Thứ sáu, 19/04/2024, 12:48 [GMT+7]

Thành phố Lai Châu 15 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu, 27/09/2019 - 16:14'
(BLC) - Cách đây tròn 15 năm, ngày 15/11/2004, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thị xã (nay là thành phố) Lai Châu ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay đô thị thành phố Lai Châu đã được quy hoạch, xây dựng khang trang, hiện đại, xứng danh là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.

Những mốc son lịch sử

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất thành phố Lai Châu là địa danh của nhiều đơn vị hành chính trước đây gộp lại, đầu tiên (từ năm 1962) là thị trấn Nông trường Chè Tam Đường, xã Nậm Loỏng, xã Tam Đường và một phần của xã Sùng Phài, Nùng Nàng (huyện Phong Thổ) cũ. Sau chiến tranh biên giới, huyện lỵ Phong Thổ chuyển về, một phần của vùng đất này trở thành thị trấn huyện Phong Thổ. Đến tháng 9/2002, huyện Phong Thổ chia tách thành 2 huyện (Phong Thổ, Tam Đường) lại trở thành trung tâm hành chính, chính trị của huyện Tam Đường. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này gắn liền với lịch sử 110 năm hình thành và phát triển tỉnh Lai Châu, 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lai Châu.

Đồng chí Vương Văn Thắng - Bí thư Thành ủy Lai Châu (bên phải) thăm mô hình rau thủy canh ở bản Cắng Đắng (xã San Thàng). ảnh: thu minh

Đặc biệt, sau khi tỉnh Lai Châu được chia tách, thành lập mới (1/1/2004), vùng đất này đã trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của tỉnh Lai Châu. Ngày 10/10/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Lai Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Phong Thổ, xã Nậm Loỏng, xã Tam Đường và một phần của xã Sùng Phài (huyện Tam Đường), với 5 đơn vị hành chính (3 phường, 2 xã). Sau đó, ngày 26/10/2004, Tỉnh uỷ lâm thời Lai Châu ban hành Quyết định số 189 -QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ thị xã Lai Châu và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 27 đồng chí, trong đó có 9 đồng chí trong Ban Thường vụ. Đến ngày 15/11/2004, bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể thị xã Lai Châu ra mắt và chính thức đi vào hoạt động, tiếp tục thực hiện các chức năng lãnh đạo, quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn.

Để đảm bảo tiêu chí đơn vị hành chính, ngày 2/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Theo đó, thị xã Lai Châu được thành lập thêm 2 phường (Đông Phong và Quyết Tiến) và từ đây, thị xã Lai Châu có 7 đơn vị hành chính (5 phường và 2 xã).

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, đô thị thị xã Lai Châu từng bước được quy hoạch, xây dựng khang trang, hiện đại. Ghi nhận nỗ lực này, ngày 1/2/2013, Bộ xây dựng đã ra Quyết định số 140/QĐ-BXD, về việc công nhận thị xã Lai Châu là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Lai Châu và sau thời điểm đó, Hiệp hội Đô thị Việt Nam cũng công nhận thị xã Lai Châu là đô thị xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, sau gần một năm, ngày 27/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh

Lai Châu. Đây là mốc son quan trọng, khẳng định bước phát triển mới về chất, tạo tiền đề cho thành phố Lai Châu phát triển sau này.
Đảng bộ thành phố Lai Châu đã trải qua 3 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội là một mốc son lịch sử gắn liền với sự phát triển vượt bậc của thành phố. Những thành quả đạt được hôm nay là sự nỗ lực không ngừng, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố Lai Châu và công lao của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc thành phố đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh vì sự phát triển của thành phố Lai Châu thân yêu.
Thành tựu đạt được

Sau chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu đã dành được nhiều thành tựu đáng tự hào. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm, nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt cao. Trong sản xuất nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa như: lúa, chè, mắcca, hoa, rau màu, thủy sản; nhiều mô hình kinh tế trang trại V-A-C quy mô hộ gia đình, nhóm hộ được xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả; một số nông sản hàng hóa đã có thương hiệu và đứng vững trên thị trường nhất là các sản phẩm như chè, gạo tẻ râu, rượu... Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh, nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ, điểm du lịch được đầu tư khang trang, ngày càng đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, đi lại, tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần đưa thành phố Lai Châu đứng vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh và là điểm đến của du khách gần xa.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, nhà ở dân cư và các thiết chế văn hóa. Đến nay, hầu hết các tuyến đường nội thị lắp đèn chiếu sáng, trồng cây xanh, thảm cỏ; đường giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, nước sạch...cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Công tác quản lý kiến trúc, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị đi vào nề nếp, nếp sống văn minh đô thị ngày càng được nâng cao, đến nay thành phố có trên 50% tuyến phố văn minh. Theo kế hoạch, hết năm 2019, thành phố Lai Châu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển khá, thành phố Lai Châu là đơn vị đứng đầu trong toàn tỉnh về chất lượng giáo dục và đào tạo; giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn đạt cao. Quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, các trạm y tế xã, phường được đầu tư cơ bản; tăng cường đội ngũ y bác sỹ và ngày càng nâng cao về chất lượng. Các hoạt động thông tin, truyền thanh - truyền hình, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển nhanh; truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn được quan tâm bảo tồn và phát huy. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai và lan tỏa rộng khắp trong Đảng và các tầng lớp Nhân dân. An sinh xã hội, đảm bảo chính sách người có công, công tác nhân đạo từ thiện luôn được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Đến nay, Đảng bộ thành phố Lai Châu có 38 chi bộ, đảng bộ cơ sở, với 2.717 đảng viên (tăng 8 chi, đảng bộ và 2.226 đảng viên so với thời điểm mới thành lập), kết quả xếp loại hàng năm không có tổ chức đảng yếu kém. Bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố và các xã, phường, thôn, bản, khu phố sắp xếp, kiện toàn đúng tinh thần Nghị quyết 18, 19 - NQ/TW của Trung ương (khóa XII) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ ngày càng nâng cao về chất lượng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; cải cách hành chính, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai đồng bộ và từng bước nâng cao về chất lượng.

Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa thành phố Lai Châu với huyện Mường Xay, tỉnh U Đôm Xay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; giữa các thành phố kết nghĩa trong khu vực và các huyện trong tỉnh tiếp tục mở rộng và có nhiều hoạt động ý nghĩa.

Ghi nhận những thành tích đạt được, nhiều năm qua, thành phố Lai Châu luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương, tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2019, thành phố Lai Châu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Định hướng phát triển

Bước sang giai đoạn phát triển mới, thành phố Lai Châu đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới và nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Để đạt được mục tiêu hết năm 2019, thành phố Lai Châu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và trong giai đoạn tới đạt đô thị loại II, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, chủ động phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện và bền vững trên các lĩnh vực. Tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tỉnh và có chính sách thu hút vốn từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó chú trọng quy hoạch và xây dựng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và cảnh quan, danh lam thắng cảnh.

Cùng với quy hoạch xây dựng đô thị, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo đó, đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa gắn với đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như chè chất lượng cao, cây mắcca, làng nghề truyền thống, mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi quy mô lớn, thâm canh tăng năng suất lúa... Qua đó, tạo ra một số sản phẩm nông sản có thương hiệu phục vụ thị trường và nhu cầu du lịch.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, chăm sóc người có công.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, thật đáng trân trọng và tự hào. Những thành quả đạt được ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu qua các thời kỳ. Phát huy truyền thống cách mạng và các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thành phố nguyện một lòng theo Đảng, đoàn kết xây dựng thành phố Lai Châu văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Vương Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...