Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri
Thông qua hoạt động TXCT giúp đại biểu HĐND kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri chuyển tải đến với HĐND, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; ghi nhận những kiến nghị, bức xúc của cử tri để phản ánh trên diễn đàn HĐND. Đồng thời, thông qua hoạt động này, đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu, kết quả kỳ họp của HĐND để nhân dân nắm bắt kịp thời các quy định, chính sách liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; giải thích, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện. Hoạt động này cũng giúp đại biểu nắm bắt được những thông tin quan trọng, sát thực làm cơ sở để tham gia thảo luận các dự thảo báo cáo, đề án, nghị quyết tại kỳ họp và thực hiện hoạt động giám sát. Đây là môi trường để đại biểu HĐND rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực hoạt động, giúp vững vàng hơn về bản lĩnh chính trị, hình thành phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Chu Lê Chinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với cử tri huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Nguyễn Tùng
TXCT của đại biểu HĐND là hoạt động mang tính chính trị - pháp lý, hoạt động TXCT phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp, tránh hình thức, chiếu lệ trong hoạt động TXCT của đại biểu HĐND. Cần đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các hội nghị TXCT để khắc phục tình trạng hình thức nêu trên. Trong đó, đa dạng, mở rộng thành phần cử tri tham dự hội nghị, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp, thuận lợi để cử tri tham dự, khắc phục tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, nhằm giúp đại biểu nắm bắt đầy đủ thông tin đa chiều, khách quan, thực tiễn và dân chủ. Các đại biểu HĐND phải nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện hoạt động TXCT. Hoạt động TXCT chỉ đạt mục đích khi đại biểu HĐND phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình trước, trong và sau tiếp xúc. Phải lấy cử tri là trung tâm và chủ thể của hoạt động TXCT theo phương châm, nguyên tắc dân chủ, công khai, cởi mở, lắng nghe.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành phố tổ chức 10 đợt TXCT tại 605 điểm trên địa bàn tỉnh với trên 37.900 cử tri tham dự; ghi nhận gần 8.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã đã được lãnh đạo UBND huyện, UBND xã tiếp thu tại hội nghị TXCT và có biện pháp xem xét, giải quyết. Nhìn chung, các cuộc tiếp xúc đều đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, trật tự, thể hiện sự dân chủ, bình đẳng, công khai và thẳng thắn giữa cử tri và đại biểu…; thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời. Nhiều đại biểu HĐND tỉnh, huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở các địa bàn ứng cử; tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc kết hợp với khảo sát thực tế để nắm chắc tình hình cử tri và nhân dân. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những kết quả đó từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Cử tri xã Mường So (huyện Phong Thổ) kiến nghị với Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh, huyện tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ mười chín, HĐND tỉnh khóa XV và Kỳ họp thứ mười bảy, HĐND huyện khoá XXI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT thời gian qua còn những hạn chế, bất cập về cả nội dung, cách thức tổ chức; hình thức tiếp xúc chủ yếu là hội nghị TXCT trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND; TXCT nơi cư trú, TXCT ngoài địa bàn, đơn vị ứng cử chưa thực sự được quan tâm; có nơi, tập trung toàn bộ thành viên trong tổ tại một điểm TXCT. Chất lượng phân loại, tổng hợp kiến nghị sau TXCT của một số tổ đại biểu còn hạn chế. Mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri giữa hai kỳ họp chưa thể hiện rõ trách nhiệm các bên.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động TXCT trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp xây dựng kế hoạch TXCT theo hướng đổi mới, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức hội nghị TXCT theo đúng thời hạn luật định để đại biểu thực hiện nhiệm vụ TXCT đầy đủ, thường xuyên. Đa dạng, mở rộng thành phần cử tri tham dự hội nghị, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp, thuận lợi để cử tri tham dự, khắc phục tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, nhằm giúp đại biểu nắm bắt đầy đủ thông tin đa chiều, khách quan thực tiễn. Đổi mới, phát huy hiệu quả hội nghị TXCT trước và sau kỳ họp, điều chỉnh hợp lý nội dung, chương trình hội nghị TXCT khi cần thiết. Tiếp tục thực hiện việc kết hợp tổ chức TXCT của đại biểu HĐND hai cấp tỉnh, huyện để thuận tiện trong tiếp thu, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời tiết kiệm được thời gian của đại biểu và của cử tri. Mở rộng các hình thức tổ chức TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, ngoài địa bàn đơn vị ứng cử; TXCT ở nơi cư trú và ở nơi công tác theo hướng linh hoạt; tăng cường hoạt động tự tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua điện thoại; thư bưu điện, thư điện tử, trang thông tin điện tử... để thu thập phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; chuyển, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp thu nghiêm túc, phản ánh trung thực các ý kiến, kiến nghị; tổng hợp đầy đủ các ý kiến của cử tri để chuyển đến HĐND. Các đại biểu HĐND tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong việc hướng dẫn, giải thích cho cử tri về các chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND. Đồng thời, cần tích cực, chủ động trong hoạt động TXCT thông qua hình thức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp; đặc biệt, dành thời gian gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để có thêm thông tin cần thiết phục vụ hoạt động của đại biểu…
Với tinh thần kế thừa, phát huy và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nói chung, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT là nhiệm vụ đặt ra đối với HĐND, đại biểu HĐND các cấp trong tình hình mới.
Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Bình luận