Thứ ba, 14/05/2024, 18:15 [GMT+7]

Làm giàu từ thương mại, dịch vụ

Thứ sáu, 04/11/2016 - 14:35'
(BLC) - “Phi thương bất phú”, câu nói đó quả đúng với trường hợp của anh Sùng A Páo (dân tộc Mông ở bản Lùng Thàng, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu).

Chúng tôi đến nhà anh Páo khi anh vừa trở về từ Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ). Qua câu chuyện, anh Páo hồ hởi khoe với chúng tôi : “Chuyến hàng này, tôi lãi được 1,5 triệu đồng đấy!”.

Anh Páo chuẩn bị hàng đi bán.

Được biết, 6 năm nay, anh Páo quyết định chuyển hướng từ làm nông nghiệp sang bán các mặt hàng may mặc (vải, váy, áo), lợn giống và một số mặt hàng nông sản địa phương. Có thể coi các mặt hàng của anh khá phong phú, mùa nào thức nấy. Một số mặt hàng còn được anh trực tiếp xuất sang nước bạn Lào, Trung Quốc để có thể mua tận gốc, bán tận ngọn. Ngoài phụ vợ bán quần áo, hạt cườm, phụ kiện may mặc tại chợ Quyết Thắng (thành phố Lai Châu), anh Páo còn thuê kiốt tại chợ San Thàng (thành phố Lai Châu); xã Nậm Xe, Dào San (huyện Phong Thổ); Bình Lư (huyện Tam Đường) để bán hàng vào những ngày chợ phiên. Không những vậy, anh đưa hàng hóa đi bán rong tại các xã vùng thấp Ma Quai, Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), tỉnh Điện Biên. Qua những lần xuất cảnh qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng, anh học được một số từ ngữ giao tiếp bằng tiếng Quan Hỏa nên việc buôn bán, giao dịch thuận lợi hơn.

Không quản ngại vất vả, với đa dạng các mặt hàng, gia đình anh Páo thu nhập 100 triệu đồng/năm. Theo anh, làm công việc này tuy phải bôn ba nhưng không chỉ thu nhập cao mà còn đỡ vất vả hơn cấy lúa, trồng ngô. Dù vậy, anh vẫn thuê người làm ruộng, nương để giữ đất và thêm lương thực cho gia đình.

Anh Páo cho biết: “Trước đây, tôi có nghe nhiều người nói về người Mông xã Dào San buôn bán giỏi nên tôi đã tìm đến chợ Đoàn Kết mở rộng (thành phố Lai Châu) để học hỏi một số gia đình đang bán hàng tại đây. Được vợ chồng ông Lý A Phình dìu dắt, chia sẻ bí quyết nên tôi vào nghề cũng dễ dàng hơn”. Thời gian đầu, chưa thông thạo đường sá, địa bàn, anh cùng đi với người dân xã Dào San, Nậm Loỏng nhưng dần anh đã thiết lập được mối làm ăn lâu dài, tin cậy với bạn hàng. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, anh nhập một số mặt hàng may mặc theo đơn khách đặt song luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, sản phẩm anh cung ứng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Chia tay anh Páo khi mặt trời đã treo nơi đỉnh núi, chúng tôi ra về mang theo niềm vui về một năm mua may bán đắt của anh Páo. Thời điểm cuối năm đang đến gần, nhu cầu mua sắm của đồng bào các dân tộc vùng cao nhiều hơn, và chúng tôi tin những tiểu thương như anh Páo sẽ thu hái được nhiều thắng lợi trên nền chữ “tín” mà các anh đã dày công gây dựng.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...