Thứ ba, 30/04/2024, 14:51 [GMT+7]

Báo Lai Châu 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư, 10/04/2024 - 09:29'
Trải qua hơn nửa thế kỷ, Báo Lai Châu luôn bám sát và gắn bó với tiến trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của tỉnh Lai Châu. Những bước phát triển của Tòa soạn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tin tưởng, ủng hộ của độc giả. Các thế hệ những người làm báo luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, đa dạng loại hình, ấn phẩm đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

MỐC SON LỊCH SỬ
Tháng 10/1962, tái lập tỉnh Lai Châu, tháng 12/1962, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu được thành lập. Để đáp ứng nhu cầu về thông tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tờ “Thông báo” ra đời chuyển tải kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xuống cơ sở. Tháng 6/1963, đổi thành tờ “Tin Lai Châu” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý và xuất bản, khổ 21 x 28cm, phát hành đến xã.
Trước yêu cầu mới, tờ “Tin Lai Châu” với khuôn khổ, nội dung hạn hẹp không thể đáp ứng được lượng thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và quyết định đổi tờ “Tin Lai Châu” thành Báo Lai Châu. Ngày 16/4/1964, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết nghị số 48/QN-TU thành lập cơ quan Báo Lai Châu. Ngày 1/5/1964, Báo Lai Châu - cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Lai Châu ra số đầu (01), đây là một mốc son trong quá trình xây dựng và phát triển của Tòa soạn. Những năm đầu, Báo Lai Châu xuất bản mỗi tuần một kỳ, 200 - 300 bản/kỳ, khổ nhỏ, 4 trang. Đặc biệt những năm 1964 - 1969, trên Báo Lai Châu đăng nhiều bài nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Qua những bài báo đó, Bác Hồ đã đọc và khen ngợi một số cá nhân tiêu biểu.

Đồng chí Nguyễn Viết Mạnh - Tổng Biên tập Báo Lai Châu triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Thập kỷ 70 và 80, Báo Lai Châu có bước trưởng thành về nhiều mặt. Đội ngũ những người làm báo được tăng cường; Ban biên tập, các phòng chuyên môn đã hình thành. Phương tiện phục vụ cho nghiệp vụ được đầu tư từng bước. Thời kỳ này, nội dung, hình thức tờ báo Lai Châu có nhiều đổi mới. Ngoài tuyên truyền cổ vũ điển hình tiên tiến đã xuất hiện những bài báo có tính chiến đấu cao phê phán các tiêu cực xã hội. Mỗi tuần báo phát hành 1 kỳ (600 tờ/kỳ). Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự đổi mới của hệ thống báo chí cả nước, từ những năm đầu thập kỷ 90, Báo Lai Châu đổi mới nhanh, mạnh. Năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Văn hóa - Thông tin, tờ báo đã chính thức mang tên Điện Biên Phủ - địa danh chứng kiến một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Năm 1997, thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Báo Điện Biên Phủ đã xây dựng và phát hành tờ báo dành cho đồng bào dân tộc vùng cao ra 1 kỳ/tháng.
Trải qua từng thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ những người làm báo đã đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển của tờ báo gắn liền với các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ như: đồng chí Lê Văn Quý, Nguyễn Khản, Phan Tiến Hùng, Ngọc Trình…
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Theo đó, cơ quan Báo Lai Châu mới cũng được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Số báo đầu tiên được xuất bản vào ngày 1/1/2004, đúng ngày Đảng bộ, chính quyền lâm thời tỉnh Lai Châu mới tổ chức Lễ ra mắt đi vào hoạt động.

... trao đổi nghiệp vụ với ekip sản xuất điểm tin mục truyền hình internet.

Ngày đầu chia tách thành lập, Báo Lai Châu chỉ xuất bản được 1 kỳ/tuần, rồi lên 5 ngày/1 kỳ, sau đó 2 kỳ/tuần, tăng 3 kỳ/tuần và đến nay thực hiện 4 kỳ/tuần (vào thứ 2, 4, 5, 6). Báo Cuối tuần xuất bản vào thứ bảy hàng tuần. Báo Lai Châu dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức, từ xuất bản 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng và đến nay 3 kỳ/tháng (vào các ngày 10, 20, 30 hằng tháng).
Một bước tiến vượt bậc khác của Báo Lai Châu là đưa Báo Lai Châu điện tử vào hoạt động năm 2010. Năm 2018, Báo Lai Châu điện tử được nâng cấp lên giai đoạn 2, thay đổi giao diện theo hướng hiện đại, thông minh, tiện ích. Với sự hỗ trợ của công nghệ số, Báo Điện tử Lai Châu đã và đang phát huy được thế mạnh qua việc tích hợp các loại hình báo chí như: báo in, báo truyền hình… Đặc biệt sự ra đời của chuyên mục truyền hình internet được xuất bản đều đặn hằng ngày đã nhận được sự đón nhận và đánh giá cao từ công chúng. Các sản phẩm được thiết kế dưới dạng E-Magazine; Infographic; sự kết hợp giữa nội dung chữ viết, hình ảnh tỉnh và các video clips… trong một sản phẩm báo chí đã góp phần làm đa dạng các sản phẩm của Báo Lai Châu, mang đến cho công chúng sự trải nghiệm thú vị khi “thưởng thức” một sản phẩm báo chí. Hiện nay, Báo Lai Châu điện tử cập nhật thông tin 24/24 giờ hằng ngày; các sự kiện đã được thực hiện nhanh, chính xác, hấp dẫn... đã và đang thu hút đông đảo độc giả (trên 2 tỷ lượt người truy cập).
Cùng với tăng kỳ xuất bản báo, nội dung và hình thức tờ báo cũng được chú trọng. Trên báo ngày càng xuất hiện nhiều bài viết chất lượng, thể loại bài viết phong phú hơn. Nhiều đề tài được các phóng viên khai thác, đi sâu phân tích, mổ xẻ, đề xuất, trao đổi nhiều ý kiến sáng tạo; nhiều bài viết phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở.

Trên các ấn phẩm báo, các chuyên trang, chuyên mục được duy trì ngày càng đa dạng, nhiều chuyên mục chất lượng cao, có tác dụng tuyên truyền và có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội. Qua đó đã góp phần truyền tải quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc trong tỉnh; tuyên truyền giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch, phòng chống các tiêu cực xã hội, xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới; chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và đời sống; biểu dương nhân rộng các nhân tố, điển hình mới, nêu gương người tốt, việc tốt; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhiều phóng viên có tác phẩm được giải thưởng cao trong các cuộc thi viết của Trung ương và địa phương, ngành phát động, như giải “Búa liềm vàng”, “Dân vận khéo”; Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Giải thưởng sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông…

Nhóm tác giả: Dư Khánh Kiên - Hà Minh Dũng (Báo Lai Châu) nhận giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” toàn quốc giai đoạn 2021 - 2023.

Công tác phát hành báo cũng được quan tâm chỉ đạo. Báo Lai Châu tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh kịp thời phát hành báo đến bạn đọc. Đến nay, Báo Lai Châu thường kỳ phát hành trên 3.800 tờ/kỳ, Báo Lai Châu dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao phát hành 4.400 tờ/kỳ. Báo Lai Châu cuối tuần phát hành 2.100 tờ/kỳ. Báo được phát hành đến tất cả các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện, xã, bí thư chi bộ, trưởng các bản, đảng viên 40 năm tuổi đảng trở lên và bộ, ngành Trung ương, trao đổi các tỉnh bạn. Nhờ in báo tại Lai Châu nên nhiều cơ quan, địa phương, bạn đọc đã có báo đọc trong ngày. Báo Lai Châu luôn là kênh thông tin quan trọng, có vị trí trong lòng bạn đọc và là món ăn tinh thần trong đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
Công tác kiện toàn bộ máy và ổn định tổ chức cán bộ được đặc biệt coi trọng. Từ chỉ có 7 cán bộ ban đầu, đến nay Báo Lai Châu đã có 32 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động. Bộ máy tổ chức của tòa soạn được tinh gọn: Ban Biên tập 3 đồng chí; 4 phòng nghiệp vụ: Phòng Phóng viên, Phòng Biên tập, Phòng Báo Điện tử, Phòng Hành chính - Trị sự và Nhà máy in. Các tổ chức đoàn thể được củng cố kiện toàn, tích cực hoạt động góp phần xây dựng tờ báo ngày càng phát triển. Những năm qua, Báo Lai Châu đã cử hàng chục lượt cán bộ đi học đại học, trên đại học chuyên ngành báo chí, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đến nay, gần 100% viên chức có trình độ đại học và trên đại học. Chi bộ Báo Lai Châu từ chỉ có 3 đảng viên phải sinh hoạt ghép cùng đảng viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nay đã có 27 đảng viên.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc, bám nắm địa bàn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi bộ, cơ quan Báo Lai Châu chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng. Ngoài ra, Báo Lai Châu phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng được các tổ cộng tác viên trên 200 đồng chí. Trong đó nhiều cộng tác viên được tập huấn về nghiệp vụ báo chí và có nhiều tin, bài chất lượng. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp Báo Lai Châu nâng cao chất lượng nội dung tờ báo.
Nhiều năm qua, Báo Lai Châu còn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối của những tấm lòng nhân ái, các nhà hảo tâm làm công tác từ thiện, nhân đạo. Hằng năm, Tòa soạn đồng hành cùng nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà bán trú cho học sinh, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng hàng ngàn chăn, áo ấm mùa đông cho gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, góp phần nhân lên những nghĩa cử cao đẹp trong phong trào nhân đạo, từ thiện, xã hội.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Để tiếp tục xây dựng Báo Lai Châu vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và hòa cùng sự phát triển chung của hệ thống báo chí khu vực, cả nước, thời gian tới Chi uỷ, Ban Biên tập Báo Lai Châu xác định cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ những người làm báo, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của nhân dân; coi trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, năng lực thực tiễn, khả năng tác nghiệp của lực lượng phóng viên, biên tập viên; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; thực hiện nghiêm túc 10 Điều Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam. Tiếp tục kiện toàn bộ máy; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên “vừa hồng, vừa chuyên”; mở rộng đối tượng phát hành báo; đổi mới và nâng cao chất các ấn phẩm, nâng cấp báo điện tử lên giai đoạn III. Bắt kịp xu thế phát triển của kỷ nguyên công nghệ số, thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại hướng tới tòa soạn hội tụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả.

bao

Các ấn phẩm báo xuân của Báo Lai Châu.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, mỗi viên chức phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiếp tục tự học và trau dồi để vừa giữ được “lửa nghề” vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và những thách thức mới của thời đại.
Bên cạnh việc thường xuyên chú trọng bồi dưỡng về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thì việc giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người làm báo, đặc biệt vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị được Báo Lai Châu xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để có những tác phẩm có “tâm”, có “tầm” thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành của cơ quan Báo Lai Châu cũ nói chung, sau 20 năm chia tách và tái thành lập cơ quan Báo Lai Châu mới nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lai Châu qua các thời kỳ, Báo Lai Châu luôn đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới và phát triển. Xây dựng đội ngũ những người làm báo “vừa hồng, vừa chuyên, thực hiện mắt sáng, lòng trong, bút sắc” xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Lai Châu vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, nổi bật là:
- Năm 1997, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
- Năm 2003, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
- Năm 2016, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
- Nhiều cá nhân, tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh và các cấp, ngành...

Nguyễn Viết Mạnh - Tổng Biên tập Báo Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...