Thứ tư, 15/05/2024, 01:44 [GMT+7]

Tâm huyết công tác hội phụ nữ

Thứ năm, 03/11/2016 - 22:44'
(BLC) - Với tinh thần cầu tiến, chị Nguyễn Hương Nhài - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu đã góp sức xây dựng tổ chức Hội thành ngôi nhà chung, địa chỉ tin cậy để hội viên, phụ nữ gửi gắm tâm tư nguyện vọng cũng như nhờ giúp đỡ mỗi khi xảy ra mâu thuẫn hay bạo lực gia đình.

Nỗ lực từ không đến có

42 tuổi - cái tuổi có thể coi đủ độ chín trong cuộc sống nên dù mới chỉ làm công tác Hội LHPN 3 năm nhưng chị Nhài đã khẳng định năng lực công tác cũng như khả năng dân vận khéo. Nhẹ nhàng, nói chuyện hài hước nhưng vô cùng khéo léo là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị. Trong câu chuyện về nghề, trao đổi công tác Hội chị nói chuyện với chúng tôi hàng tiếng đồng hồ mà không cầm tài liệu. Điều đó minh chứng phần nào sự tâm huyết, sâu sát cơ sở của người lãnh đạo.

Chị Nhài tìm hiểu trên mạng Internet kinh nghiệm, kỹ năng dân vận khéo.

Được biết, xuất phát điểm của chị không hề dễ dàng, thuận lợi. Bởi trước khi vào nghề, chị từng bôn ba theo chồng đến định cư ở một số tỉnh của vùng Tây Bắc để làm kinh tế. Năm 2004, sau khi chia tách, thành lập tỉnh, chồng chị được điều chuyển công tác về tỉnh Lai Châu. Khi ấy các con đã lớn, chị ở nhà mở quán internet, tuy nhiên thấy các gia đình sống cùng khu chung cư của tỉnh đều đi làm công chức, ở nhà nhiều cũng buồn. Năm 2006, tình cờ một lần lên phường Quyết Thắng làm thủ tục hành chính, chị mạnh dạn vào phòng đồng chí Bí thư Đảng ủy phường và ngỏ ý nếu phường cần người làm tạp vụ, văn thư thì tạo điều kiện cho chị. Mấy hôm sau, nhận được tin nhắn của lãnh đạo phường qua đồng chí tổ trưởng dân phố đồng ý để chị làm văn thư, tạp vụ (hợp đồng). Mặc dù số tiền phụ cấp chỉ là 200.000 đồng nhưng chị vui lắm và tự hứa sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau khi vào làm một thời gian, chứng minh được sự tận tâm, cố gắng trong công việc, chị được phường cử đi học lớp trung cấp nông nghiệp (dành cho cán bộ chưa có bằng cấp) và chuyển sang làm lĩnh vực lao động, thương binh xã hội. Nhận thấy ở vị trí nào cũng đều phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, chị tranh thủ thời gian đi học. Học bổ túc THPT vào buổi tối rồi đến học đại học, trung cấp chính trị, quản lý nhà nước… Chi phí học tập nhiều, trong khi mức phụ cấp có hạn nhưng với sự động viên, tạo điều kiện của chồng, chị quyết hoàn thành các khóa học. Vậy là đến nay đã 10 năm tham gia công tác thì có tới 6 năm chị đảm nhiệm chức danh bán chuyên trách. Không phụ sự kỳ vọng của tổ chức, năm 2012, chị được đơn vị cũng như hội viên nông dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân phường Quyết Thắng. Đến năm 2013, sau khi phường chia tách, chị lại được điều động và bầu làm Chủ tịch Hội LHPN phường Quyết Tiến.

Dù đều là công tác Hội nhưng phong trào, đối tượng quản lý khác nhau, chị không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận vị trí công tác mới. Bản thân chị luôn xác định rõ trách nhiệm, thường xuyên bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; nghị quyết, chủ trương, nhiệm vụ của Hội cấp trên. Trên cơ sở đó cùng Ban Chấp hành Hội vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Nhờ vậy, 100% các mục tiêu nhiệm vụ Hội đề ra đều đạt kết quả cao; hệ thống tổ chức Hội được củng cố kiện toàn.

Điểm tựa cho phụ nữ bị bạo hành

Một trong những nhiệm vụ được chị Nhài đặc biệt quan tâm triển khai tại các chi hội, đó là công tác phòng chống bạo lực gia đình. Bởi với đặc thù hội viên, phụ nữ trong phường chủ yếu làm nông nghiệp, kinh tế còn khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế… Là phụ nữ, chị hiểu hơn ai hết nỗi đau, sự thiệt thòi của phái yếu khi gia đình cơm không lành, canh không ngọt. Tuy nhiên, có lẽ do muốn giữ thể diện cho chồng, e ngại dư luận nên nhiều chị em không bày tỏ, chia sẻ để được giúp đỡ mà âm thầm chịu đựng. Do vậy, năm 2014, Hội thành lập Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và 9 chi hội trưởng phụ nữ là 9 địa chỉ tin cậy. Các địa chỉ tin cậy được tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, kỹ năng tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Sau khi thành lập, Hội đã công bố, tuyên truyền rộng rãi tới hội viên, phụ nữ tại các cuộc họp chi hội để chị em tìm tới khi cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, chị còn chỉ đạo các chi hội lồng ghép tuyên truyền, tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ; tổ chức giúp đỡ, tư vấn, hòa giải cho hội viên khi bị chồng đánh, mâu thuẫn vợ chồng. Nhờ đó, chị em nâng cao hiểu biết về pháp luật, tích cực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.

Bản thân chị Nhài còn thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng các chi hội hay cùng cán bộ Hội xuống nhà động viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của hội viên khó khăn để động viên, có hướng giúp đỡ về vật chất. Với chị, phòng chống bạo lực gia đình không có nghĩa chỉ là giải quyết mâu thuẫn, xích mích mà căn bản là phải tạo cho chị em, hội viên tự khẳng định vị thế, vai trò trong gia đình. Bởi, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chị em ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội cũng như mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Chị cùng Ban Chấp hành Hội triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh... Duy trì và cải tiến chất lượng hoạt động Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; giúp đỡ, giải hòa mâu thuẫn gia đình. Tập trung chỉ đạo, vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia phát triển kinh tế; tín chấp với các ngân hàng, vốn giải quyết việc làm của Trung ương Hội để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Hội đã xây dựng kế hoạch vận động các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội đóng góp 100 nghìn đồng; hội viên, phụ nữ ủng hộ 10 nghìn đồng/hội viên để giúp đỡ gia đình hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với sự giúp sức thiết thực của tổ chức Hội cộng với sự chân thành, cởi mở, tuyên truyền, vận động “thấu tình đạt lý” của chị Nhài, tình trạng bạo lực gia đình trong gia đình hội viên, phụ nữ giảm qua các năm. Qua thống kê, 5 năm qua, các địa chỉ tin cậy trong Hội đã giải quyết 8 vụ mâu thuẫn gia đình; hàng năm, toàn Hội đạt 98% hộ gia đình hội viên, phụ nữ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

“Sau 10 năm công tác, trong đó 3 năm làm công tác Hội Phụ nữ, dù đã bước đầu khẳng định năng lực cũng như vị trí trong lòng hội viên, phụ nữ nhưng tôi chưa thể bằng lòng với những thành quả. Nhiệm vụ công tác Hội ngày nặng nề, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa không chỉ học tập trong sách vở, đồng nghiệp mà còn là kinh nghiệm, kiến thức ở ngay hội viên ở cơ sở” - chị Nhài chia sẻ.

Với sự nỗ lực hết mình với công việc, những năm qua, chị Nhài đón nhận nhiều hình thức khen thưởng của các cấp Hội Phụ nữ, UBND phường, thành phố Lai Châu, UBND tỉnh, nhưng có lẽ vinh dự nhất vẫn là sự tin tưởng, đồng lòng chung sức của hội viên, phụ nữ. Chị đã cùng Ban Chấp hành đưa phòng trào Hội lên tầm cao mới, đa dạng, sáng tạo từ cách triển khai thực hiện đến vận động, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia. Nhờ đó, nhiều năm liền Hội được các cấp, ngành, phường ghi nhận, biểu dương khen thưởng. Và, bản thân chị cũng đã minh chứng “đầu tầu có khỏe, chắc thì mới chèo lái được con tàu đi đúng hướng và về đích an toàn".

Hoàng Tài

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...