Thứ sáu, 29/03/2024, 00:49 [GMT+7]

Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc tại tỉnh ta

Thứ tư, 24/03/2021 - 21:49'
(BLC) - Chiều nay (24/3), Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh ta về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình giai đoạn 2016 - 2020) trên địa bàn tỉnh Lai Châu; đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình giai đoạn 2021 - 2025).

Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh ta có các đồng chí: Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, triển khai đảm bảo nội dung và tinh thần chỉ đạo, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Trong đó, cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ, cụ thể hóa vào điều kiện của địa phương. Nguồn lực thực hiện giao theo trung hạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động cân đối, bố trí, hạn chế nợ đọng. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới về nội dung; nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo của các cấp, ngành và người dân được nâng lên, đã huy động được cả hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở, nhiều hộ chủ động đăng ký thoát nghèo.

Các chính sách đã đến được với đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước đầu tư hoàn thiện, góp phần quan trọng làm đổi thay diện mạo nông thôn miền núi; giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, sản xuất, đào tạo và giải quyết việc làm, y tế, giáo dục. Qua đó, góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật là trong cả giai đoạn, toàn tỉnh giảm 19.349 hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm 4,81%, hoàn thành mục tiêu; hộ cận nghèo giảm 0,81%. Trong đó, thông qua việc tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong cả giai đoạn 2016 - 2020 đã có 37.300 hộ thoát nghèo, cận nghèo. 19/66 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 2 huyện: Than Uyên, Tân Uyên thoát khỏi danh sách các huyện nghèo. Hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 50%, mỗi năm tạo việc làm cho trên 7.000 lao động…

Bên cạnh những kết quả nổi bật, hàng năm, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đảm bảo kế hoạch nhưng chưa bền vững. Số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc. Một số văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh phân tích, làm rõ hơn những nguyên nhân tồn tại đã nêu trong báo cáo. Theo đó nhấn mạnh, đối với tỷ lệ hộ cận nghèo gia tăng, không đạt mục tiêu, thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu, bàn thảo kỹ để có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn. Vấn đề nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 – 2020 phải trả lại một phần cho Trung ương liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là phân bổ nguồn vốn từ Trung ương chậm. Rất mong khi Chính phủ phê duyệt các chương trình, dự án, các bộ, ngành liên quan sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện, tạo thuận lợi cho địa phương chủ động triển khai. Công tác đào tạo nghề, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện trong khi đối tượng hướng đến giống nhau, cần có một đầu mối cụ thể.

Đối với kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đề xuất các nội dung về: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sinh kế nông, lâm, ngư nghiệp và nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ lĩnh vực này; đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo, nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá. Tổng vốn dự kiến thực hiện là 1.673.510 triệu đồng.

Theo đó, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ sớm ban hành Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 để các địa phương triển khai thực hiện. Vì hiện nay, một số danh mục dự án đầu tư dở dang còn nhu cầu vốn thuộc Chương trình giai đoạn 2016 – 2020 để tiếp tục triển khai thực hiện. Sớn ban hành thông tư hướng dẫn điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2021 – 2025. Giới thiệu một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động có kinh nghiệm, uy tín lên Lai Châu tuyên truyền, tư vấn cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động, nhất là các huyện nghèo, xã vùng sâu, vùng xa. Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành thống nhất bộ quy chế, đề cương và biểu mẫu báo cáo chung, tránh trường hợp mỗi bộ, ngành ban hành một quy chế, đề cương và biểu mẫu riêng, gây khó khăn, áp lực cho các cấp cơ sở trong quá trình thực hiện báo cáo.

Các thành viên Đoàn công tác cũng đã trả lời những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của tỉnh thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao những kết quả Lai Châu đạt được trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí đề nghị, Lai Châu tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, liên tục, chỉ như vậy mới có nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; huy động hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; huy động các hội, đoàn thể tham gia hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Riêng Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, sau khi hoàn thiện, Bộ sẽ gửi các địa phương trước để khi Quốc hội thông qua và có quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ triển khai ngay. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ vấn đề giải ngân nguồn vốn, ban hành hướng dẫn.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến góp ý của Đoàn công tác. Đồng thời mong muốn thời gian tới, ngoài công tác điều phối, tỉnh Lai Châu nhận được nhiều hơn sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng như Văn phòng điều phối chương trình của Trung ương.

Trước đó, Đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ), Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...