Thứ ba, 30/04/2024, 09:21 [GMT+7]

Báo Lai Châu vượt khó, phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ của tỉnh mới chia tách, thành lập

Thứ tư, 10/04/2024 - 15:36'
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Lai Châu được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Từ đây, Lai Châu bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển trong điều kiện mới với nhiều khó khăn thách thức, xa các trung tâm kinh tế lớn; nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ bé; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh đó, Báo Lai Châu và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền để ổn định tư tưởng cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang. Việc chia tách là để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội; chia tách thành lập bộ máy mới để chính quyền gần dân hơn, truyền tải đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật của nhà nước đến tận người dân, kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Củng cố và tăng cường đại đoàn kết dân tộc để phát huy sức mạnh của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang.
Trước hết, cần có con người làm việc. Với nhân sự gồm 1 Phó Tổng Biên tập, 1 Phó Phòng Phóng viên (PV), 2 biên tập viên (BTV), 1 kỹ thuật viên (KTV) và 1 lái xe được “chia” từ Báo Điện Biên Phủ và 1 phóng viên hợp đồng. Chúng tôi coi đây là một Ban Biên tập (BBT), cùng bàn bạc, thảo luận, xây dựng các kế hoạch công tác, đảm bảo ngay sau khi công bố quyết định chia tách của Bộ Chính trị, phải xuất bản ngay tờ Báo Lai Châu từ ngày 1/1/2004.
Với đặc điểm của tỉnh miền núi, nhiều dân tộc sinh sống, trình độ văn hóa cũng như đời sống của đồng bào còn thấp, Báo Điện Biên Phủ đã có báo dành cho đồng bào vùng cao, BBT quyết định xuất bản Báo Lai Châu dành cho đồng bào vùng cao chủ yếu bằng hình ảnh, nội dung biên tập thật ngắn gọn, dễ hiểu để chuyển tải tới mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
MỘT CÂY LÀM CHẲNG LÊN NON
Được phân công phụ trách tờ báo mới, tôi liên hệ ngay với các cộng tác viên (CTV) của Báo Điện Biên Phủ trước đây, nhờ bác Nguyễn Thanh Luận (lúc đó là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Tam Đường) tập hợp mọi người, tổ chức gặp mặt ngay sau buổi lễ công bố quyết định thành lập tỉnh mới tại thị trấn Tam Đường, chia sẻ thông tin, động viên và đề nghị các bác, các anh, chị tích cực cộng tác với Báo Lai Châu. Hằng năm, Báo tổ chức Hội nghị CTV, khen thưởng các CTV tích cực, phát triển đội ngũ CTV ở các ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Mỗi số báo đều xây dựng kế hoạch đặt bài CTV theo chuyên đề, theo vùng miền, đề tài... BBT thống nhất ưu tiên “đất” đăng tin bài CTV và trả nhuận bút ngay sau khi phát hành báo để động viên, khuyến khích CTV. Tờ báo tỉnh nhưng cần có thông tin phong phú, đa dạng, có tầm, BBT chủ động đặt bài các chuyên gia kinh tế, CTV viết mảng quốc tế và các tỉnh bạn; chủ động liên hệ với lãnh đạo các ngành, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về cách viết tin, bài, chụp ảnh đăng báo... Nhờ vậy, tuy lực lượng phóng viên còn mỏng, đa số chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí nhưng báo vẫn có đầy đủ tin bài, kịp thời xuất bản báo theo định kỳ.

Tổng kết năm 2004, Báo Lai Châu được UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kỷ niệm 1 năm ngày thành lập tỉnh, Báo Lai Châu được UBND tỉnh tặng Bằng khen đơn vị xuất sắc trong khối thi đua các cơ quan Đảng. Xuân Ất Dậu 2005, Báo Lai Châu lần đầu dự Hội Báo xuân giành giải B toàn quốc.

Mặt khác, BBT kêu gọi sự giúp đỡ của các báo bạn. Báo Thái Nguyên và Báo Bắc Ninh tiên phong cử nhiều nhóm PV, KTV lên cùng ăn, cùng ở, giúp đỡ chúng tôi hằng tháng trời và trong những đợt tuyên truyền đặc biệt. Tiếp theo là các báo: Hậu Giang, Bình Thuận, Hà Tây, Hà Nội Mới, Lào Cai, Sơn La, Hà Tây, Quảng Ninh... Ân tình ấy, chúng tôi không bao giờ quên được.
Không thể dựa mãi vào sự trợ giúp từ bên ngoài, BBT xin chỉ tiêu của tỉnh và đăng thông tin tuyển dụng PV, BTV, liên hệ với các cơ sở đào tạo báo chí; nhờ các đồng nghiệp giới thiệu. Đích thân tổng biên tập đã đi đón một số bạn từ Lào Cai, Hà Nội. Đã có rất nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học đến nộp hồ sơ xin thử việc song số người trụ lại rất ít. Có bạn được bác và bố đưa từ Yên Bái lên tối hôm trước, sáng hôm sau bố và bác về, bạn ấy cũng theo về luôn. Có bạn ở được một tuần, nhiều người sau 2 tháng thử việc rút lui, có người ở được 1 năm rồi bỏ cuộc vì cuộc sống khó khăn quá. Trong 3 năm đầu chia tách, Báo Lai Châu tiếp nhận 35 người đến tìm cơ hội nhưng chỉ có 15 người ở lại tiếp tục. Những người đến từ ngày đầu, còn trụ lại ở Báo Lai Châu đến hôm nay thực sự là rất bản lĩnh, kiên trì học hỏi và đều đã trưởng thành. Phần lớn trong số đó đã được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo thật xứng đáng.
Về cơ sở vật chất, các ngành đều có ngành dọc. Sau chia tách, các cơ quan cấp tỉnh tiếp quản trụ sở cơ quan cấp huyện, các cơ quan của huyện di dời đến địa điểm mới. Báo không có ngành dọc, chúng tôi thuê một căn nhà của đôi vợ chồng trẻ gồm 2 phòng tầng 1 và 1 phòng nhỏ tầng 2, ban ngày là trụ sở, tối đến các anh em, kể cả PV các tỉnh tăng cường cũng trải chiếu ngủ dưới nền nhà. 6 tháng sau, tỉnh xây cho một căn nhà cấp 4 gồm 4 phòng, cán bộ nhân viên từ Điện Biên chuyển sang được bố trí ở chung cư (nhà xây cấp 4, mái tôn) ở khu Nậm Loỏng. Những PV mới và lực lượng tăng cường không có chỗ ở phải tự thuê nhà, BBT quyết định mua 1 căn nhà của hộ dân di dời tái định cư về dựng lại, chia 3 phòng, 1 phòng nữ, 1 phòng nam, 1 phòng làm nơi ở và làm việc của nhân viên Hội Nhà báo, hai đầu hồi bán mái ra thành 2 bếp nhỏ. Tuy đơn sơ như vậy nhưng thời điểm đó, Báo Lai Châu là cơ quan duy nhất trong cả tỉnh có nhà ở cho nhân viên. Thật may mắn là trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng đội ngũ PV, BTV, KTV đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, gắn bó thân thiết như anh em một nhà.
Về phương tiện tác nghiệp, chúng tôi được chia 2 chiếc máy vi tính, chỉ nạp được bài, còn việc dàn trang phải về nhờ máy của Báo Điện Biên Phủ mà Báo Điện Biên Phủ cũng vẫn phải sử dụng nên chúng tôi phải tranh thủ vào buổi tối. Làm maket xong, tổng biên tập và KTV đem về Điện Biên. Lúc này đoạn đường Lai Châu - Điên Biên được nâng cấp tránh ngập của lòng hồ thủy điện Sơn La, 200km đường với gần chục gói thầu, công nhân, máy móc làm việc suốt ngày nên những đoạn nổ mìn phải dừng chờ, rồi mưa lũ, đường sạt... phải tính giờ để đi, mất cả ngày mới về đến Điện Biên, đêm dàn trang, sáng hôm sau chuyển nhà in, chiều tối mang báo trở lại Lai Châu. Có những hôm 2 giờ sáng về đến tòa soạn, mọi người vẫn thức chờ báo và kiểm tra ngay xem có sai sót gì không để ngày mai chuyển bưu điện phát hành. BBT lại tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của các báo và sau đó các báo: Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tây, Tạp chí Xây dựng Đảng tặng máy vi tính; Báo Bắc Giang, Bạc Liêu tặng máy ảnh kỹ thuật số; Báo Bắc Ninh tặng máy Fax. Đài Truyền báo VDC tặng đường truyền báo và hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, chúng tôi không phải về Điện Biên làm chế bản nữa mà hoàn thiện trang báo xong truyền về các cơ sở in. Những số báo đầu tiên là số đặc biệt, in màu, tổng biên tập trực tiếp đi in tại Hà Nội, sau đó in ở Điện Biên. 13 số báo in ở Lào Cai tuy gần nhưng khi phát hành, nhà xe quen chở về Lai Châu là tên cũ nhưng không còn là tỉnh lỵ mà đổi thành thị xã Mường Lay. 10 năm sau, 2014, Báo Lai Châu mới được in báo tại tỉnh trên cơ sở in Báo Nhân dân thứ 8 trong cả nước.
Sau 20 năm chia tách tỉnh, chia tách và thành lập Báo Lai Châu mới, Báo Lai Châu đã trưởng thành và có những bước phát triển ngoạn mục về mọi mặt. Từ đội ngũ 7 người ban đầu, đến nay tổng số 32 cán bộ, PV, BTV, KTV, người lao động. Khi mới chia tách, báo xuất bản mỗi tuần 1 kỳ, đến nay báo in xuất bản 4 số/tuần (thứ 2, 4, 5, 6), báo cuối tuần xuất bản vào thứ bảy hằng tuần, phát hành 2.500 tờ/kỳ; báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao từ 1 kỳ/tháng, nay xuất bản 3 kỳ/tháng vào các ngày 10, 20, 30 hằng tháng; báo điện tử cập nhật thông tin nhanh nhạy 24/24 giờ...
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi may mắn được đồng hành một chặng ngắn, đây thực sự là một khóa học đại học. Tôi đã học được rất nhiều điều từ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, từ những buổi đi cơ sở tiếp xúc với các ngành, với nhân dân, từ đội ngũ cộng tác viên tâm huyết và học tập từ chính các PV, BTV, KTV Báo Lai Châu.
Kỷ niệm 60 năm Báo Lai Châu xuất bản số đầu tiên, 20 năm Báo Lai Châu chia tách từ tờ báo có bề dầy 40 năm, đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất, với những thành tích đã đạt được, với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó, đội ngũ quân hùng tướng mạnh, được sự quan tâm sát sao của cấp ủy và chính quyền các cấp, tôi mong mỏi và tin tưởng rằng Báo Lai Châu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nội dung phong phú, chất lượng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ngày càng cao hơn và được bạn đọc tin yêu hơn.

Hà Kim Chi - Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Tổng Biên tập Báo Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...