dệt bông sợi, nhuộm vải, nghề rèn của người Dao, nghề bạc và đóng thuyền của người Thái. Năm 1939 khai thác đá đen được tiến hành, ngoài ra còn có đãi vàng ở dọc sông Đà. Cũng vào năm 1939 thực dân Pháp đưa lên Lai Châu một máy phát điện chạy bằng củi để phục vụ thắp sáng cho bọn thống trị.

Thực dân Pháp và tay sai đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng thuế, nhằm vơ vét thêm nhiều tài sản của nhân dân. Thời nhà Nguyễn, chủ yếu là thuế trực thu đánh vào ruộng đất hoặc đầu người là thuế thân, chưa có thuế gián thu. Riêng ở vùng cao, đồng bào các dân tộc chỉ phải đóng thuế hộ; song từ năm 1897 thực dân Pháp đã quyết định thu cả hai loại thuế trực thu và gián thu. Người dân vừa phải chịu sưu cao thuế nặng lại phải đi lính, đi phu. Số ngày phu tính theo hộ, một năm thường là 3 tháng, có khi tới 5-6 tháng với tiền công rẻ mạt, lại bị đánh đập, áp bức, đã có rất nhiều người bị chết, nhiều người bị bắt đi lao dịch làm gia đình, vợ con ly tán.

Thực dân Pháp và bọn tay sai còn duy trì các hình thức bóc lột phong kiến như chế độ "cuông", "nhốc", "puộc". Để có mảnh ruộng cày cấy, những "cuông", "nhốc" đến mùa phải đi làm cho chủ trước, bao giờ hết việc mới được về làm ruộng của gia đình. Không những thế "cuông", "nhốc" còn phải làm tất cả mọi việc lặt vặt của nhà chủ vào những ngày lễ tết và cả ngày thường. Khi săn bắn được con hươu, con gấu, lấy được tổ ong... đều phải nộp cho chủ đúng quy định; việc ma chay, cưới xin, tiệc tùng đều phải được chủ đồng ý. Người dân còn phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi con cháu của các thổ ty đi học ở Đà Lạt, Hà Nội.

Từ khi cai trị Lai Châu, dựa vào phong tục, tập quán của địa phương, thực dân Pháp cho phép bọn quan lại được hưởng một vài quyền lợi đặc biệt, ngoài số lương bổng hàng tháng đã hưởng. Hàng năm ngoài thu nhập về thuế lúa ruộng, bọn tạo mường còn đặt ra lệ "khẩu nguột, khẩu trạn" bắt bất cứ người "cuông", "nhốc" hay nông dân nhận phần ruộng công đều phải nộp các loại lệ phí. Chúng còn duy trì chế độ "côn hươn", "gái xoè", "nàng hầu". Thực chất là người ở trá hình mà bất cứ bọn thống trị nào từ cấp tổng trở lên đều có. Các hình thức bóc lột trên, không những chỉ duy trì đối với bọn quan lại địa phương mà cả bọn thực dân Pháp cũng tham gia kiểu bóc lột dã man trên, khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, cực khổ.

2. Về xã hội

Năm 1930 tỉnh Lai Châu có 6,6 vạn người. Năm 1936 có 6,7 vạn người. Năm 1954 có 8 vạn người.

Thời Pháp thuộc, giao thông ở Lai Châu chưa phát triển. Năm 1933, do nhu cầu khai thác tài nguyên ở Sơn La, Lai Châu, thực dân Pháp cho mở con đường số 41 (nay là Quốc lộ 6). Đến năm 1939, con đường này nối liền Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu. Ngoài ra, còn có đường dân sinh Sa Pa - Lai Châu được mở vào năm 1939; đường đi Trung Quốc qua đường A Pa Chải được xây dựng vào năm 1940 và một số sân bay tại trung tâm tỉnh lỵ Điện Biên, Quỳnh Nhai, Phong Thổ được xây dựng chủ yếu phục vụ cho quân sự và vận chuyển hàng hóa.

Sân bay Mường Thanh (Điện Biên Phủ hiện nay) do Pháp xây dựng năm 1939 chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự. Sau khi Điện Biên được giải phóng, qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, tuyến đường hàng không Hà Nội - Điện Biên Phủ đã được mở lại và hoạt động thường xuyên nhằm phục vụ khách đến thăm quan, du lịch Điện Biên Phủ và đáp ứng nhu cầu đi lại của cán bộ, đồng  bào các dân tộc Lai Châu với các tỉnh miền xuôi. Các sân bay dã chiến: Bình Lư, Phong Thổ, Tuần Giáo, thị xã Lai Châu trước đây được Pháp dùng để vận chuyển hàng hóa, binh lính, chiến sự. Nhìn chung việc thực dân Pháp cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục đích phục vụ quân sự và đàn áp bóc lột đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Về giáo dục, y tế, khoa học không được người Pháp quan tâm. Đa số nhân dân các dân tộc không được học hành, một số trường lớp được người Pháp xây dựng chủ yếu phục vụ con em quan lại phong kiến địa phương. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn dùng chính sách chia rẽ dân tộc, du nhập truyền bá lối sống văn hoá thực dân, khuyến khích dùng rượu cồn, thuốc phiện nhằm làm suy nhược nòi giống, làm mai một truyền thống văn hoá các dân tộc. Vì vậy người dân rất bất bình, căm ghét bọn thực dân, phong kiến nên khi có Đảng lãnh đạo, đồng bào đã một lòng, một dạ theo Đảng để xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do, hạnh phúc.

Kho tàng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh từ bao đời nay để lại khẳng định, Lai Châu có nền văn hóa phát triển từ rất sớm, độc đáo, phong phú và đa dạng. Các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc như tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân, thành Bản Phủ… nhiều dân tộc có chữ viết như dân tộc Thái, dân tộc Dao… đã ghi chép được nhiều diễn biến về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh. Qua giao lưu đã làm phong phú truyền thống văn hoá dân tộc, các dân tộc còn tiếp thu được nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác. Nhờ có chữ viết mà các tác phẩm văn học có giá trị của địa phương được lưu truyền như: Sống chụ son sao, Tản chụ xiết xương (truyện thơ dân tộc Thái); truyện kể dân gian của người La Hủ về Chàng Lú Nàng Ủa, dựa vào truyền thuyết của người Khơ Mú mà sáng tạo ra trường ca Trương Han… Các điệu múa xòe, múa nón, múa sạp rộn ràng, duyên dáng của người Thái; cùng các điệu múa ô, múa khèn của người Mông; múa trống, múa Tăng Bu của người Khơ Mú… đã góp phần làm cho kho tàng nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thêm phong phú, đa dạng. Những bàn tay khéo léo của các cô gái Thái, Mông, Dao… đã tạo nên những trang phục đẹp như váy, áo, khăn piêu… làm phong phú nền văn hoá đa dạng của các dân tộc Lai Châu.

III- TRUYỀN THỐNG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC LAI CHÂU

Từ xa xưa nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Vào thế kỷ XIII, công trình phòng thủ được các Chúa Lự xây dựng ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Theo sách Hưng Hóa kỷ lược, tương truyền trong thành có 3 vạn cối giã gạo bằng guồng nước và chứa được 3 vạn dân đinh nên được gọi là thành Tam Vạn. Thành rất lớn, rộng khoảng 100 mẫu ruộng, cao một trượng, ngoài có hào lũy bao bọc, có đồn canh chính đặt trên một quả đồi cao cạnh hồ U va, từ đó có thể nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh.

Thế kỷ XV, trước sự xâm lăng của giặc Minh (Trung Quốc), vua Lê Lợi đã đem quân lên Lai Châu đánh dẹp quân xâm lược. Quân đội triều đình đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Khi một giải đất biên cương của tổ quốc được bình yên, vua Lê Lợi đã nhắc nhở người đời sau về nơi “phên dậu” của tổ quốc, vào mùa đông năm Tân Hợi 1431, Lê Lợi đã khắc bài thơ ở vách đá Pú Huổi Chò mà sử sách gọi là Bia cổ Hoài Lai (Đại Nam nhất thống chí) gần thị xã Lai Châu trên đường vào huyện Mường Tè (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn) nhằm khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến trung ương bạc nhược không còn đủ sức kiểm soát miền Tây Bắc nước ta. Nhân cơ hội đó, giặc Phẻ do Phạ Chậu Tin Tòng cầm đầu từ miền thượng Lào tràn sang đánh chiếm Mường Thanh. Bọn chúng đánh đuổi các chúa Lự chạy bạt lên vùng Mường Lự (Bình Lư) và Sình Hồ, chiếm cánh đồng Mường Thanh và thành Tam Vạn. Đi đến đâu chúng cướp phá thậm tệ, giết hại nhân dân tới đó. Trước những hoạt động dã man của giặc Phẻ, nhiều thủ lĩnh người Thái và các dân tộc khác đã tổ chức nhân dân để chống giặc ngoại xâm, nhưng vì lực lượng yếu nên đều bị thất bại.

Năm 1754 hay tin Hoàng Công Chất, lãnh tụ phong trào nông dân vùng Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định) đang từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh đã liên kết, phối hợp với nghĩa quân tổ chức tiến công thành Tam Vạn. Giặc Phẻ chống trả quyết liệt, nghĩa quân Hoàng Công Chất và hai thủ lĩnh Ngải, Khanh được nhân dân ủng hộ đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi quan trọng. Tướng giặc Phạ Chậu Tin Tòng bị giết chết, số còn lại bỏ chạy sang Lào.

Sau 18 năm (1751-1769) hoạt động ở Tây Bắc, chủ yếu ở vùng Mường Thanh, Hoàng Công Chất và nghĩa quân đã quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi biên giới, thu hồi toàn bộ những vùng đất đai bị chiếm giữ, giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị tàn bạo, dã man của ngoại bang, mang lại cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng một cuộc sống ổn định. Hoàng Công Chất và nghĩa quân của ông được nhân dân các dân tộc Lai Châu yêu mến, đùm bọc, tình nghĩa xuôi ngược ngày càng gắn bó.

Thế kỷ XIX, trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn cai trị, cả nước hầu như không lúc nào yên ổn. Miền Tây Bắc, nhất là Mường Thanh cũng nằm trong tình trạng chung như vậy. Hết giặc Lự, giặc Muông lại đến giặc Xiêm (Thái Lan), giặc Cờ Vàng sang cướp phá, làm cho bản làng tan hoang, bệnh dịch, nạn đói liên tiếp xảy ra. Nhân dân đã nhiều lần nổi dậy chống quan quân triều đình và bọn phong kiến tay sai địa phương, đồng thời tự động tổ chức, tập hợp dưới cờ của tù trưởng Mường Muổi Bạc Cầm Ten chống giặc Xiêm ở Mường Thanh, tù trưởng người Khơ Mú tên là Chương Han chống lại giặc Cờ Vàng.

Từ khi thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam (năm 1858). Triều đình nhà Nguyễn bất lực, đầu hàng quân xâm lược. Căm thù hành động cướp nước của thực dân Pháp, bất bình trước sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn, hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy đánh Pháp.

Trong suốt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của kẻ thù, nổi bật là các cuộc đấu tranh của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích và các thủ lĩnh người địa phương và khu vực Tây Bắc là Đèo Văn Trì, Nguyễn Văn Quang, Lường Sám, Giàng Tả Chan... đã tập hợp lực lượng, xây dựng phòng tuyến tổ chức chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến với kẻ thù, làm cho thực dân Pháp thiệt hại rất nhiều về người và của. Chúng vô cùng hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì vậy với thủ đoạn thâm độc chúng vừa mua chuộc, dụ dỗ những người trong lực lượng kháng chiến, vừa tập trung lực lượng quân đội tổ chức đàn áp để tiêu diệt các cuộc đấu tranh ở Lai Châu và khu vực Tây Bắc. Các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất anh dũng, kiên cường nhưng cuối cùng đều thất bại. Phải chờ đến khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã một lòng một dạ tin theo Đảng, cùng quân dân cả nước chiến đấu bảo vệ quê hương. Cho đến năm 1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, quê hương Lai Châu sạch bóng quân thù, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn khởi được sống trọn vẹn trong độc lập, tự do, hạnh phúc.

IV- ĐẢNG BỘ LAI CHÂU 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1949 - 2024)

1. Sự ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu, tiền thân của Đảng bộ Lai Châu ngày nay

Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên phạm vi cả nước, nhưng ở Lai Châu duy nhất chỉ có châu Quỳnh Nhai (lúc đó thuộc Lai Châu) do có sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của cán bộ Việt Minh nên nhân dân địa phương đã đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền.

Với bản chất phản động, hiếu chiến và được sự hỗ trợ từ bên ngoài, tháng 11/1945 thực dân Pháp lại đưa quân quay trở lại đánh chiếm Lai Châu và phá hoại phong trào cách mạng ở Châu Quỳnh Nhai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng thấy cần phải xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng ở Lai Châu để lãnh đạo phong trào. Tháng 3/1948 Liên khu uỷ 10 đã cử “đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Sau 2 năm tích cực bám dân, bám cơ sở, gây dựng, phát động phong trào, “đội xung phong Quyết Tiến” đã gây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và một số tỉnh bắc Lào Cai. Để tổ chức quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, Lai Châu cần phải có một tổ chức Đảng Cộng sản, nhưng lúc này Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Sơn-Lai (Sơn La và Lai Châu) chưa đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, Liên khu uỷ 10 đã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với Lai Châu, thành lập “tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của huyện châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà (tỉnh Phú Thọ) để thành lập đội xung phong Lai Châu (còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm đội trưởng.

Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.

Ngày 01/10/1949 Chính uỷ Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi hội vũ trang Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ (chi bộ này là tiền thân của Đảng bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay).

Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 ra Nghị quyết thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) gồm 3 đồng chí: Nguyễn Bá Lạc (bí danh là Trần Quốc Mạnh), Tỉnh uỷ viên tỉnh Yên Bái làm trưởng ban, đồng chí Hoàng Đông Tùng, đội trưởng đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh là Hoàng Hoa Thưởng) - uỷ viên Văn phòng khu uỷ 10 làm uỷ viên. Nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Lai Châu lúc này: “gây dựng cơ sở quần chúng tiến tới tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai thực dân Pháp và tay sai chiếm đóng”. Nghị quyết cũng đã nêu “Ban cán sự đảng Lai Châu thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của Liên khu uỷ 10, nhưng phải mật thiết liên lạc với các Ban Tỉnh uỷ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để được sự giúp đỡ trong khi tiến hành công tác và phối hợp kế hoạch hành động với các đội xung phong hiện đang hoạt động trong đất hoặc giáp với Lai Châu”, đây là bản Nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn của Liên khu uỷ 10, đồng thời nó cũng là cơ sở cho việc hình thành tổ chức cơ sở để cho việc hình thành tổ chức Đảng ở Lai Châu.

Ngày 12/10/1949 Liên khu uỷ 10 ra tiếp Chỉ thị “kế hoạch công tác Lai Châu”, trong đó nêu lên 6 nhiệm vụ mà Ban cán sự Đảng Lai Châu cần thiết phải nắm vững và triển khai ngay:

1- Gây dựng và phát triển cơ sở quần chúng mạnh mẽ, lúc đầu từ rẻo cao sau lan xuống vùng thấp.

2- Phá nguỵ quyền, thành lập chính quyền dân chủ.

3- Làm tốt công tác địch vận.

4- Đào tạo cán bộ người địa phương.

5- Gây dựng cơ sở Đảng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên người địa phương.

6- Tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc.

Liên khu uỷ cũng nhắc nhở Ban cán sự Đảng Lai Châu bước vào hoạt động cần phải chú ý 3 điểm:

1- Phải thống nhất ý chí và hành động.

2- Phải nắm chắc lấy dân.

3- Phải tuyệt đối giữ bí mật, tránh chủ quan khinh địch.

Bản Chỉ thị này mang ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo hoạt động của Ban cán sự, đồng thời cũng là cơ sở để Ban cán sự vạch phương hướng và nhiệm vụ công tác trong thời kỳ đầu vào hoạt động trong vùng địch hậu và vận động quần chúng nhân dân giúp đỡ cách mạng.

Ngay sau khi có Chỉ thị của Liên khu uỷ 10, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng Lai Châu đã khẩn trương tiếp nhận cán bộ, đội viên võ trang tuyên truyền, giao thông liên lạc và các điều kiện cần thiết để lên đường vào Lai Châu thực hiện nhiệm vụ. Tháng 11/1949, đoàn Ban cán sự Đảng Lai Châu do đồng chí Trần Quốc Mạnh và Hoàng Hoa Thưởng phụ trách đã đến vùng tự do Than Uyên và quyết định lấy Than Uyên làm chỗ đứng chân để tiến vào Lai Châu.

Theo quyết định của Liên khu uỷ 10, tất cả cán bộ và đội viên võ trang tuyên truyền là đảng viên được cử vào công tác ở Lai Châu đều sinh hoạt trong một chi bộ: Chi bộ Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Lai Châu, ngày 2/12/1949 tại Bản Lướt xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã triệu tập Hội nghị để công bố quyết định của Liên khu uỷ 10 về việc thành lập chi bộ Đảng Lai Châu bao gồm 20 đồng chí, trong đó có 18 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị. Ban cán sự đã cử 3 đồng chí: Trần Quốc Mạnh, Hoàng Hoa Thưởng, Nguyễn Hữu Trí vào Ban chi uỷ, đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư chi bộ, trách nhiệm của từng đảng viên và định kỳ sinh hoạt chi bộ. Mặc dù số đảng viên ít, số cán bộ của Đảng lúc đó chưa nhiều, nhưng với ý chí sắt đá, lòng dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc và nhân dân, các cán bộ, đảng viên lặn lội đi vào quần chúng vận động, tổ chức xây dựng lực lượng được đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ nên không ngừng trưởng thành và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng ở Lai Châu từng bước tiến lên. Việc ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc Lai Châu. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Lai Châu đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Bác Hồ và nhờ có sự lãnh đạo đó phong trào cách mạng ở Lai Châu đã phát triển không ngừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

2. Quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh

2.1. Lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Lai Châu (1949 - 1954)

Sau khi ổn định tổ chức, Ban cán sự Đảng Lai Châu bắt tay vào việc tiếp thu và củng cố toàn bộ các cơ sở cách mạng mà đội “xung phong Quyết Tiến” đã xây dựng được, đồng thời tích cực xây dựng các cơ sở mới theo phương châm: lấy địa bàn vùng cao làm căn cứ để phát triển xuống vùng thấp. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 12/1949 đến 2/1950) các đội công tác do Ban cán sự Đảng Lai Châu đã lãnh đạo củng cố và xây dựng mới hàng loạt các cơ sở cách mạng ở các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên và tạo thành thế liên hoàn đến vùng tự do. Đặc biệt với việc kiện toàn chính quyền cấp xã ở Pú Nhung, Toả Tình, Phiêng Ta Ma, Phình Sáng, Xá Nhè và thành lập tiểu đội du kích xã Toả Tình là điều kiện quan trọng cho việc Ban cán sự Đảng Lai Châu vào địa bàn tỉnh hoạt động và chỉ đạo phong trào.

Tháng 1/1950 Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc (lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong). Ở Lai Châu, quân ta đã tổ chức một số trận đánh vào các nơi chiếm đóng của Pháp, nhưng do chưa tổ chức tốt việc phối hợp giữa bộ đội và dân quân du kích dẫn đến thất bại và kéo theo hàng loạt các cơ sở cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố làm tan vỡ. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã chỉ đạo các đội công tác động viên nhân dân xây dựng lại các cơ sở cách mạng, tổ chức cho nhân dân chống càn, tăng gia sản xuất, đòi giảm tô, thuế… đồng thời chỉ đạo các xã xây dựng đoàn thể quần chúng: thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc và phát triển đảng viên mới. Đến tháng 6/1950 chi bộ đã có 35 đảng viên (trong đó có 4 đồng chí đảng viên là người địa phương được kết nạp).

Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10/1952) kết thúc thắng lợi, ta đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn gồm các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên và phần lớn huyện Sìn Hồ, buộc địch phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng vào 2 địa điểm chính là thị xã Lai Châu và Nà Sản (Sơn La). Ban cán sự Đảng Lai Châu lãnh đạo nhân dân vùng giải phóng khẩn trương khai hoang phục hoá, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời tích cực xây dựng các đoàn thể quần chúng, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và bán vũ trang để chuẩn bị cho việc giải phóng Lai Châu.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta tiếp tục trên đà thắng lợi có nhiều chuyển biến quan trọng. Thực dân Pháp bị động phải co cụm về Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tháng 9/1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng họp bàn ra quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông -Xuân năm 1953-1954; chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên giải phóng Tây Bắc. Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch “chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã cử đoàn công tác xuống các địa phương vận động nhân dân chuẩn bị về tinh thần, ý chí cũng như lương thực, thực phẩm để đón bộ đội chủ lực vào giải phóng Lai Châu, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi của cả dân tộc.

Mặc dù kế hoạch Nava đã bị thất bại hoàn toàn, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, chấm dứt chế độ thực dân cũ ở Đông Dương. Nhưng trên địa bàn Lai Châu, thực dân Pháp vẫn duy trì lực lượng tàn phỉ để chống phá cách mạng lâu dài. Đặc biệt là các huyện phía Bắc, có lúc lực lượng tàn phỉ lên đến gần một ngàn tên. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Lai Châu lại tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang diệt phỉ, trừ gian. Ngày 30/9/1954, sau 4 tháng kiên trì thực hiện phương châm: kết hợp tuyên truyền thuyết phục với tiến công quân sự, ta đã tiêu diệt, bắt và gọi ra hàng 528 tên phỉ, trong đó có nhiều tên đầu sỏ phản động, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, Lai Châu được hoàn toàn giải phóng.

Song song với việc tiễu phỉ, Ban cán sự Đảng Lai Châu rất chú trọng đến việc lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói giáp hạt, củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh.

5 năm kể từ ngày thành lập (10/1949-12/1954) Ban cán sự Đảng Lai Châu ngày càng trưởng thành và lớn mạnh: từ 18 đảng viên ban đầu đến tháng 12/1954 có 212 đảng viên. Đây là số đảng viên đã được tôi luyện qua thử thách đấu tranh gian khổ, ngày đêm kề vai sát cánh lãnh đạo đồng bào các dân tộc góp phần vào sự nghiệp giải phóng Lai Châu và tiếp tục đoàn kết chung quanh Ban cán sự lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện sứ mệnh vẻ vang của Đảng và dân tộc.

2.2. Lãnh đạo sự nghiệp khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955-1965)

Sau gần một thế kỷ bị đô hộ, áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và bọn tay sai, cùng với nhân dân miền Bắc nay được sống trong độc lập tự do, đồng bào các dân tộc Lai Châu phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, một lòng, một dạ theo Đảng bước vào thời kỳ mới: thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Ngày 7/5/1955 Trung ương Đảng quyết định bỏ cơ quan hành chính cấp tỉnh và thành lập khu tự trị Thái-Mèo (sau đổi thành khu tự trị Tây Bắc), về hành chính các châu (huyện) trực thuộc khu.

Mặc dù nhân dân các dân tộc Lai Châu phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Cùng với công tác tiễu phỉ trừ gian, chống các vụ xưng vua, đón vua… Ban cán sự Đảng Lai Châu hết sức coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất để ổn định đời sống và phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội. Chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, nhất là trồng trọt và chăn nuôi; phát triển cây công nghiệp và nghề rừng. Sau 3 năm (1955-1957) nền kinh tế của tỉnh đã được khôi phục, các mặt đời sống văn hoá-xã hội có bước phát triển mới.

Tháng 4/1959 Trung ương Đảng ra Nghị quyết về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền núi, thực hiện chủ trương này, khu uỷ Tây Bắc đã lãnh đạo các châu vận động nhân dân vào hợp tác xã. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ, nhân dân các châu đã hăng hái tham gia học tập và tự nguyện gia nhập hợp tác xã. Năm 1962 có 1.192 hộ gia đình chiếm 6,2%, đến năm 1963 đã có 96,97% tổng số hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, trong đó vùng thấp đạt tỷ lệ 93%, vùng cao 43,6%, cũng trong thời gian này Lai Châu thành lập 2 nông trường: Điện Biên và Tam Đường với hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên. Được sự giúp đỡ của Trung ương, Đội thanh niên Tháng Tám của Thủ đô Hà Nội và hàng ngìn thanh niên các châu thuộc Lai Châu đã tham gia xây dựng công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm. Cuối năm 1965, sản lượng lương thực quy ra thóc toàn tỉnh đạt 71.870 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, đàn gia súc tăng 4%, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 5,3%/năm. Số học sinh đến lớp đạt 90% kế hoạch, 30% số xã vùng cao có tổ chức y tế, xây dựng một số cầu cống và hoàn thành quy hoạch hệ thống đường giao thông đến các huyện trong tỉnh, hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Khu uỷ Tây Bắc rất chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Với tinh thần tích cực xây dựng Đảng, được sự chỉ đạo sát sao của khu uỷ, cuối năm 1959 các châu: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Lay, Tủa Chùa, Sìn Hồ, Mường Tè đã thành lập được 52 chi bộ xã chiếm 38%; đến năm 1960 hầu hết các xã đều thành lập được chi bộ.

Việc thành lập chi bộ ở các xã thuộc Lai Châu là một thành tích có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là tiền đề để củng cố và xây dựng chính quyền, đoàn thể các cấp vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 27/12/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã quyết định thành lập 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ. Đồng thời Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí do đồng chí Trần Quốc Mạnh làm Bí thư.

Sau 14 năm thành lập Đảng bộ (1949 - 1963) và sau 9 tháng thành lập lại tỉnh, từ ngày 15-21/10/1963, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ nhất. Về dự Đại hội có 112 đại biểu chính thức, 6 đại biểu dự khuyết đại diện cho 4.750 đảng viên của các huyện, thị trong tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá I gồm 22 đồng chí (19 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Trần Quốc Mạnh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

2.3. Lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, xây dựng vừa chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện nghĩa vụ Quốc tế (1965-1975)

Đế quốc Mỹ sau những thất bại nặng nề ở miền Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân vào miền Nam và đưa không quân đánh phá miền Bắc. Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn của địch, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực sản xuất, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay địch, làm tốt công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.

Ngày 2/7/1965 giặc Mỹ đã cho máy bay ném bom đánh phá huyện Điện Biên sau đó bắn phá ra một số nơi trong tỉnh. Tỉnh uỷ đã kịp thời lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, với 65 trận đánh quân và dân Lai Châu đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, bắn cháy và bị thương nhiều chiếc khác góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tiễn đưa hàng ngìn con em mình lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ củng cố, xây dựng Lai Châu thành hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, từng bước xây dựng hợp tác xã ở vùng cao và phát triển nông trường quốc doanh… Do vậy sản xuất ngày một phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 1975 tổng sản lượng lương thực đạt 102.860 tấn (tăng 38.900 tấn so với năm 1963), đàn trâu tăng 41,3%, đàn bò tăng 67,6%, đàn lợn tăng 39,3%. Ngành công nghiệp từ chỗ còn rất nhỏ bé 1963 có 8 xí nghiệp, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 88,1%. Giao thông vận tải phát triển nhanh, năm 1970 đã có 843km đường ô tô, năm 1973 tỉnh vinh dự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng cờ luân lưu về thành tích phát triển giao thông nông thôn miền núi. Phương tiện vận tải cơ giới cũng tăng gấp 4 lần so với trước chiến tranh.

Sự nghiệp giáo dục phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng ở các cấp học. Những năm sau hoà bình mới mở được một số trường chủ yếu ở các thị trấn, thị xã thì đến năm 1975 hầu hết các xã vùng thấp trong tỉnh đã có trường cấp 1, thị xã Lai Châu, huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Phong Thổ đã có trường cấp III. Số học sinh và giáo viên tăng rất nhanh: năm học 1963-1964 tổng số học sinh phổ thông toàn tỉnh có 6.182 em, đến năm học 1974-1975 lên 25.207 em.

Từ ngày 28/3 đến ngày 5/4/1970, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ hai. Về dự Đại hội có 156 đại biểu thay mặt cho 7.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 23 đồng chí (20 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Xã được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ ba diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 1/5/1975. Về dự Đại hội có 162 đại biểu (159 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết), đại diện cho 8.000 đảng viên của 16 đảng bộ trực thuộc tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III gồm 28 đồng chí (23 uỷ viên chính thức, 5 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Xã tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

 2.4. Đất nước thống nhất, Lai Châu cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc (1976-1985)

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong điều kiện mới, Đảng bộ tỉnh quyết tâm lãnh đạo nhân dân đoàn kết thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lai Châu và giành được những thắng lợi quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội. Đến năm 1985 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 138.712 tấn (tăng 61% so với năm 1975). Cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày tiếp tục phát triển, bước đầu đã hình thành một số vùng cây công nghiệp tập trung, xác định rõ hiệu quả kinh tế một số cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh như: cây chè, cây trẩu, cây chủ cánh kiến, mía, cây dược liệu…

Công nghiệp tiếp tục phát triển, những năm 1980-1985 sản lượng bình quân hàng năm tăng 3,5%, sản xuất vật liệu tăng gần 2 lần, giá trị hàng xuất khẩu cũng tăng nhanh hàng năm 36,6% (1983-1985). Đi đôi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cũng được thiết lập và củng cố. Khu vực quốc doanh đã đi vào thế làm ăn ổn định, xác định rõ phương thức sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã đã thực hiện phương thức khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân dân phấn khởi theo cách làm ăn mới. Phong trào học phổ thông, bổ túc văn hoá, nghiệp vụ kỹ thuật có bước chuyển biến khá. Năm 1985 có 49.745 học sinh (tăng gấp 2 lần so với năm 1975) số học sinh là người dân tộc ít người hàng năm đều tăng, chất lượng học tập cũng được tăng lên. Công tác y tế đảm bảo tốt hơn việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn, khống chế không để các dịch bệnh lớn xảy ra; số y bác sỹ ngày một tăng. Năm 1975 có 29 bác sỹ, 364 y sỹ, với 1.181 giường bệnh, đến năm 1985 có 76 bác sỹ, 496 y sỹ và 1.493 giường bệnh.

Là một tỉnh biên giới, Đảng bộ tỉnh càng thấu suốt nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam đó là: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 1978 trước tình hình biên giới phía Bắc có những diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết về “tăng cường lãnh đạo công tác quân sự địa phương trước tình hình mới” và tiến hành nhiều đợt giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng bộ và nhân dân; xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng với Đảng, với dân tộc là phải bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với nhân dân vùng sát biên giới, tỉnh tổ chức giáo dục cho nhân dân phân biệt rõ tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước và nâng cao cảnh giác, phân biệt người tốt, kẻ xấu. Đồng thời Tỉnh uỷ đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và huấn luyện các phương án tác chiến… nên khi chiến tranh xảy ra, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Những thành tích của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Lai Châu trong cuộc chiến tranh biên giới đã được Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương độc lập hạng nhì, Huân chương kháng chiến hạng nhất cho quân dân huyện Phong Thổ, hạng nhì cho quân dân huyện Sìn Hồ, hạng ba cho quân dân huyện Mường Tè; 5 đơn vị và 10 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng khác.

Mặc dù Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh mới thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng bộ được hơn 1 năm. Nhưng để chuẩn bị tốt các nội dung cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trung ương Đảng quyết định cho Đảng bộ Lai Châu tiến hành Đại hội lần thứ tư thành hai vòng: Vòng 1 diễn ra từ ngày 11-20/11/1976, về dự Đại hội có 209 đại biểu (195 đại biểu chính thức, 14 đại biểu dự khuyết) đại diện cho 8.197 đảng viên của 17 đảng bộ trực thuộc tỉnh. Vòng 2 diễn ra từ ngày 8-12/3/1977, về dự Đại hội có 220 đại biểu (200 đại biểu chính thức, 20 đại biểu dự khuyết) đại diện cho gần 9.000 đảng viên của 17 đảng bộ trực thuộc tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IV gồm 35 đồng chí (31 uỷ viên chính thức, 4 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Hoàng Tinh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Sau Đại hội lần thứ IV công tác xây dựng Đảng tập trung vào quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và các Nghị quyết của Trung ương sau Đại hội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được đẩy mạnh trong toàn Đảng bộ, qua các đợt sinh hoạt chính trị, thông báo các quyết định của Đảng bộ và nhân dân, thấy được hoàn cảnh chung của đất nước, của địa phương trên cơ sở đó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Sau gần 3 năm kể từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, Đại hội Đại biểu lần thứ năm của Đảng bộ Lai Châu được triệu tập trong bối cảnh: quân và dân Lai Châu giành được nhiều thắng lợi to lớn trong việc bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội. Đại hội diễn ra từ ngày 27-29/10/1980. Về dự Đại hội có 181 đại biểu chính thức, đại diện cho 10.283 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V gồm 39 đồng chí (37 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí, đồng chí Hoàng Tinh tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội khẳng định công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ tiếp tục được thực hiện tốt, đồng thời tiến hành cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Do làm tốt công tác củng cố cơ sở đảng và đảng viên nên sau 3 năm (1977-1979) số cơ sở đảng vững mạnh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 1.192 đảng viên mới (trong đó có 271 nữ).

Song song với công tác phát triển đảng, công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật cũng được tiến hành thường xuyên kịp thời, đúng người, đúng việc. Trong nhiệm kỳ IV, các cấp uỷ Đảng đã xử lý 960 trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, trong đó đã đưa ra khỏi Đảng 430 trường hợp. Việc làm này đã củng cố lòng tin cho quần chúng, từng bước làm trong sạch Đảng, để tăng cường sức mạnh cho Đảng bộ nhằm lãnh đạo nhân dân tiếp tục giáo dục thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Để chuẩn bị tốt các nội dung cho Đại hội V của Đảng. Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh được tiến hành thành hai vòng. Vòng 1: diễn ra từ ngày 8-15/1/1982. Vòng 2: diễn ra từ ngày 20-24/1/1983, về dự Đại hội có 202 đại biểu, đại diện cho hơn 1 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI gồm 42 đồng chí (39 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Niệm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội cũng đã khẳng định, qua các đợt củng cố Đảng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết trong Đảng được vững chắc hơn. Thông qua công tác phát thẻ đảng viên và các đợt sinh hoạt chính trị, chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng ở cơ sở được nâng lên một bước. Hai năm kể từ sau Đại hội 5, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 2.034 đảng viên mới trong đó số đông là thanh niên, đến cuối năm 1982 toàn tỉnh có 474 cơ sở Đảng với 10.711 đảng viên, trong đó nữ 1.337, dân tộc ít người 4.627; đến năm 1985 số cơ sở đảng đã tăng lên 510 với 11.509 đảng viên.

2.5. Cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (1986-2003)

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ năm 1986, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn đã giành được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Trên lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI), Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII) và các chương trình mục tiêu như: chương trình 135, chương trình 661, chương trình 186, chương trình 500 bản đặc biệt khó khăn, chương trình khai hoang ruộng nước và nương có bờ, nên trong nông thôn, nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia không chỉ ở vùng thấp và cả ở vùng cao, vùng sâu; hàng năm số hộ giàu tăng mạnh, số hộ nghèo đói giảm đáng kể từ 46% năm 2000 giảm còn 31,1% năm 2003, đã cơ bản xoá được hộ đói lưu niên.

Nhờ tích cực đổi mới cơ cấu mùa vụ, giống và kỹ thuật thâm canh, nên năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng: năm 1996 sản lượng lương thực đạt 158.454 tấn, năm 1997 đạt 164.327 tấn, năm 2003 đạt 209,5 nghìn tấn; bình quân lương thực đạt 330kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực và có một phần bán ra ngoài tỉnh. Đáng chú ý là hàng năm diện tích lúa nương giảm, sản lượng lúa ruộng tăng do thâm canh và thực hiện chương trình khai hoang ruộng nước trong 3 năm (2001-2003) được trên 5.000ha góp phần tăng sản lượng lương thực, hạn chế phá rừng làm nương, rẫy. Đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung: cây chè ở Tam Đường, Bình Lư, cây đậu tương ở Tuần Giáo, Điện Biên Đông, cây thảo quả ở Dào San (Phong Thổ), chăn nuôi đại gia súc ở Si Sa Phìn (Mường Lay)… năm 2003, toàn tỉnh có 1.093 ha cây thảo quả, 2.835ha chè. Đã hoàn thành việc giao khoán đất rừng đến các tổ chức và hộ gia đình, lồng ghép các dự án đầu tư để thực hiện khoán, khoanh nuôi, tái sinh rừng gắn với trồng mới nên đã nâng tỷ lệ độ che phủ rừng Lai Châu từ 12% năm 1992 lên 37% năm 2003.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1986 đạt 7,596 tỷ đồng, năm 1995 đạt 27,7 tỷ đồng, năm 2003 đạt 245 tỷ đồng. Năm 2003, có 11/12 huyện, thị được sử dụng lưới điện quốc gia, 86/156 xã, phường, thị trấn có điện sinh hoạt, 43,5% có đường ô tô đến trung tâm xã.

Sự nghiệp văn hoá-xã hội luôn được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo duy trì và phát triển. Số học sinh ra lớp ngày càng tăng, chất lượng dạy và học được nâng cao, năm học 1996-1997 toàn tỉnh có 172 trường với 52.373 học sinh, năm học 1998-1999 có 210 trường, số học sinh ra lớp là 125.000 em; năm học 2003-2004 tăng lên 381 trường với số học sinh ra lớp là 161.359 em. Năm 2000, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; năm học 2003 có 20 xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bằng nhiều hình thức đào tạo: tại chức, từ xa, dạy nghề, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tỉnh đã đào tạo được 6.432 học viên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Sự nghiệp văn hoá có bước phát triển tiến bộ, đã duy trì củng cố các hoạt động chiếu phim vùng cao, nghệ thuật chuyên nghiệp, thư viện, bảo tồn, bảo tàng; tích cực đưa văn hoá thông tin về cơ sở; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, hạn chế và đẩy lùi nhiều tệ nạn, hủ tục lạc hâu, phong trào xây dựng làng bản, khu phố văn hoá phát triển sâu rộng. Năm 2000, toàn tỉnh có 300 bản làng, khu phố đăng ký xây dựng bản làng, khu phố văn hoá; năm 2003 có 700 bản, làng đăng ký trong đó được công nhận 175 bản, làng khu phố văn hoá và 21.947 gia đình văn hoá. Công tác y tế, dân số, chăm sóc bảo vệ trẻ em có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tốt. Hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện, phòng khám khu vực, y tế xã, bản được củng cố phát triển, đến năm 2003, 100% số xã, phường có trạm xá, 93% số bản có cán bộ y tế; đã cơ bản kiểm soát được các loại dịch bệnh. Hàng năm 100% số xã, phường và 91% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ tăng dân số năm 2003 xuống còn 2,31%.

Công tác thông tin tuyên truyền, báo chí được thường xuyên duy trì và có bước phát triển khá. Đã nâng tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh từ 60% năm 2000 lên 92% năm 2003; sóng truyền hình từ 35% lên 78%.

Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo và đạt được kết quả quan trọng: giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế; bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị-kinh tế, văn hoá-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiệm vụ xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức theo quan điểm đổi mới của Đảng được Tỉnh uỷ chỉ đạo sát sao nên hầu hết cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bằng việc tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát cơ sở, hướng về cơ sở, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nên đã giữ được đoàn kết nội bộ và củng cố được niềm tin của quần chúng với Đảng, với cách mạng và sự nghiệp đổi mới.

Các cấp uỷ đảng trong toàn Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng như: Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII), Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) nên nhiều tổ chức cơ sở đảng được củng cố và kiện toàn, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện tốt hơn, vai trò của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên, số cơ sở đảng trong sạch vững mạnh từ 28,5% năm 1996 tăng lên 46,4% năm 1997 và 65% năm 2003.

V- ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LAI CHÂU SAU CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH MỚI (2004 - 2024)

1. Đảng bộ tỉnh Lai Châu thành lập, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, từng bước ổn định nâng cao đời sống nhân dân (2004-2005)

Nhằm tạo điều kiện cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính thành lập tỉnh Lai Châu mới. Bộ Chính trị ra quyết định số 878-QĐ/TW, ngày 25/12/2003 về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu mới gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí; đồng chí Phạm Ngọc Thiểm được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Lò Văn Giàng, Nguyễn Minh Quang được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Ngày 01/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có mặt ở thị trấn Tam Đường để triển khai nhiệm vụ. Ngày 02/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp phiên đầu tiên bàn và xác định tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt để đảm bảo sự ổn định và phát triển của tỉnh mới. Ngày 10/01/2004 tỉnh tổ chức lễ ra mắt Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân lâm thời. Ngày 12/01/2004 tổ chức lễ tiếp nhận huyện Than Uyên từ tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu mới.

Ngay sau khi thành lập, tỉnh nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là chuyến thăm và làm việc với tỉnh của đồng chí Chủ tịch nước... Sự quan tâm đặc biệt đó là nguồn cổ vũ, động viên đối với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng như: triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bầu cử HĐND các cấp... đã tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn tỉnh.

Sau khi chia tách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn nên chưa đáp ừng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cơ sở vật chất các cơ quan tỉnh, huyện Tam Đường, nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ, thiên tai mưa đá, rét, gió lốc, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số nơi; một số nhân tố gây mất ổn định chính trị, những diễn biến về giá cả thị trường... đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, tư tưởng và đời sống Nhân dân.

Trong điều kiện đó, Tỉnh uỷ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo các cấp, các ngành, Nhân dân các dân tộc phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 8% một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ đông xuân đạt 40.931 tấn, đạt 42,26% kế hoạch lương thực năm. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình khai hoang theo Quyết định 186 của Chính phủ, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh khai hoang được 520 ha ruộng bậc thang. Diện tích cây chè toàn tỉnh 3.995,6 ha, đã chế biến 694,4 tấn chè khô, tích cực triển khai các điều kiện để trồng mới 200 ha chè; trồng mới được 303 ha cây thảo quả, đạt 101% kế hoạch; khoanh nuôi bảo vệ được 33.237 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 11.328 ha, chăm sóc 2.646 ha rừng trồng, nâng độ che phủ của rừng lên 33,2%. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; đàn trâu tăng 8,3%, đàn bò tăng 10%, đàn lợn tăng 5,4% (so với cùng kỳ năm 2003).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 170 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 455 tỷ đồng, năm 2005 đạt 585 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 35 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ vận tải đạt 25.829 triệu đồng, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25.529 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 1.262.815 triệu đồng tăng 56% so với năm 2004. Chi ngân sách địa phương đạt 1.262.815 triệu đồng. Tổng vốn huy động từ dân và các nguồn vốn khác đạt 588 tỷ đồng, tăng 182 tỷ so với năm 2004. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch thị xã tỉnh lỵ tại thị trấn huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường, thị trấn Tam Đường tại xã Bình Lư, thị trấn huyện Phong Thổ tại xã Pa So. Tiếp nhận bàn giao các công trình xây dựng cơ bản; tập trung cho các công trình nâng cấp công sở, xây nhà công vụ, khu chung cư cho cán bộ công chức. Đã tập trung chỉ đạo các công trình trọng điểm: nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh (quy mô 500 giường bệnh), lưới điện 110KV, kiên cố hoá trường lớp, chương trình 135, 500 bản…

Tỉnh đã sớm có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo; đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo cho thành lập trường Dân tộc tộc nội trú tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trường sư phạm, trường trung cấp y tế, hợp đồng đào tạo giáo viên. Chỉ đạo tiếp nhận học sinh chuyển từ tỉnh Điện Biên đến học tập ở Lai Châu… Năm 2003-2004 đã huy động 69.749 học sinh các cấp đến trường; trong đó: số trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 92-95%. Năm học 2005- 2006 tổng số học sinh là 88.107 em, tăng so với năm học trước 9.191 em, có 625 trường học tăng 48 trường so với năm 2004, bổ sung 1.222 giáo viên, quy mô giáo dục được mở rộng, 100% số xã có trường lớp trung học cơ sở, cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường lớp trong toàn tỉnh; chất lượng giáo dục được giữ vững; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp: tiểu học 99%, THCS 97,9%, THPT 94,7%.

Tỉnh uỷ đã có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác quân sự-quốc phòng-an ninh. Các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, nhất là lực lượng quân sự, công an, biên phòng đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện; tập trung vào việc xây dựng, củng cố lực lượng, nắm tình hình cơ sở, chủ động giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, nên tình hình an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia.

Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục được mở rộng. Đoàn đại biểu tỉnh đã sang thăm, làm việc tại Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đoàn đại biểu Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã sang thăm, làm việc tại tỉnh. Hai bên đã bàn, thống nhất một số chủ trương hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, thống nhất việc hợp tác khai thác, tiêu thụ quặng sắt tại xã Huổi Luông huyện Phong Thổ.

Tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) và xây dựng Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) về “Một số chủ trương, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng”, các chỉ thị về: nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự-quốc phòng; lãnh đạo cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 thành công tốt đẹp... Ra nghị quyết của Tỉnh uỷ và tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh để triển khai Nghị quyết về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2010”. Đã xác định 10/74 xã đặc biệt khó khăn nhất, hàng năm trích ngân sách 10 tỷ đồng hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, phân công các cơ quan tỉnh phụ trách giúp đỡ các xã nghèo; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về “Một số công tác vùng dân tộc Mông”.

Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện. Chuẩn bị tốt công tác nhân sự, HĐND các cấp. Tiếp nhận bàn giao bộ máy cán bộ huyện Than Uyên, bộ máy công chức và một số xã, phường thuộc tỉnh Điện Biên về Lai Châu. Rà soát đội ngũ cán bộ hiện có, giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể. Trong hai năm 2004 - 2005 đã cơ bản hoàn thành quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh, kết nạp được 1573 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 9978 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc 4.940 đồng chí.

2. Đảng bộ tỉnh Lai Châu lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân (2006 - 2024)

2.1. Giai đoạn 2006-2010

Trong bối cảnh Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hai năm đầu chia tách, thành lập tỉnh mới. Từ ngày 14-17/12/2005 tại thị xã Lai Châu, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XI được tiến hành trọng thể. Dự Đại hội có 249 đại biểu, đại diện cho hơn 10 ngàn đảng viên của 10 đảng bộ trực thuộc tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI gồm 47 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 12 đồng chí, đồng chí Nguyễn Minh Quang được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Đại hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết với mục tiêu được xác định: “Xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 8 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp 34%; công nghiệp - xây dựng 35%; dịch vụ 31%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm tăng, năm 2005 đạt 123.184 tấn, đến năm 2010 đạt 159.796 tấn, tăng 36.612 tấn so với năm 2005; bình quân lương thực đầu người đạt 410 kg. Cây công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt là cây cao su; năm 2008, toàn tỉnh trồng được 1.526,5 ha, đến năm 2010 trồng mới trên 2.500 ha, nâng tổng diện tích cây cao su toàn tỉnh lên gần 7.000 ha; vùng chè tiếp tục được đầu tư, từng bước đưa giống mới chất lượng cao vào sản xuất. Chăn nuôi phát triển, đã và đang hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức hộ gia đình; nuôi trồng thủy sản phát triển với nhiều mô hình mới như: nuôi ba ba, cá chim trắng, tôm càng xanh, cá hồi, rô phi đơn tính... Lâm nghiệp có bước phát triển khá, kinh tế rừng được quan tâm đầu tư phát triển. Chú trọng khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, nhất là rừng đầu nguồn và trồng rừng mới, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%, tăng 4,4% so với năm 2005. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tiếp tục có bước phát triển, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17%/năm.

Năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng, tăng hơn 3,3 lần so với năm 2005. Hoạt động thương mại phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,4%/ năm, mạng lưới kinh doanh được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân.

Thực hiện thành công chương trình di dân tái định cư các công trình thủy điện, đầu tư xây dựng mới hàng trăm điểm, khu tái định cư, di chuyển và tiếp nhận an toàn hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng ngập các thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huổi Quảng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, được các cấp, các ngành chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều chuyển biến.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư. Hệ thống các trường đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề được thành lập, từng bước đi vào hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học; ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng, chất lượng cho các trường trung học cơ sở ở các xã vùng cao; công tác phổ cập giáo dục được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Mạng lưới y tế được kiện toàn và phát triển, tổ chức bộ máy ngành y tế đã cơ bản được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa tỉnh, 1 bệnh viện y học cổ truyền, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 9 trung tâm chuyên khoa tỉnh, 9 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế dự phòng thị xã, 14 phòng khám đa khoa khu vực, 98/98 xã có trạm y tế, với 1.264 giường bệnh, tăng 387 giường so với năm 2006. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đã có thạc sỹ và bác sỹ chuyên khoa II.

Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực. Ban hành hệ thống văn bản quản lý, cơ chế, chính sách kịp thời về khoa học, công nghệ và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh; xã hội hóa đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai tích cực, hiệu quả. Năm 2010, 60% hộ gia đình, 50% thôn, bản và 70% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 1.024/1.087 bản, khu phố đã xây dựng được quy ước, hương ước, trong đó có 496/1.087 quy ước, hương ước đã được phê duyệt đưa vào thực hiện. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn tạo. Hoạt động thể dục - thể thao từng bước được xã hội hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Báo chí, phát thanh - truyền hình, văn học - nghệ thuật có nhiều tiến bộ, nội dung, hình thức, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền được nâng lên. Tỷ lệ hộ dân được nghe đài phát thanh đạt 92%, tăng 42% so với năm 2005, tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 82%, tăng 52% so với năm 2005. Hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển, nhiều công trình nghiên cứu văn hóa các dân tộc đã được giới thiệu và được đánh giá cao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh miền đất, con người Lai Châu trong thời kỳ mới.

Thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững mạnh; tiềm lực khu vực phòng thủ được tăng cường, gắn nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các huyện biên giới đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các xã biên giới. Chủ động, phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ ngày càng phát triển, thông qua việc tổ chức nước ngoài đầu tư và ký kết thực hiện một số chương trình, dự án của tỉnh và việc cử cán bộ đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.

Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh đã góp phần tích cực, quyết định đến sự ổn định về chính trị của tỉnh, triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên được đẩy mạnh, trong nhiệm kỳ đã thành lập 617 chi bộ thôn bản, 112 chi, đảng bộ cơ sở, kết nạp hơn 6.500 đảng viên.

Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có đổi mới, tiến bộ. Năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân được nâng lên.  Thực hiện khá đồng bộ chương trình cải cách hành chính, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định quản lý, điều hành, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2.2. Giai đoạn 2010 - 2015

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015 diễn ra từ ngày 22-24/9/2010 tại thị xã Lai Châu. Về dự Đại hội có 300 đại biểu, đại diện cho gần 16 ngàn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XII gồm 55 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, đồng chí Lò Văn Giàng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Mục tiêu xây dựng và phát triển của tỉnh nhiệm kỳ này được Nghị quyết Đại hội xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, mở rộng quan hệ đối ngoại; đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện toàn diện các mặt công tác đạt kết quả trên các lĩnh vực, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Kinh tế của tỉnh giai đoạn này tiếp tục phát triển và có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,98%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp: 23,55% (giảm 10,45%); công nghiệp - xây dựng: 29,48% (giảm 5,52 %); dịch vụ: 46,97% (tăng 15,97%). GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2010. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển khá toàn diện theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, ngô, cao su, chè... Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 190.000 tấn, tăng trên 26.000 tấn so với năm 2010; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,34%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, đến năm 2015 bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã, 15/96 xã (bằng 15,6%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 21,58%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2010. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, thị xã Lai Châu được nâng cấp lên Thành phố trực thuộc tỉnh năm 2013; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, (trong đó 92,7% số xã có đường ô tô đi lại được các mùa), 80% bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và trên 84% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 86,2% phòng học đạt kiên cố và bán kiên cố. Hoàn thành di chuyển trên 4.000 hộ tái định cư thuỷ điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát; ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho gần 10.000 hộ tái định cư các dự án thuỷ điện. Vùng kinh tế từng bước phát triển theo quy hoạch; các thành phần kinh tế được quan tâm tạo điều kiện để phát triển bình đẳng.

Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển khá, dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển nhanh, nhất là quy mô trường, lớp học. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giữ vững chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã hướng vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Các nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học cho các ngành, các cấp trong hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống y tế phát triển khá đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở; đạt 8 bác sỹ/1 vạn dân, trên 50% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%. Hoạt động văn hóa, thể thao được chú trọng; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 80% hộ gia đình, 60% thôn, bản, khu phố, 90% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá. Hoạt động báo chí có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Mạng lưới bưu chính - viễn thông được mở rộng và phát triển. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường được tăng cường. Thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc; nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được nâng lên. Thường xuyên thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên các lĩnh vực trật tự xã hội được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan tư pháp được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng pháp luật. Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các tổ chức quốc tế tiếp tục được duy trì, phát triển. Hoạt động ngoại giao Nhà nước với ngoại giao Nhân dân, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia được kết hợp chặt chẽ.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục có sự đổi mới. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng; kết nạp trên 8.000 đảng viên, thành lập 127 tổ chức cơ sở đảng, 620 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Đến năm 2015, 100% thôn bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ độc lập. Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác nội chính được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời. Công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục có sự đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; học tập, làm theo lời Bác dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Góp phần củng cố, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri. Hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp được đổi mới, nâng cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Công tác thanh tra được quan tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng pháp luật, không để tồn đọng kéo dài.

Dân chủ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có bước đổi mới, tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tập hợp, đoàn kết Nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được xây dựng vững mạnh.

 2.3. Giai đoạn 2015 - 2020

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra từ ngày 13-15/10/2015 tại thành phố Lai Châu. Về dự Đại hội có 300 đại biểu, đại diện cho gần 23.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII gồm 50 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 đồng chí, đồng chí Nguyễn Khắc Chử được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Từ tháng 9/2018 công bố quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu nhiệm kỳ 2015-2020 đối với đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết gắn với việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương. Tỉnh ủy sớm ban hành 6 nghị quyết chuyên đề, 8 đề án, 12 chương trình hành động, 18 kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị, cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tinh thần chỉ đạo là “Hành động, kỷ cương, hiệu quả”, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Kinh tế phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 4,05%; GRDP bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng, tăng 11,9%/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Đã phát triển, mở rộng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, chè, cao su, quế, mắc ca, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và đăng ký thương hiệu một số sản phẩm hàng hóa như: Chè Tam Đường, Tân Uyên; gạo tẻ râu Phong Thổ, gạo Séng cù Than Uyên; chuyển đổi diện tích cây trồng trên nương có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chè, quế, sơn tra, mắc ca. Tổng sản lượng lương thực có hạt 220.000 tấn. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm chè với các giống chủ lực như: Shan Tuyết, Kim Tuyên; tổng diện tích cây chè 7.775 ha, trong đó trồng mới 4.263 ha; chăm sóc gần 13.000 ha cây cao su, đưa trên 6.700 ha vào khai thác, sản lượng mủ khô ước đạt 16.600 tấn. Phát triển cây mắc ca 3.774 ha, quế 7.498 ha, cây ăn quả 6.200 ha; duy trì, phát triển gần 8.000 ha các loại cây dược liệu: thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy... Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 2,2%; tiếp tục phát triển, mở rộng nuôi trồng thủy sản, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng trong lòng hồ các thủy điện, tổng sản lượng đạt trên 12.000 tấn, tăng 26,6% so với năm 2015. Bảo vệ tốt 470.470 ha diện tích rừng hiện có, trong đó trồng rừng mới trên 10.900 ha, khoanh nuôi tái sinh gần 21.500 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 50,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh đạt kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên. Thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; đến năm 2020 huyện Tân Uyên và 39 xã (trên 40%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 59% số xã tái định cư đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã tái định cư đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tái định cư được nâng lên.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 37,02%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 6.028 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với năm 2015. Tập trung phát triển thủy điện, tỷ trọng công nghiệp điện chiếm 87,9%; chế biến, chế tạo chiếm 8,8%; khai khoáng chiếm 2,4%; cấp nước và thu gom rác thải chiếm 0,9%. Từng bước phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, nhất là vùng chè với 11 cơ sở chế biến, tổng công suất 245 tấn búp tươi/ngày, tạo ra nhiều sản phẩm chè có chất lượng như Ôlong, Bao Chung, Sencha,... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt dự toán Trung ương và tỉnh giao, năm 2020 đạt trên 2.327 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt 10.526 tỷ đồng, tăng 2,97 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu bình quân hằng năm 21,6%. Hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, khách sạn,...; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 8,48%/năm; năm 2020 tăng 1,5 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 72,8 triệu USD, giá trị xuất khẩu của địa phương tăng bình quân 19,53%/năm. Dịch vụ vận tải phát triển cả về số lượng, chất lượng, doanh thu vận tải tăng 77,8% so với năm 2015. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển khá nhanh, chất lượng được nâng lên, mạng lưới viễn thông, internet phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Hoạt động du lịch được đẩy mạnh, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch được công nhận, hình thành một số bản nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch đạt hiệu quả thiết thực; tổng lượng khách du lịch hằng năm tăng bình quân từ 10-12%, doanh thu dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá.

Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông kết nối vùng, hạ tầng nông thôn và hạ tầng sản xuất. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 23.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước gần 11.000 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và 95,1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,5% dân số đô thị được sử dụng nước đã qua xử lý; tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,6%; 93,52% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch từng bước đầu tư, đến nay 78,7% xã và 63,6% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp theo quy hoạch, quản lý phát triển đô thị được tăng cường, tỷ lệ đô thị hóa đạt 17,24%.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D; vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà và vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ: tập trung phát triển nông nghiệp, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa như lúa, chè, quế, mắc ca, cây công nghiệp; đẩy mạnh chăn nuôi tập trung trang trại, chăn nuôi truyền thống, khai thác thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nước lạnh và lòng hồ thủy điện; tập trung bảo vệ, phát triển rừng. Dịch vụ du lịch của vùng phát triển khá, xây dựng và khai thác có hiệu quả một số điểm du lịch cộng đồng. Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế: tiếp tục quan tâm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 1.511 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới trong nhiệm kỳ 764 doanh nghiệp, có 1.353 doanh nghiệp kê khai thuế và đang hoagj động, tăng 101,33% so với năm 2015; 303 hợp tác xã, tăng 57 hợp tác xã so với năm 2015.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên, 99,9% giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn trở lên, đáp ứng yêu cầu dạy học. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn có chuyển biến tích cực. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; toàn tỉnh có 170 trường chuẩn quốc gia, đạt gần 50%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đạt trên 98%, học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học trên tổng số học snh có nguyện vọng xét tuyển đạt 67%. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạt 12,1 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ xã có bác sĩ làm việc đạt 78,7%, 90 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Thực hiện tốt các chế độ chính sách y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi; 94,2% trẻ dưới 1 tuổ được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn dưới 20%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,8%.

Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được đầu tư phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, góp phần tạo nên sức mạnh cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được mở rộng, thể thao thành tích cao có bước phát triển khá. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai tích cực, 85% hộ gia đình, 70,6% thôn, bản, khu phố, 96% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm, năm 2020 còn 16,49%, giảm 23,91% so với cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều); 2 huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được triển khai tích cực, hằng năm có trên 6.200 lao động được đào tạo, giai đoạn 2016-2020 đào tạo 5.464 lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tăng 2.434 lao động so với giai đoạn trước, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động/năm, đưa 576 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện tốt công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ước năm 2020 có 80% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 72%.

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc, tập trung vào đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,34%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ nét; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường; cơ bản đảm bảo hoạt động các tôn giáo trên địa bàn đúng pháp luật.

Quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh. Lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, tham mưu xử lý hiệu quả những tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức luyện tập, diễn tập khu vực phòng thủ sát thực tế, đạt kết quả cao; chủ trọng công tác chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng huấn luyện xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu giao. Tăng cường quản lý, bảo vệ vững chắc đương biên, mốc giới, quản lý xuất nhập cảnh, phòng, chống buôn lậu; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá và vô hiệu quả kịp thời hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch về luận điệu “Nhà nước Mông”; làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đảm bảo giữ vững an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh nông thôn, tôn giáo; bảo vệ bí mật Nhà nước. Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được duy trì và phát triển; đối ngoại nhân dân tiếp tục được quan tâm, tăng cường giao lưu hữu nghị, kết nghĩa giữa các xã, bản hai bên biên giới, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được nâng lên, chú trọng nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch... Công tác chính trị, tư tưởng chú trọng giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết; đấu tranh phản bác kịp thời các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; coi trọng sơ kết, tổng kết các nghị quyết, thực tiễn. Tập trung hoàn thiện, phê duyệt đề án vị trí việc làm; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và sắp xếp, bố trí theo chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí việc làm. Rà soát, sắp xếp giảm đầu mối trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, bản; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đến nay, toàn tỉnh giảm 276 tổ chức, 300 lãnh đạo, quản lý các cấp, 1.860 biên chế, giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã, 213 bản, khu phố và trên 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, bản, khu phố, đảm bảo theo chủ trương lãnh đạo của Trung ương. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong nhiệm kỳ đã đào tạo, bồi dưỡng 35.950 lượt cán bộ, công chức; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, trong nhiệm kỳ đã luân chuyển trên 90 cán bộ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Duy trì 100% thôn, bản, khu dân cư, trường học, trạm y tế có chi bộ; chú trọng tạo nguồn, nâng cap chất lượng công tác kết nạp đảng, nhất là ở thôn, bản, tổ dân phố, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ kết nạp được 7.459 đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả nâng lên; kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác nội chính được thực hiện hiệu quả, trong tâm vào quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Quán triệt, triển khai sâu rộng các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận; thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền”, “dân vận khéo”, đến nay toàn tỉnh có 5.024 mô hình dân vận khéo.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; duy trì tốt việc học tập chuyên đề hằng năm gắn với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; 100% cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ngắn gọn, sát chức năng, nhiệm vụ; trên 96% cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên sát chức trách, nhiệm vụ. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo chuyển biến rõ nét trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cổ niềm tin của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên. Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, có chuyển biến tích cực về chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri. Uỷ ban nhân dân các cấp chủ động, tích cực triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, cấp ủy cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện hệ thống quản lý điều hành văn bản liên thông 4 cấp; chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tịch hành chính trung bình đạt 41,35% so với quy định. Công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức được quan tâ, chú trọng; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 39.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phối hợp thực hiện tốt việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng. Đổi mới nội dung, phương thức việc nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống của Nhân dân. Đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện ý nghĩa, thiết thực; củng cố, phát triển tổ chức, tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng mặt trận tổ quốc, các đoàn thể vững mạnh; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền từng bước nề nếp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

2.4. Giai đoạn 2020-2023

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 21-23/10/2020 tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Dự Đại hội có 299 đại biểu, tiêu biểu cho 29.189 đảng viên trong toàn Đảng bộ dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII gồm 50 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 đồng chí, đồng chí Nguyễn Khắc Chử được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đã bầu 47 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (để khuyết 02 đồng chí); 14 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV, đồng chí Giàng Páo Mỷ tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội được tổ chức trên tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh. Phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, thiết thực, hiệu quả; phát huy trí tuệ cao nhất của hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với mục tiêu tổng quát là: “...Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Lai Châu đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3,41%; tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2021 đạt 52.786 ha, sản lượng thu hoạch 224 nghìn tấn, tăng 2,2 nghìn tấn so với năm 2020; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đạt 3.300 tấn, tăng 139 tấn so với năm 2020; tổng diện tích trồng rừng mới đạt 1.804 ha, tăng 58,7% so với năm 2020; trồng mới 1.830 ha mắc ca; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 15,9 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí/xã so với năm 2020, không còn xã dưới 10 tiêu chí; quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, trong năm đã chọn được 59 sản phẩm, lũy kế toàn tỉnh có 106 sản phẩm OCOP. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.345,2 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020. Các hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển, giá cả khá ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.769,3 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.057 tỷ đồng.

Năm 2022 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,0%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 51.869 ha, sản lượng thu hoạch đạt 226.160 tấn; tốc độ tăng đàn gia súc đạt 5,1%; trồng rừng mới đạt 2.907 ha, tăng 76,9% so với năm 2021; sản lượng nuôi trồng thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên đạt 3.690 tấn, tăng 11,8% so với năm 2021. Duy trì 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời tập trung chỉ đạo nâng cao bình quân tiêu chí/xã đạt 12,5 (theo bộ tiêu chí mới); tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 với tổng số 52 sản phẩm (đợt 1: 18 sản phẩm; đợt 2: 34 sản phẩm), lũy kế toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP. Sản xuất công nghiệp có mức tăng khá, giá trị đạt 7.023,3 tỷ đồng. Đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được Hội đồng thẩm định Quy hoạch trung ương tổ chức thẩm định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.769,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2021. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức; tổ chức thành công tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”; thực hiện năm 2022, toàn tỉnh đón 762.000 lượt khách, tăng 103,2% so với năm 2021; tổng doanh thu đạt 555,3 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2021; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.223,6 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2021. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, 98,6% thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 96,2% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 88,5% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98,7% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 99,7% trường học, 94,2% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố.

Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển khá, dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2 trở lên và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 1 trở lên; hết năm 2022 toàn tỉnh có 193 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 58,1%, tăng 5,4% so với năm 2021. Công tác khám chữa bệnh được chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế như khám, tư vấn, hội chẩn, điều trị từ xa; đạt 12,3 bác sỹ/10.000 dân. Duy trì công tác tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em theo độ tuổi, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85,0%, tăng 5,0 điểm% so với năm 2021. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao; thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời và minh bạch các chính sách an sinh xã hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác theo quy định. Triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2022, giải quyết việc làm cho 8.863 lao động, tương đương năm 2021; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 3,7%. Tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại 15 điểm nhóm; kịp thời thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc, điểm nhóm, tổ chức tôn giáo nhân lễ phục sinh năm 2022, lễ Vu lan - Báo hiếu và nắm bắt tình hình theo quy định.

Bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Duy trì nghiêm lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, xử lý tốt các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh thực hiện theo Đề án mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia trên địa bàn tỉnh; khảo sát, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về giải quyết sự kiện biên giới; xin ý kiến Bộ Ngoại giao giải quyết 04 điểm khu vực cột mốc; các huyện tổ chức hội đàm với huyện Kim Bình – tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục có sự đổi mới. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng; 100% thôn bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ độc lập. Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục có sự đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên.

Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri. Hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp được đổi mới, nâng cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Công tác thanh tra được quan tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng pháp luật, không để tồn đọng kéo dài.

Dân chủ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có bước đổi mới, tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tập hợp, đoàn kết Nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được xây dựng vững mạnh.

VI- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 115 XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN, 75 NĂM ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU, PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG LAI CHÂU CHÍNH TRỊ ỔN ĐỊNH, KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN, QUỐC PHÒNG-AN NINH VỮNG MẠNH

Trải qua 115 năm xây dựng và phát triển, 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu. Với những đổi thay to lớn gắn với lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam. Chặng đường 115 năm đã đi qua là sự nối tiếp và phát triển cao hơn so với tiến trình mấy nghìn năm xây dựng và phát triển của lịch sử miền đất Lai Châu. Hơn một thế kỷ với những dấu ấn đậm nét ghi đậm những chiến công, những thành tựu, những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Lai Châu với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ một phần biên cương của tổ quốc.

Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, đồng sức, đồng lòng phòng chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, yêu nước, đồng tâm hiệp lực góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng quê hương; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy hiện nay Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông khó khăn, khí hậu thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp; địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện cho phát triển còn khó khăn; các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh các hoạt động chống phá chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc; tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa phương cơ sở… nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu của Nhà nước tiếp tục quan tâm miền núi, vùng đồng bào dân tộc; sự chia sẻ, phối hợp của các tỉnh, thành phố; cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt những thành tựu sau 20 năm xây dựng và phát triển đã tạo thế và lực mới để Lai Châu tiếp tục vững bước đi lên.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm chủ lực có thương hiệu hàng hóa và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm mô hình xã, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Phát triển công nghiệp ở những lĩnh vực có lợi thế, trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và một số ngành công nghiệp có lợi thế.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân hàng; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác các tuyến, điểm du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

2. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, văn minh gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác y tế và dân số trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế và các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách về dân số, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thực hiện quyết liệt chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững.

3. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử xấu; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đảm bảo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại phục vụ nhiệm vụ phát triển của tỉnh.

4. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trọng tâm, trước mắt tổ chức nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả việc sơ kết giữa nhiệm kỳ (theo Kế hoạch số 152-KH/TU, ngày 27/02/2023 của Tỉnh ủy), đánh giá trung thực, khách quan kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tập trung quán triệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây đựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, tuyên truyền, phố biến nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động nắm, dự báo tình hình tư tưởng, giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh; tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là ở nông thôn, doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, công tác cán bộ và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham những, lãng phí; phát huy vai trò của của cơ quan dân cử, MTTQ, báo chí và Nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhùng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, nhất là công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đông bào có tôn giáo; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, dân vận của các cơ quan nhà nước.

5. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng của địa phương; tập trung nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri và hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. UBND các cấp tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các chủ trương của cấp ủy, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình của cấp ủy và HĐND. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ khiếu kiện ngay tại cơ sở; ngăn ngừa khiếu kiện vượt cấp, kéo dài tạo thành điểm nóng tại cơ sở.

6. Tiếp tục phát huy dân chủ, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Phát huy truyền thống 115 năm xây dựng và phát triển, 75 năm xây dựng và trưởng thành, 20 năm ngày thành lập tỉnh Lai Châu, toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lai Châu quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết, tin tưởng, phấn đấu xây dựng Lai Châu: chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...