Chủ nhật, 05/05/2024, 16:33 [GMT+7]

Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ ba, 08/04/2014 - 15:27'
(BLC) - Những năm qua, Trường THPT huyện Than Uyên đã đưa ra giải pháp linh hoạt đổi mới công tác quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Qua đó, trình độ giáo viên không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi, thi đỗ các trường chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trải qua 40 năm hình thành, phát triển, Trường THPT Than Uyên được biết đến là đơn vị có bề dày về truyền thống dạy và học. Thành tích đó được ghi dấu bằng việc tháng 7/2013 được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia. Đây là kết quả, sự nỗ lực thi đua thực hiện tốt các giải pháp, hướng đi thích hợp xây dựng trường chuẩn Quốc giacủa tập thể cán bộ, viên chức và học sinh trong trường.

Đồng chí Lê Xuân Phùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng Công nhận trường chuẩn Quốc gia cho Trường THPT huyện Than Uyên.

Hiệu trưởng Trường THPT Than Uyên, Tạ Thị Thanh Huyền cho biết: “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ được nhà trường đặt lên hàng đầu. Do vậy, Ban Giám hiệu luôn đổi mới việc quản lý Nhà nước về giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, bám sát và vận dụng linh hoạt đường lối quan điểm chỉ đạo của Đảng, Ngành Giáo dục vào thực tế đơn vị. Chọn việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp chủ đạo trong thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, công tác quản lý chỉ đạo luôn được Ban Giám hiệu Trường THPT Than Uyên tìm giải pháp thiết thực đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Trong đó, Trường thường xuyên đánh giá đội ngũ nòng cốt, quy mô, chất lượng mũi nhọn, những khó khăn để từ đó đặt ra chiến lượng giáo dục, mục tiêu của đơn vị để mỗi cán bộ giáo viên nắm bắt thống nhất trong việc thực hiện. Việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường chú trọng, coi đó là “mắt xích” quan trọng trong đổi mới phương pháp giáo dục cho học sinh. Đồng thời tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giáo viên chủ động tham mưu lãnh đạo tìm giải pháp về chuyên môn, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển.

Một giờ tin học của học sinh lớp 10A2, trường THPT huyện Than Uyên.

Nhờ môi trường thuận lợi, cán bộ, giáo viên được học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, từng bước đổi mới cách thức tổ chức, quản lý cho học sinh, đổi mới cách dạy, cách học cho từng đối tượng. Thầy Nguyễn Thế Hậu, giáo viên môn Toán chia sẻ: “Bản thân mỗi giáo viên muốn giỏi thì phải tự học, tự bồi dưỡng, tích cực tìm hiểu, đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với đó là kiểm tra đánh giá, triệt để vận dụng dạy học theo đối tượng vùng miền. Phải coi trọng công tác này là then chốt để tự làm mới mình trong việc tiếp cận khám phá và truyền thụ kiến thức phù hợp với đối tượng học sinh một cách hiệu quả”.

Ngoài việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên, Nhà trường chỉ đạo giáo viên bám sát học sinh, phân chia đối tượng vào các lớp học phù hợp theo từng trình độ của mỗi học sinh. Đối với học sinh khá giỏi, trường bố trí những giáo viên có năng lực, chuyên môn để đảm nhận những lớp này. Trong quá trình học tập học sinh không theo kịp cuối kỳ hay cuối năm được chuyển xuống lớp thấp hơn về mặt yêu cầu. Riêng với học sinh trung bình yếu, nhà trường sắp xếp giáo viên có kinh nghiệm rèn luyện kỹ năng làm bài, hướng các em vào các trường trung cấp và dạy nghề. Cùng với đó, trường thường xuyên tuyên truyền giáo dục về tư tưởng đạo đức lối sống cho học sinh, khơi dậy truyền thống hiếu học qua các gương học tốt trong nhà trường và ngoài xã hội.

Cô Đinh Ngọc Linh, giáo viên dạy văn ở Tổ Văn – Giáo dục công dân cho rằng: “Dạy cho học sinh không chỉ dạy kiến thức mà cần rèn cho học sinh các kỹ năng ứng xử văn hóa. Chúng tôi xác định, không chỉ mỗi giáo viên là một nhà giáo dục, mà tất cả các cán bộ, nhân viên trong nhà trường đều phải làm công tác giáo dục, có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung”.

Với những giải pháp hợp lý trong việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đã và đang mang lại thành quả rõ nét. Có thể nói, việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường THPT Than Uyên cho thấy hiệu quả tổ chức bộ máy góp phần đưa chất lượng giáo dục ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần tạo nguồn nhân lực đúng thực chất, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Than Uyên nói riêng và tỉnh nói chung.

Năm học 2012-2013, học sinh khá, giỏi đạt 44%, tỷ lệ đạt tốt nghiệp 98,85%, tỷ lệ đỗ đại học đạt 61%.

Năm học 2013-2014, Trường THPT Than Uyên có 19 lớp, 550 học sinh, 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 100% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 90% - 98%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt từ 88% - 99%, tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng đạt từ 50% - 60%. Trường có 5 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 1 học sinh đạt giải ba học sinh giỏi cấp Quốc gia

 

 

 

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...