Thứ ba, 14/05/2024, 06:58 [GMT+7]

Học theo Bác từ việc nhỏ

Thứ ba, 28/08/2012 - 15:25'
(BLC) - Bác Hồ từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Ở tỉnh ta, có rất nhiều bông hoa đẹp như thế!

Từ khi tỉnh ta phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi người dân, cán bộ, người già, em nhỏ đều có những việc làm thiết thực để hưởng ứng cuộc vận động ý nghĩa này. Học gương Bác không nhất thiết phải là học theo sách vở, hoặc làm những việc quá sức. Học gương Bác đơn giản chỉ từ những việc nhỏ, được mọi người chú ý làm hàng ngày, sau rèn giũa thành thói quen tốt và tiếp tục phát huy.

Học chữ “cần” của Bác, người dân vùng cao chăm chỉ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tôi đã gặp Thượng úy Trần Ngọc Toản – “Người hùng đất Than Uyên” không nề chi gian khó để ngăn ngừa hàng nghìn người sa vào cái chết trắng. Mọi người suy tôn anh là “khắc tinh” tội phạm ma túy. Song với anh, làm tốt công việc của mình chỉ đơn giản là học theo gương Bác, mỗi ngày làm một việc tốt, có ích cho xã hội.

Hay như anh Chu Đình Chí - Chủ nhiệm Hợp tác xã Mường Lự (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) có tấm lòng nhân ái, vận động xã viên quyên góp, giúp đỡ những người nghèo trong xã. Anh Lầu A Su, cán bộ kiểm lâm huyện Tam Đường với phương châm sống: “Bản là nhà, dân là người thân, rừng là cánh tay phải”, luôn động viên người dân không phá rừng, giữ cho màu rừng mãi xanh tươi.

Chăm chỉ rèn luyện dưới mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là cách học Bác của các em học sinh miền núi.

Trên mảnh đất Than Uyên anh hùng, có cô bé Lò Thị Trinh người dân tộc Thái ở Trường Tiểu học xã Hua Nà vượt khó vươn lên học giỏi. Còn người dân ở thị xã Lai Châu lại khâm phục anh Hà Văn Lệ ở tổ dân phố số 7 phường Đoàn Kết vượt qua cảnh tật nguyền để trở thành một thợ may giỏi, có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Bên cạnh các tấm gương cá nhân tiêu biểu được mọi người biết đến và học tập làm theo, còn có các tập thể với nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi, ý nghĩa. Đó là Trạm Y tế xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ với đội ngũ y tá luôn nhớ lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, hết lòng cứu chữa chăm sóc người bệnh nơi thôn bản. Là mô hình “Ống tiền tiết kiệm” của Hội phụ nữ xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) giúp đỡ được nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hay từ “Hũ gạo nuôi con chữ”, Hội Cựu chiến binh huyện Phong Thổ đã hỗ trợ trẻ em nghèo có điều kiện đi học…

Và còn rất nhiều những câu chuyện cảm động tôi đã được nghe, được thấy trên miền rừng núi này. Nơi có “ông già gàn” hiến đất xây trường cho các em học sinh miền núi, có em học sinh nhỏ biết trả lại tiền cho người mất như lời cô giáo dạy…

Những việc làm nhỏ học theo Bác hàng ngày vẫn đang diễn ra xung quanh tỉnh ta: từ việc mỗi gia đình trồng rau, phát triển chăn nuôi, phát huy tính cần cù, chịu khó như lời Bác Hồ từng dạy: “Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Hay ở các cơ quan việc tiết kiệm điện, giấy in giúp giảm đáng kể chi phí hàng tháng, hàng quý; việc tiết kiệm thời gian lao động giúp công việc đạt hiệu quả cao trong thời gian ngắn; mỗi cán bộ, công nhân viên chức hiểu thêm về bốn chữ “Thời gian là vàng” mà Bác từng nhắc nhở.

Học gương Bác từ những việc nhỏ - hàng ngày hàng nghìn công dân ở tỉnh ta, tùy theo điều kiện của mình đang phát huy những đức tính, phẩm chất tốt đẹp để dựng xây tỉnh nhà ngày một giàu mạnh. Để noi gương Bác trong ứng xử mỗi ngày trở thành hành động đẹp, được phát triển rộng khắp các bản, làng…

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...