Thứ tư, 15/05/2024, 08:34 [GMT+7]

Truyền đam mê văn học cho học sinh

Thứ sáu, 07/10/2016 - 14:09'
(BLC) - Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười ấm áp, ánh nhìn cương nghị - đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp cô giáo Phùng Thị Kim Oanh – giáo viên bộ môn Ngữ Văn (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn). Con người và tâm hồn ấy có lẽ vì thế đã đủ sức kéo gần khoảng cách môn Văn đến với bao thế hệ học trò giữa bức tranh muôn màu muôn vẻ của đời sống hiện đại.

Từng là học sinh giỏi Văn nhiều năm liền khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Phùng Thị Kim Oanh theo đuổi và giữ mãi dòng chảy cảm xúc trong mỗi áng văn để từ đó giúp cô thi đỗ vào khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. 19 năm, trải qua nhiều môi trường công tác, và năm học này là năm thứ 12 cô gắn bó với trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – mái trường đào tạo ra những thế hệ học sinh có chất lượng hàng đầu của nền giáo dục tỉnh nhà. Từ khi chuyển công tác về trường, cô được giao nhiệm vụ bồi dưỡng HSG  môn Văn để tham gia các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia. Nói đến cô giáo Oanh, nhiều đồng nghiệp đều dành cho cô sự ngưỡng mộ bởi khả năng thuyết phục và truyền cảm hứng niềm đam mê yêu thích môn Văn học cho học sinh. Đó cũng là động lực để cô liên tiếp gặt hái được những thành công trong mỗi kỳ ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, trở thành hạt giống trong bộ môn Văn của nhà trường.

“Giữa dòng chảy hối hả, bận rộn, nhiều biến chuyển trong đời sống hiện đại; xu thế nghề nghiệp ít nghiêng về môn xã hội, việc truyền đam mê cho các em có quá khó khăn?” – “Không, bởi dạy Văn là dạy cho học sinh cách làm người theo đạo lý, lẽ phải, sống nhân văn hơn; dạy cho các em hình thành nhân cách, có kỹ năng sống để thích nghi với môi trường mà không dễ bị cám dỗ; môn Văn còn đem đến cái đẹp, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, biết rung cảm trước cái đẹp cho thế hệ trẻ. Khi mình đủ thuyết phục các em bằng những mục đích tốt đẹp đó thì Văn dễ dàng đi vào lòng người thôi!” – cô Oanh tự tin nói. Từ đam mê môn Văn, cô đã nghiên cứu, học hỏi, tìm ra những phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh để giảng dạy có hiệu quả, làm cho các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn chương. Khi các em hiểu được điều ấy có nghĩa cô Oanh đã nhen nhóm được ngọn lửa tình yêu môn Văn cho mỗi học sinh của mình.

Cởi mở chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp dạy cũng như ôn thi HSG Văn, cô cho biết, việc đầu tiên, cô quan tâm đến khả năng kiến thức của từng em để phân loại học sinh; phát hiện ra những học sinh có khả năng cũng như học sinh còn yếu. Theo cô, những em có khả năng cảm thụ tinh tế, nhạy cảm trước mọi vấn đề của cuộc sống, có vốn tri thức phong phú, thuộc nhiều câu thơ, văn trong và ngoài chương trình qua sự tìm đọc, tích luỹ; có hiểu biết về con người và xã hội, vốn từ vựng dồi dào, nắm chắc các kỹ năng làm bài nghị luận sẽ có nhiều hi vọng đạt giải trong kỳ thi HSG. Các em đều có cách diễn đạt trong sáng, hàm súc, giàu cảm xúc và có dấu ấn riêng.

Bằng sự quan sát, cảm nhận, cô có thể nhận biết, đánh giá được năng lực của từng em. Tuy nhiên, cô giáo Oanh cũng thật sắc sảo trong nghề để có thể ra được những đề bài khác biệt với những đề bài thông thường để các em tự bộc lộ khả năng. Cô trực tiếp chấm bài, sửa lỗi, nhận xét kỹ lưỡng, thấu đáo bài làm giúp học sinh phát huy điểm mạnh, đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế để các em khắc phục điểm yếu trong những bài làm sau. Truyền cảm hứng yêu thích môn Văn cho nhiều thế hệ học sinh, cô Oanh nhận ra rằng, những giải thưởng lớn không hoàn toàn thuộc về học sinh là người dân tộc Kinh mà chính là các em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Các em có điểm rất riêng đó là trình bày cảm xúc của mình một cách thật nhất; có lối tư duy đặc biệt bằng hình ảnh; giọng văn mộc mạc, chân chất như chính cách sống của đồng bào Tây Bắc. Em Tống Mỹ Linh (dân tộc Hà Nhì), Lò Thị Chiêm (dân tộc Giấy), Đèo Thị Thu Phương (dân tộc Thái), Vũ Thùy Dung (dân tộc Thổ) ... là những điển hình như vậy. Các em là hạt nhân trong các kỳ thi HSG, mang niềm tự hào về cho nhà trường những năm học trước. Giờ đây, các em đã thành đạt, vươn cao đến những chân trời tri thức mới song vẫn luôn nhớ về công lao dạy dỗ của cô giáo Oanh và thường xuyên thăm hỏi cô qua những dòng tin nhắn, cuộc gọi. Sự chân thành, gần gũi, thương yêu học sinh như con em mình nên tình yêu văn chương của cô được lan tỏa rộng hơn.

Trong cuộc sống, cô Oanh giống như người mẹ, người chị chỉ dạy cho các con, em mình những bài học ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống. Khi đứng trên bục giảng, cô là một cô giáo mẫu mực và rất nghiêm khắc. Trong quá trình giảng dạy, cô yêu cầu học sinh sưu tầm trong sách vở, tài liệu những nhận định hay, đánh giá độc đáo, đặc sắc của những tác giả tên tuổi về tác phẩm văn học; những câu thơ, đoạn văn hay gắn với các chuyên đề bồi dưỡng để các em đọc lại nhiều lần và ghi nhớ. Đây là cách để các em mở mang vốn tri thức, khám phá vấn đề theo chiều sâu và rộng, vừa sử dụng như những dẫn chứng hấp dẫn, tiêu biểu, tạo nên điểm nhấn, điểm sáng, giàu sức thuyết phục hơn trong bài làm.

Nhận xét về cô giáo Oanh, cô Hồ Thanh An – Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào: “Đây là giáo viên có tâm huyết với nghề, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Cô có năng lực chuyên môn tốt, mỗi khi giao việc, Ban Giám hiệu nhà trường rất yên tâm. Nhờ sâu sát với học sinh, chủ động tìm tòi, nghiên cứu trong cách giảng dạy nên bài giảng của cô luôn có sự sáng tạo, mới mẻ. Cô cũng rất “có duyên” khi ôn thi học sinh giỏi quốc gia để dành được nhiều giải cao trong mỗi kỳ thi, đem vinh quang về cho trường”.

Tính đến nay, có 19 giải học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn nhờ công cô Oanh tham gia ôn luyện. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, lớp 12A5 do cô làm chủ nhiệm có 100% em đạt từ 7 điểm trở lên, trong đó có 3 em đạt 9 điểm môn Ngữ Văn; 1 em lọt top 100 học sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước.

Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; được Tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lai Châu, của Ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2010-2015. Và giải thưởng cao quý hơn nữa là cô được Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú trong thời gian tới.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...