Thứ ba, 14/05/2024, 17:40 [GMT+7]

Cách làm kinh tế của anh Tẩn A Cau

Thứ năm, 20/10/2016 - 21:57'
(BLC) - Sinh ít con, tích cực tham gia nhận khoanh nuôi, trồng rừng, chú trọng đầu tư chăn nuôi, trồng cây màu đã giúp gia đình anh Tẩn A Cau (dân tộc Dao) trở thành tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế ở bản Thác Tình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường).

Sinh năm 1978 tại bản Thác Tình trong gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ anh Cau thấu hiểu sự vất vả, lam lũ. Lập gia đình, được bố mẹ chia cho 2.000m2 ruộng, vợ chồng anh tích cực lao động nhưng do chỉ cấy được 1 vụ lúa nên thường xuyên thiếu ăn. Cái nghèo càng tăng lên khi vợ anh sinh con đầu lòng, anh phải làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Anh Cau bàn với vợ, sinh ít con để có thời gian làm kinh tế, vợ chồng anh đã gửi con nhờ ông bà trông hộ để đi làm thuê, khai hoang ruộng nước, làm mương dẫn nước về ruộng.

Anh Cau phơi thóc.

Năm 2006, khi nhà nước có chính sách giao khoán đất rừng, anh Cau nhận 2,5ha. Trên diện tích ấy, anh trồng thông. Với số tiền tích cóp, anh đầu tư mua thêm ruộng, đất sản xuất. Nhờ đó, gia đình anh có hơn 1ha ruộng nước, trên 4.000m2 nương ngô. Do thiếu nước nên khu ruộng của gia đình anh chỉ cấy 1 vụ. 3 năm trở lại đây anh tập trung gieo cấy giống lúa tẻ râu trên 60% diện tích (còn lại cấy lúa QR64, khang dân). Trên đất nương ngô, anh chuyển sang trồng 2 vụ với 100% giống ngô lai. Mỗi năm gia đình anh thu về 5 tấn thóc, 2 tấn ngô.  

Không dừng ở đó, vợ chồng anh đầu tư phát triển chăn nuôi, từ 1 con trâu sinh sản mua năm 2008 đến nay đàn trâu của gia đình anh đã có 6 con. Tận dụng đất bìa rừng, anh trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu và xây dựng chuồng nuôi kiên cố cho đàn gia súc. Cùng với nuôi trâu, mỗi năm gia đình anh xuất bán 3 lứa lợn, mỗi lứa 3 - 6 con; nuôi gà, vịt cải thiện đời sống.

Anh tích cực tham dự các buổi tập huấn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên vật nuôi do các chi hội, đoàn thể thị trấn phối hợp với cơ quan chức năng huyện tổ chức. Sau đó, áp dụng vào việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi: tiêm phòng tụ huyết trùng, dịch lở mồm long móng… Bảo vệ môi trường, hệ thống chuồng nuôi được anh di dời cách nhà 50m, nền chuồng thấp hơn sân nhà 2m. Chất thải trong chăn nuôi anh tận dụng ủ với cỏ làm phân xanh bón ruộng.

Anh Cau còn tham gia Tổ xung kích bảo vệ rừng của bản. Do nhà ở gần bìa rừng, anh được giao nhiệm vụ hàng ngày quan sát, theo dõi mọi biến động, kịp thời báo cho trưởng bản, tổ xung kích khi phát hiện cháy rừng, người lạ xâm hại rừng. Không những thế anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động chung của bản: đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh đường nội bản, khơi thông mương dẫn nước, vận động người thân thực hiện tốt các quy ước của bản, không tin, không nghe theo lời của kẻ xấu, không vi phạm pháp luật, đoàn kết tình làng nghĩa xóm.

Năm 2015 gia đình anh đã xây dựng ngôi nhà cấp bốn khang trang, sạch đẹp trị giá trên 200 triệu đồng. Trong nhà từ bộ bàn ghế, ti vi, bếp… được mua sắm mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của các thành viên. Những thành quả đó chính là nhờ sự cần cù, chịu khó của gia đình anh mà nên. 

Kim Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...