Thứ ba, 30/04/2024, 14:18 [GMT+7]

Đội ngũ làm báo vững bước phát triển

Thứ tư, 10/04/2024 - 15:36'
Đã 60 năm từ ngày thành lập (16/4/1964 - 16/4/2024), Báo Lai Châu tự hào đã vượt lên những khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung cũng như công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lai Châu. Nhất là trong hơn 20 năm chia tách tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu và Điện Biên (tháng 1/2004), những người làm Báo Lai Châu đã nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, vững bước trên con đường phát triển.

Nhớ những ngày chia tách, Báo Lai Châu chỉ có 6 người từ Báo Điện Biên Phủ lên; trong đó 4 người làm nghiệp vụ cũng là bộ khung của Báo. Đó là chị Hà Kim Chi - Phó Tổng Biên tập phụ trách chung, Trần Thị Huệ - Trưởng Phòng Biên tập, Trần Bảo Khuê - Phó Phòng Biên tập và tôi - Trưởng Phòng Phóng viên. Quân cán không có, lúc ấy mới hợp đồng được thêm các em Phan Ngọc Lâm làm makét, Bùi Thanh Tùng làm phóng viên cũng từ Điện Biên lên. Con người đã vậy, trụ sở làm việc thì tạm mượn nhà dân, trang thiết bị hoạt động báo chí còn thiếu rất nhiều. Hồi đó in báo cũng là cả một quá trình vất vả (Lai Châu chưa có nhà máy in và chưa có đường truyền internet), 4 - 5 giờ sáng, biên tập viên mang ma két gửi xe khách đi Điện Biên hoặc Lào Cai cách hàng trăm cây số để in và ngày hôm sau mới có báo gửi về. Lúc đó, báo xuất bản 1 số/tuần. Tuy vậy, với sự nỗ lực vươn lên, bám sát sự kiện, nhiệm vụ của tỉnh, số Báo Lai Châu đầu tiên ra đúng ngày 1/1/2004, đăng tải nhiều sự kiện, hoạt động của tỉnh mới, như lễ công bố tổ chức bộ máy cán bộ tỉnh Lai Châu, nhiều bài viết phản ánh tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là bài viết của đồng chí Phạm Ngọc Thiểm - Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Lai Châu với tiêu đề “Quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu ổn định về kinh tế; xã hội phát triển; quốc phòng, an ninh vững mạnh” và bài viết “Lai Châu trước thời cơ và vận hội mới” của đồng chí Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Lai Châu đã đăng tải trên số báo này. Đây là quan điểm, định hướng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đoàn kết, vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ xây dựng tỉnh nhà phát triển. Được sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực Tỉnh uỷ, Báo Lai Châu đã phát huy nội lực, tận dụng nguồn đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ về phương tiện làm việc của một số cơ quan báo chí trong nước để thực hiện tốt nhiệm vụ. Những ngày tháng đầy khó khăn, Báo Thái Nguyên, Báo Bắc Ninh đã cử nhiều phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên lên giúp Báo Lai Châu, tình cảm đó thật trân trọng.

Đồng chí Khoàng Văn Thành - Nguyên Tổng Biên tập Báo Lai Châu, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Ngay từ những năm đầu, Báo Lai Châu đã quan tâm tuyển dụng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Tôi còn nhớ ngày đó để tuyển dụng được một phóng viên có bằng đại học báo chí khó lắm, chủ yếu là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, giáo viên sang làm báo và cũng đã có nhiều bạn không chịu được gian khổ đã rút lui. Tuyển dụng và đào tạo, qua hàng năm, nhiều phóng viên, biên tập viên được Ban biên tập cử đi học các lớp đại học báo chí (hệ tại chức) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai do Học viện Báo chí và Tuyên truyền lên mở, có người đi học thạc sỹ báo chí tại Học viện, học lý luận chính trị trung, cao cấp, quản lý nhà nước. Nghiệp vụ được nâng cao cả chuyên môn và lý luận chính trị, đội ngũ những người làm báo phát triển về số lượng, yêu nghề, được rèn luyện ở cơ sở đã có sự tiến bộ về mọi mặt. Nhiều phóng viên trẻ đã trưởng thành, không ít bài viết chất lượng cao, mang hơi thở cuộc sống được viết từ những chuyến đi vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ… Vượt sông suối, trèo đèo leo núi, không quản ngại nguy hiểm, hoà mình trong thực tiễn cuộc sống với đồng bào các dân tộc để có những bức ảnh đẹp, thước phim, bài viết có tính phát hiện cao, phân tích sâu và đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo.

Thực tiễn mọi mặt đời sống xã hội được phản ánh kịp thời từ người dân vùng cao giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, trồng ngô lúa chất lượng cao, cây dược liệu, cây ăn quả, bảo vệ rừng để làm giàu đến cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Lĩnh vực xây dựng Đảng, bảo vệ biên giới, quốc phòng, an ninh, xây dựng đời sống văn hoá, phát triển du lịch… được phóng viên, biên tập viên viết bài, đưa tin thường xuyên. Những vụ việc nóng, vấn đề xã hội bức xúc, phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng được Báo Lai Châu phản ánh, gợi mở hướng giải quyết, đem lại lòng tin cho nhân dân, giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp đề ra giải pháp thực hiện.
Năm nào cũng vậy, nhiều phóng viên có tác phẩm xuất sắc, chất lượng cao được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh khen thưởng. Có những phóng viên, biên tập viên đạt giải báo chí khu vực và toàn quốc viết về xây dựng Đảng, an toàn giao thông, lực lượng vũ trang. Năm 2023, nhóm tác giả Khánh Kiên, Hà Dũng được Ban Chấp hành Trung ương Ban Chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023 đoạt giải A, với tác phẩm “Lời thề của đá” viết về ông Chu Xé Lù, đảng viên, cán bộ lãnh đạo xã Thu Lũm (huyện Mường Tè). Ông là hòn đá tảng, cột mốc sống của núi rừng biên giới, mang ấm no đến cho dân, giúp Thu Lũm trở thành xã nông thôn mới.
Để thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, có ích cho bạn đọc, các bài viết đã ẩn chứa trong đó sự chỉ đạo sáng suốt của Ban biên tập, sự cố gắng, nâng niu của người viết, người biên tập, đội ngũ kỹ thuật và sự cố gắng của cả toà soạn. Ban biên tập luôn tự đổi mới, trăn trở tìm lối đi riêng và học tập phương pháp làm báo hiện đại. Báo Lai Châu luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo Đảng địa phương, bám sát các sự kiện, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, chủ động xây dựng kế hoạch trên từng số báo. Mở và duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục như: Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, kinh tế-đời sống, thời sự-chính trị, người tốt việc tốt, học tập và làm theo Bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Lai Châu.
Báo Lai Châu từ bước khởi điểm ban đầu, một tuần xuất bản một số báo thường kỳ, đến nay đã xuất bản 4 số/tuần và ra số báo cuối tuần, báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao xuất bản 3 số/tháng. Một bước chuyển mạnh mẽ nữa, đó là khi Báo Lai Châu điện tử đi vào hoạt động và được nâng cấp lên giai đoạn 2 có truyền hình internet, video... Trụ sở làm việc khang trang, phương tiện máy móc được đầu tư, có Nhà máy in Báo Lai Châu thuận lợi cho việc phát hành báo. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đông đảo, 100% có bằng đại học trở lên. Ngày nay thời đại công nghệ số, phóng viên đa năng hơn, tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa cũng gửi được tin, bài về toà soạn. Phóng viên tự quay, thiết kế, dựng hình tác phẩm truyền hình trên máy ảnh, sáng tạo tác phẩm đa phương tiện.
Có thể khẳng định, Báo Lai Châu có bước phát triển vượt bậc về quy mô, loại hình, công nghệ, nội dung và hình thức. Tôi cảm thấy tự hào đã có 37 năm làm báo và 12 năm làm Tổng Biên tập, hôm nay thấy lớp phóng viên, biên tập viên của mình đã trưởng thành vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn. Có người đã là Phó Tổng Biên tập, trưởng, phó phòng chuyên môn Báo Lai Châu, có người đã chuyển cơ quan là trưởng đại diện báo, đài Trung ương tại Lai Châu. Tin rằng, trong thời gian tới, Báo Lai Châu sẽ ngày càng phát triển, xây dựng thành công toà soạn hội tụ đa phương tiện theo hướng hiện đại, khẳng định chỗ đứng không thể thiếu trong lòng bạn đọc, góp sức xây dựng Lai Châu phát triển.

Khoàng Văn Thành - Nguyên Tổng Biên tập Báo Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...