Thứ ba, 14/05/2024, 19:16 [GMT+7]

“Hết lòng với sự nghiệp “trồng người”

Thứ tư, 26/10/2016 - 14:59'
(BLC) - Đó là nhận xét của cán bộ, giáo viên (CBGV) và học viên khi nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Kim Cương (SN 1972) - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) huyện Sìn Hồ.

Năm 1960, bố mẹ chị đưa gia đình từ Gia Lâm (Hà Nội) lên huyện Sìn Hồ làm giáo viên. Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ và chị gái đều là nhà giáo nên ngay từ nhỏ chị đã ước mơ được đứng trên bục giảng mang kiến thức, con chữ đến trẻ em vùng cao. Tốt nghiệp phổ thông, chị theo học khoa Ngữ văn Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (tỉnh Sơn La), năm 1991 tốt nghiệp trở về giảng dạy tại Trường PTCS nông trường Sìn Hồ; 2 năm sau luân chuyển sang Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện (nay là Trường Dân tộc nội trú THPT Sìn Hồ). Tháng 4/2015, chị được điều động về công tác tại Trung tâm GDTX huyện với cương vị Giám đốc.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cương nghiên cứu tài liệu.

Là Giám đốc, Bí thư Chi bộ, chị Cương cùng tập thể CBGV Trung tâm nỗ lực rèn luyện, trau dồi kiến thức, nghiên cứu tài liệu nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn; tích cực xây dựng sáng kiến hữu ích trong giảng dạy giúp học viên hiểu bài, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế đời sống. Cùng với đó, chị cùng ban lãnh đạo Trung tâm khuyến khích giáo viên coi trọng các tiết dạy chuyên đề, tăng cường tổ chức ứng dụng công thông tin vào dạy học và quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tạo hứng thú cho học viên; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học viên tích cực”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”...

Trải lòng với chúng tôi, chị Cương nói: Đã hơn 15 năm gắn bó với nghề giáo ở huyện vùng cao Sìn Hồ, nơi có nhiều học sinh nghèo, bởi thế tôi quá quen thuộc hình ảnh các bậc phụ huynh, học sinh quần áo lấm lem, chân đất đưa con đến trường, thậm chí nhiều gia đình không điều kiện cho con ăn học, không quan tâm đến việc học của con... Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, không biết làm gì để chia sẻ với phụ huynh và học viên khi đồng lương của mình ít ỏi, cuộc sống cũng còn khó khăn. Chỉ biết rằng, mình phải cố gắng truyền dạy kiến thức cho các em bằng chính trái tim, lòng yêu nghề để mai này khi lớn lên các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội và gia đình”.

Giúp đỡ và sẻ chia với những CBGV và học viên có hoàn cảnh khó khăn, chị Cương chỉ đạo Công đoàn, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể trong Trung tâm tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp như: quyên góp và ủng hộ 1 gia đình học viên bị tai nạn lao động số tiền 500.000 đồng; hỗ trợ 1 gia đình cán bộ giáo viên bị hỏa hoạn 3 triệu đồng; tham mưu với huyện hỗ trợ 21 học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn số tiền 450.000 đồng/học viên/tháng; các đoàn thể, chính quyền địa phương, CBGV và học viên quyên góp, ủng hộ hơn 10 triệu đồng, quần áo, chăn, giày cho 112 học viên có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi trong Trung tâm. Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 54 suất quà tết cho học viên nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán 2015; 100% CBGV được khám sức khỏe định kỳ. Qua đó, CBGV và học viên đoàn kết, hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt, chất lượng giáo dục toàn diện của Trung tâm ngày càng tăng. Cụ thể, năm học 2015 - 2016 Trung tâm duy trì 92,2% sỹ số học viên trong lớp; tỷ lệ học viên xếp loại tốt, khá đạt 85,5%. Đặc biệt, trong năm học, Trung tâm đã tổ chức, triển khai thực hiện 7 đề tài sáng kiến kinh nghiệm, trong đó 4 đề tài được lựa chọn gửi Hội đồng khoa học ngành chấm đề nghị công nhận và nhận được đánh giá sát với thực tế, có thể mang lại những kết quả cao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Từ năm 2012 đến nay, tập thể nhà trường luôn đạt danh hiệu lao động xuất sắc.

Riêng bản thân chị Cương, nhiều năm liền được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tào (GD&ĐT) tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”; UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các năm học...

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...