Thứ năm, 25/04/2024, 12:02 [GMT+7]

Tác nghiệp ở Trường Sa mùa sóng cả

Thứ sáu, 19/06/2020 - 17:41'
Chẳng chờ lúc trời yên biển lặng mới vươn khơi, tàu chúng tôi vượt sóng tới Trường Sa vào mùa biển động. Biển bạc đầu sóng vỗ, sóng lớn dẫu có ảnh hưởng tới sức khỏe anh em trong đoàn nhưng những cơn say sóng khiến nhão người ra ấy chẳng ngăn nổi sự háo hức của chúng tôi tới Trường Sa. Tác nghiệp giữa trùng khơi, được hòa mình với nhịp sống của lính biển và những câu chuyện rất đỗi mộc mạc của ngư dân nơi đầu sóng đã cho chúng tôi những trải nghiệm không thể quên.

Chắc chẳng mấy ai quên được phút quyến luyến trước khi tàu rời cảng Cam Ranh để bắt đầu hải trình tới huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Chiều ấy, nắng như gắt hơn, hơi nước biển như mặn hơn và gió cứ lồng lộng mãi khiến cho phút quyến luyến, chia tay như kéo dài hơn. Những bịn rịn ấy trở thành đề tài của không ít phóng viên, nhưng rồi cũng qua đi, chúng tôi hăng hái lên tàu HQ 561 thuộc Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân ra khơi, thay thu quân, tặng quà và chúc tết tại các đảo: Đá Lớn, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh…
Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, những cơn say sóng rồi cũng qua, chúng tôi tới đảo Đá Lớn. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên rồi của muôn vàn bão tố nhưng cán bộ chiến sỹ nơi đây luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chắc tay súng chống lại kẻ thù luôn dòm ngó bờ cõi, chủ quyền của ta. Sau khi chụp ảnh, quay hình, phỏng vấn để lấy thông tin làm tư liệu, anh em phóng viên tranh thủ hội ý đề tài. Sau đó, trên các báo đã có nhiều bài viết hay sau chuyến tác nghiệp tại đảo Đá Lớn: Nơi mùa xuân đến sớm, Vững vàng nơi đầu sóng, Ghi ở Đá Lớn…

Phóng viên Báo Lai Châu tác nghiệp tại đảo Phan Vinh (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Phóng viên Báo Lai Châu tác nghiệp tại đảo Phan Vinh (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Mặc biển động, tàu chúng tôi vẫn cắt sóng vươn khơi mang theo hơi ấm đất liền tới các đảo. Những ngày áp tết, ai chẳng mong được sum họp bên gia đình, được đón nhận quà từ đất liền, thư của gia đình gửi tới, anh em chiến sỹ thêm vững vàng, sẵn sàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh Nguyễn Hùng (phóng viên Báo Hưng Yên) chia sẻ, trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa, anh đã thu thập được rất nhiều tư liệu sinh động cho các bài viết của mình. Đó là những tâm sự của những chàng lính trẻ lần đầu xa quê; chính trị viên của Đảo Phan Vinh tình nguyện ở lại Đảo ăn tết để nhường phần nghỉ phép cho đồng đội về thăm bố ốm nặng, rồi những câu chuyện ấm tình đồng chí, đồng đội nơi đảo xa mà chúng tôi ghi chép lại đã trở thành tư liệu quý cho những bài viết của mình.
Sau mỗi chuyến lên thăm đảo, anh em trong đoàn phóng viên lại tập trung thảo luận đề tài, chia sẻ thông tin. Nhà báo Mai Thanh Hải (Báo Thanh niên) tâm sự, những chuyến đi tác nghiệp như vậy cũng là dịp tốt để anh em phóng viên các báo sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm làm báo. Là người nhiều năm gắn bó và có nhiều bài viết về biển đảo, các vấn đề trên biển Đông anh Hải luôn sẵn lòng chia sẻ, giới thiệu đề tài cũng như hướng dẫn kinh nghiệm di chuyển, tác nghiệp trên đảo sao cho an toàn, hiệu quả. Vì được các anh, chị từng nhiều lần ra đảo hướng dẫn nên chuyến hành trình vượt giông tới đảo Tốc Tan tác nghiệp cũng như suốt hành trình thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa của chúng tôi đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Để tới được các đảo, từ tàu HQ 561, chúng tôi thường phải đi thêm một chuyến ca nô - bình quân mỗi chuyến từ 45 phút tới hơn 1 tiếng, tùy theo sức gió, tình hình biển động. Đây là cảm giác khá thú vị cho những người ưa mạo hiểm, giữa biển khơi, những chiếc tàu chuyên dụng có trọng tải hàng nghìn tấn cũng chỉ như chiếc lá, huống hồ đây chỉ là chiếc ca nô nhỏ có sức chứa hơn 10 người. Ca nô đi tới đâu, sóng tạt vào tới đấy, cứ lắc lư chực muốn lật. Vậy mà cứ lần lượt từng tốp phóng viên, sau khi nai nịt gọn gàng áo phao, áo mưa là anh em ôm máy móc, thiết bị tác nghiệp lên ca nô để vào đảo mặc cho sóng tát rát mặt, quần áo ướt lướt thướt, nhưng máy ảnh, máy quay luôn được bọc buộc kỹ càng, đảm bảo phương tiện tác nghiệp.
Trong hải trình tới Trường Sa, cùng với việc phải hoàn tất kế hoạch tác nghiệp báo chí, chúng tôi còn đảm nhận tốt vai trò là cầu nối giữa đất liền với đảo xa: Thăm hỏi, tặng quà và chúc tết cán bộ, chiến sỹ và bà con đang sinh sống tại huyện đảo. Những câu chuyện mộc mạc với bà con hay tếu táo đậm chất lính với cán bộ, chiến sỹ hải quân giúp chúng tôi có thêm nhiều tư liệu, chi tiết báo chí sinh động và cũng gợi mở cho chúng tôi thêm nhiều đề tài hay: Năng lượng xanh trên đảo, Tình quân dân ở Sinh Tồn, Tăng gia sản xuất nơi đảo xa… và hơn tất cả là những trải nghiệm thú vị, những câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân ở Trường Sa.
Hải trình tới Trường Sa mùa sóng cả đã kết thúc, say sóng, say đất liền cũng chỉ còn là hoài niệm, những tư liệu khai thác trong chuyến công tác ấy đã được sử dụng dần thành những bài viết. Nhưng trong mỗi phóng viên, biên tập viên tham gia hải trình tác nghiệp tại Trường Sa mùa sóng cả ấy sẽ không thể quên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hùng, khẳng định chủ quyền của Trường Sa cũng như sự trung kiên của những chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển trời quê hương và nơi ấy tình quân dân ấm áp như tình làng nghĩa xóm, tình anh em keo sơn.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...