Thứ hai, 20/05/2024, 18:35 [GMT+7]

Thanh niên Lai Châu khát vọng cống hiến, kiến tạo tương lai

Thứ ba, 28/11/2023 - 16:19'
(BLC) - Thực hiện tốt “4 dám: dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám đương đầu với thử thách” để khởi nghiệp, lập nghiệp thành công và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong 5 năm qua, những “chiến sĩ áo xanh hy vọng” trên địa bàn tỉnh để lại dấu ấn tốt đẹp với hàng nghìn phần việc, công trình thanh niên; hàng trăm mô hình kinh tế tiên phong trên các lĩnh vực mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập bình quân từ 100-300 triệu đồng/năm.

1

Với quyết tâm khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh vượt lên những gian khó, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mới trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng công nghệ số để tăng hiệu suất, năng suất làm việc. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi với những mô hình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; góp phần nâng cao đời sống gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

2

Chúng tôi đến thăm mô hình chế biến chè của ĐVTN Nguyễn Văn Chính - bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa - một trong những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của Huyện đoàn Tân Uyên. Đưa chúng tôi lên đồi chè của gia đình, anh Chính tâm sự: gia đình tôi có 3ha chè. Những năm trước, gia đình thu hái búp chè tươi đều bán cho nhà máy. Đến năm 2017, tôi nảy ra ý tưởng sẽ sao chè, tự tay mình làm ra sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Bởi nguồn nguyên liệu chè sẵn có, tôi chỉ cần đầu tư thêm máy móc; học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm sao chè. Tôi luôn tự nhủ, bản thân quyết tâm, tự tin là sẽ làm được.

Từ quyết tâm đó, anh Chính bắt tay ngay vào thực hiện khát vọng làm giàu với việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy sao chè hơn 1 tỷ đồng. Mỗi năm thu hái được 40 tấn búp chè tươi, anh bán cho nhà máy một nửa, còn một nửa để làm nguyên liệu chế biến. Năm 2022, anh mang sản phẩm chè khô tham gia đánh giá phân hạng OCOP của tỉnh và được công nhận đạt 3 sao. Hiện nay, trung bình một năm, gia đình anh Chính chế biến gần 3 tấn sản phẩm chè khô các loại, bán với giá 300.000 đồng/kg. Mỗi năm, từ bán chè búp tươi và chế biến chè sâu, gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng.

3

Về Than Uyên - địa phương điển hình của tỉnh với nhiều mô hình kinh tế hay do thanh niên làm chủ. Điển hình trong đó phải kể đến các mô hình: trồng ổi Đài Loan của thanh niên Nùng Văn Nên (Hua Nà); trồng dâu tây theo hướng VietGap của đoàn viên Lò Văn Vượng (xã Mường Than); nuôi cá lồng của các thành viên hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thẩm Phé (xã Mường Kim); nuôi ong lấy mật của ĐVTN Lò Thanh Xuân (xã Mường Mít); trồng ớt chỉ thiên của thanh niên xã Mường Cang; chế biến thịt trâu gác bếp, lạp sườn của ĐVTN thị trấn Than Uyên…

4

Đoàn viên Lò Thanh Xuân - cô gái người Thái xã Mường Mít (Than Uyên) nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng mang bao hoài bão và khát vọng đã nghị lực để hiện thực hoá ước mơ làm giàu trên chính quê hương của mình. Từ những kinh nghiệm tích luỹ, học hỏi khi thực tập ở những nông trại tại Israel, chị Xuân đã về địa phương để bắt đầu dự án khởi nghiệp với mô hình nuôi ong lấy mật, thành lập nên HTX Nông nghiệp Mường Mít. Đến nay, HTX phát triển trên 300 thùng ong với sản lượng mật hơn 3.000 lít/năm. Tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình và nhiều ĐVTN trong xã.

Chị Xuân phấn khởi: Không có gì vui hơn khi khởi nghiệp thành công trên mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Với tôi, tuổi trẻ làm giàu không khó, chỉ cần mình lựa chọn được hướng đi đúng, phù hợp, tự tin vào khả năng của bản thân và biết nắm bắt cơ hội để phát triển. Hiện nay, ngoài bán mật ong nguyên chất tách nước, tôi làm thêm nhiều sản phẩm khác từ mật ong như: ngâm với hoa đu đủ, tỏi, nụ hoa tam thất… phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm làm ra đến đâu, được tiêu thụ hết đến đó.

11

Tỉnh đoàn Lai Châu hiện có 12 đơn vị trực thuộc gồm 8 huyện, thành đoàn và 4 đoàn trực thuộc; 509 Đoàn cơ sở; 1.589 Chi đoàn với trên 34.000 ĐVTN. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh - Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã được khơi dậy, khích lệ và lan toả rộng rãi từ vùng thuận lợi đến vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những tấm gương sáng thanh niên làm kinh tế giỏi.

Trong những năm qua, Tỉnh đoàn luôn xác định việc thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là nhiệm vụ đột phá trong công tác Đoàn. Chính vì vậy, Đoàn các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công và thanh niên làm kinh tế giỏi để nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm về khởi nghiệp trong thanh niên. Cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

10

Mặt khác, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho thanh niên. Duy trì tổ tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, quỹ Trung ương đoàn, các dự án hỗ trợ khởi nghiệp của các tổ chức phi Chính phủ…

Anh Mai Văn Tùng - ĐVTN xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ tâm sự: Được sự định hướng của Huyện đoàn, chúng tôi triển khai mô hình nuôi gà đen từ tháng 5/2023 đến nay. Ngoài được hỗ trợ về kỹ thuật, chúng tôi được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 178 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 200m2, mua giống gà nuôi. Đến nay, mô hình bước đầu thành công, mỗi tháng trung bình gia đình tôi xuất 200 con gà đen đi các tỉnh, sản lượng gần 4 tạ, bán với giá 160.000đồng/kg.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn ĐVTN được hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn trên 873 tỷ đồng; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn hơn 1 tỷ đồng, nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là 250 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 31 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho trên 17.800 ĐVTN…

8

Qua thời gian, các mô hình kinh tế của thanh niên ngày càng được nhân rộng ra các xã, bản, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn ĐVTN trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ gia đình đoàn viên thuộc diện hộ nghèo. Phát huy tinh thần sáng tạo trong khởi nghiệp của tuổi trẻ để nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương Lai Châu.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...