Thứ năm, 09/05/2024, 19:05 [GMT+7]

Sôi nổi, trách nhiệm phiên thảo luận tại Tổ đại biểu

Thứ tư, 06/12/2023 - 22:14'
(BLC) - Sáng 6/12, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu. Trên cơ sở nội dung được chủ tọa kỳ họp gợi ý, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm tập trung vào các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Phóng viên Báo Lai Châu Online lược ghi và giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến.

QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ TOÀN BỘ TUYẾN ĐƯỜNG DÀI 23KM

Ảnh 1

Đại biểu Lò Văn Học – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Uyên (Tổ đại biểu huyện Tân Uyên): Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư các dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025. Trong đó có Dự án Nâng cấp tuyến đường Nậm Sỏ - Ui Dạo - Ui Thái - Khau Hỏm - Nà Ui xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên với đường tỉnh 133; đảm bảo đi lại thuận lợi cho 374 hộ dân với 2.044 nhân khẩu trong khu vực, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Do khả năng cân đối nguồn vốn hạn hẹp, UBND tỉnh chỉ đề xuất nâng cấp khoảng 17km trong tổng số 23km chiều dài toàn tuyến; còn lại 6km, UBND huyện Tân Uyên sẽ bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện.
Tuy nhiên, chủ trương đầu tư của UBND tỉnh chỉ nâng cấp 17km là chưa đồng bộ, thêm thủ tục khi huyện Tân Uyên phải quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nâng cấp đối với 6km còn lại. Do đó để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét để HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến đường với tổng chiều dài 23km. Về nguồn vốn và khả năng bố trí vốn cho dự án có thể tách làm 2 phần là ngân sách tỉnh (55 tỷ đồng), ngân sách huyện Tân Uyên (đối với phần tăng thêm của 6km còn lại) hoặc có thể kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2026 và sử dụng nguồn vốn đầu tư công của giai đoạn 2026-2030.

PHÁT HUY NỘI LỰC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

1

Đại biểu Vương Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch HĐND huyện Phong Thổ (Tổ Đại biểu huyện Phong Thổ): Qua nghe báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh năm 2023, tôi thấy, năm 2023 tuy có nhiều tác động từ tình hình thế giới, thiên tai mưa lũ nhưng dưới sự lãnh chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có chỉ số về công tác giảm nghèo. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,9%, riêng các huyện nghèo giảm 5,7%, vượt kế hoạch do UBND tỉnh đề ra.

Đơn cử như tại xã Bản Lang (huyện Phong Thổ), trong năm 2023 vụ sản xuất lúa bị ảnh hưởng do thiên tai, chính quyền và người dân đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dong riềng vào sản xuất và đạt giá trị về kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Nhờ đó, cuối năm 2023, xã có 29 hộ làm đơn xin thoát nghèo. Điều này cho thấy nội lực thoát nghèo trong nhân dân rất lớn.

Tuy nhiên để phát huy tối đa được nội lực cần có sự tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ phù hợp. Thời gian tới, tôi đề nghị UBND tỉnh có thêm giải pháp đồng bộ, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia phát triển kinh tế; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng… góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

XEM XÉT MỨC CHI PHỤ CẤP CHO TỪNG CHỨC DANH

Đại biểu Giàng A Thanh – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường (Tổ đại biểu huyện Tam Đường): Đối với dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh khi ban hành sẽ mang lại nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, cần xem xét lại mức phụ cấp đối với từng đối tượng. Cụ thể: tại Khoản a, mục 2, Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đang quy định: mức phụ cấp của phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã (theo loại xã) lần lượt là: 1,7; 1,6; 1,4; mức phụ cấp của phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và chủ tịch các tổ chức xã hội cấp xã (theo loại xã) lần lượt là: 1,2; 1,1; 1,0. Trong khi đó, khối lượng công việc của phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị tương đương nhau. Trong khi phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã được hưởng trợ cấp 0,2. Do đó, theo tôi cần xem xét mức phụ cấp để đảm bảo không quá chênh lệch giữa mức phụ cấp của các chức danh bán chuyên trách ở cấp xã, phù hợp với từng đối tượng và quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét có phương án thực hiện chế độ đối với những người nghỉ việc do bố trí vào chức danh bán chuyên trách khác; xem xét, có chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm trực tiếp tham gia hoạt động tại thôn, bản, tổ dân phố...

LÀM CĂN CỨ ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

650

Đại biểu Phùng Thị Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Sìn Hồ (Tổ đại biểu Sìn Hồ): Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá  - xã hội (HĐND tỉnh) về đề nghị bỏ điểm d “hỗ trợ tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động” và điểm g “bỏ hỗ trợ chi phí mai táng phí đối với trường hợp người cai nghiện tự nguyện chết trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nguyện ma tuý mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm đối tượng chết” tại Điều 3 của Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma tuý.

Với đề nghị của Ban Văn hoá  - xã hội được UBND tỉnh chấp thuận bỏ điểm g và giữ lại điểm d. Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên các mức hỗ trợ này. Tuy trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay chưa xảy ra trường hợp người cai nghiện tự nguyện chết trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nguyện ma tuý nhưng sẽ có thể xảy ra. Do đó tỉnh nên có biện pháp dự phòng, khi có xảy ra sẽ làm căn cứ để triển khai thực hiện.

GIỮ NGUYÊN 27 LOẠI KHOÁNG SẢN NHƯ THEO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

5

Đại biểu Đào Xuân Huyên - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh (Tổ Đại biểu huyện Phong Thổ): Theo danh mục khoáng sản không kim loại tại phụ lục kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ có 27 loại khoáng sản. Tuy nhiên tại tờ trình của UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chỉ quy định có 20 loại khoáng sản không kim loại. Đối với những loại khoáng sản còn lại, cũng chưa có căn cứ xác định là có hay không, nên đề nghị giữ nguyên 27 loại khoáng sản như Nghị định 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để đảm bảo chặt chẽ, tránh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết sau khi ban hành. Đồng thời không quy định mức thu phí đối với khoáng sản tận thu 60% mức thu phí của loại khoáng sản tương ứng, do không có quy định tại Nghị định 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ.

MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

12

Đại biểu Lường Văn Quý – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sìn Hồ (tổ đại biểu huyện Sìn Hồ): Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng; thăm hỏi khi ốm đau; phúng viếng trong tang lễ; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh nhằm thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự đóng góp, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức và tri ân người có công nhân dịp tết nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7); thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và giáo dục cho thế hệ trẻ phải biết ơn đối với những người đã tham gia chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh có thể cân đối, bố trí được. Tôi thấy hoạt động thăm hỏi rất ý nghĩa mang tính động viên, khích lệ, nhất là ở cấp cơ sở. Do đó, tôi đề xuất trong Nghị quyết nên mở rộng đối tượng được hưởng ở cấp xã như: Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, HĐND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Bởi hệ thống chính trị cấp xã cũng rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

XEM XÉT PHÂN BỔ CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ PHÙ HỢP


Đại biểu Dương Quốc Hoàn – Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (Tổ đại biểu huyện Tam Đường): Qua nghiên cứu Nghị quyết quyết định tổng biên chế công chức, phê duyệt số lượng người làm việc, hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế trong các tổ chức hội có tính chất đặc thù của tỉnh Lai Châu năm 2024. Tôi thấy biên chế công chức giao năm 2024 giảm 31 biên chế so với năm 2023 theo Tờ trình của UBND tỉnh chưa đầy đủ và chưa phù hợp, tôi đề nghị UBND tỉnh giải trình thêm. Đồng thời, đề nghị giao biên chế công chức cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tăng hơn so với năm 2023 và cần tách rõ số biên chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH và biên chế đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách vì theo quy định tại Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Biên chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH và biên chế đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách không thuộc biên chế công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh mà thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử ở địa phương trong tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó”. Qua đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.

Nhóm P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...