

Chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm Decastries, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Không thể kể hết sức lực, máu xương của cha anh đã làm nên chiến thắng lịch sử ấy, thế nhưng những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, giờ đây tôi được gặp cũng không còn nhiều. Đa phần họ, người còn lại cũng đã ở vào tuổi trên dưới 90, sức khỏe tinh thần giảm sút, lúc nhớ lúc quên. Tuy vậy, khi nhắc về chiến dịch Điện Biên Phủ thì trong họ dường như ký ức của thời “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” lại ào về như một thước phim mặc định.
Nhìn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” đeo trên ngực của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuận (hiện đang ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) làm tôi bồi hồi xúc động, nhớ đến câu chuyện cha kể về người chú của mình nằm lại nơi chiến trường Điện Biên năm xưa. Cha tôi kể rằng, tấm huy hiệu ấy chưa kịp cài lên ngực áo thì chú tôi đã ra đi mãi mãi với tuổi thanh xuân nơi lòng chảo Mường Thanh. Đến nay, gia đình vẫn chưa xác định được nơi chú nằm, cũng như hàng nghìn người đã hóa vào mảnh đất Tây Bắc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuận năm nay 89 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và hoạt bát. Ông Thuận kể: Ngày đó háo hức lắm, năm 16 tuổi, tôi xung phong đi bộ đội. Vì còn ít tuổi nên đơn vị từ chối, nhưng tôi vẫn quyết tâm và “nài nỉ” xin bằng được vào giúp việc cho một đơn vị bộ đội...
Một năm sau, ông Thuận được ghi danh là chiến sĩ thuộc Đại đội 962 huyện Bảo Thắng. Năm 1953 chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử về một đơn vị, bí mật vận chuyển vũ khí theo đường thủy. Những khẩu pháo hiện đại được tháo rời đưa lên bè trong đêm, xuôi sông Hồng về Yên Bái và hành quân lên Nghĩa Lộ - Sơn La chi viện cho chiến trường Điện Biên. Cuối năm 1953, khi chiến dịch đã vào thời kỳ ác liệt, theo lệnh cấp trên, chiến sĩ Nguyễn Văn Thuận được điều về Đơn vị 961 quân chủ lực của huyện Sa Pa, lập chốt dọc Quốc lộ 4E chặn đánh các toán phỉ. Tuy không tham gia trực tiếp tại các cứ điểm Điện Biên Phủ nhưng với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và chặn đánh tiễu phỉ, cũng là nhiệm vụ quan trọng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Trò chuyện với tôi, cựu chiến binh Vương Văn Phiệt (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai), năm nay 95 tuổi, với 65 năm tuổi Đảng, ông chậm rãi kể về những ngày kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. Sinh ra ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năm 17 tuổi, ông Phiệt đã đứng trong hàng ngũ bộ đội Sư đoàn 3, Quân khu Tả ngạn. Đến năm 1952 trong một trận chiến đấu chống càn của địch, tổ chốt của ông không may bị địch đánh úp và ông bị bắt làm tù binh. Chúng tra tấn dã man, song với chí khí người cách mạng kiên trung, ông quyết không khai báo. Không khai thác được người chiến sĩ, chúng đưa ông lên máy bay sang Thượng Lào làm tù binh. Mãi đến tháng 2 năm 1954, được bộ đội Lào và Việt Minh giải cứu, chiến sĩ Vương Văn Phiệt được bổ sung tham gia Đại đội 317, Trung đoàn 174 cùng đoàn quân về giải phóng Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông chuyển sang làm công nhân lâm trường. Người chiến sĩ ấy đã cống hiến cả cuộc đời với màu xanh của núi rừng. Ký ức năm tháng giải phóng Điện Biên Phủ vẫn khắc in trong tâm trí ông.
Cựu chiến binh Vương Văn Phiệt bên con cháu.
Cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Hùng cư trú tại tổ 1, phường Kim Tân lại mang “sứ mệnh” khác. Năm 16 tuổi, ông Hùng tham gia du kích tại địa phương và một năm sau ông được bổ sung vào lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến dịch mở đường, tuyến Quốc lộ 6 lên Điện Biên, thuộc Đoàn Thanh niên xung phong Trần Phú, tỉnh Hòa Bình. Năm 1952, ông được điều đi học 6 tháng về rà phá bom mìn trong lực lượng công binh. Ông Hùng kể lại rằng, hồi ấy, trên tuyến đường máu lửa từ Hòa Bình lên Sơn La, tại ngã ba Cò Nòi địch liên tục thả bom, hòng chặn đứng bước hành quân ra chiến dịch của bộ đội, dân công hỏa tuyến chi viện cho Điện Biên. Ông Hùng tham gia sửa, mở đường đưa bộ đội, vũ khí, khí tài, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch; vừa mở đường vừa tiễu phỉ, vừa rà phá bom mìn nổ chậm, đảm bảo giao thông thông suốt. Ông Hùng bị thương vào đúng ngày giải phóng Điện Biên Phủ. Ông được nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý…
Chuyện kể về Chiến thắng Điện Biên Phủ của những người lính năm xưa với nhiều cung bậc cảm xúc, tự hào, bởi lòng yêu nước ý chí quật cường và cả những kỷ niệm mất mát, đau thương trước sự hy sinh của đồng đội. Ký ức Điện Biên vang mãi trong lòng những cựu chiến binh, thắp ngọn lửa tinh thần yêu nước sáng mãi trong trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Thật xúc động khi nghe lại những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu từ chính những người lính già - chiến sĩ Điện Biên năm xưa đọc: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên... Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non… Gan không núng/ Chí không mòn/...”. Tôi nhớ đến chuyến thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng, càng thấy sự hy sinh to lớn của cha anh để khắc ghi, tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã làm nên lịch sử cho đất nước hôm nay nở hoa.
Tin đọc nhiều

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Bổ sung cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Vũ khí bí mật của Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội: Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trong 30 ngày

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

9h sáng nay, khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Lãnh đạo chính đảng, các nước gửi thư, điện chúc mừng Việt Nam

Hòa bình đẹp lắm

Nhiều giải pháp triển khai Nghị quyết 15 ở xã Nậm Hàng



![[Trực tiếp] Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước](https://baolaichau.vn/uploaded/post/2025/04/30/a42a9bc3-0222-443b-b625-ece3ae13a3ab.png)




