Thứ tư, 01/05/2024, 15:23 [GMT+7]

Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia - Kỳ 2: Đôi điều trăn trở

Thứ sáu, 25/03/2016 - 20:38'
(BLC) - Dù vị trí xếp hạng học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2016 của tỉnh ta đã vươn lên thứ 48 trong cả nước nhưng vẫn còn những khó khăn chồng chất. Đó là việc tạo nguồn học sinh giỏi, cơ chế, điều kiện cho đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi hay đơn giản là nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên...

Khó tìm nguồn học sinh giỏi

Những năm gần đây, việc lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong các môn học như: Lịch sử, Địa lý, Sinh học hay Tiếng Anh, cố gắng chọn lọc cũng chỉ được 4 - 5 học sinh. Thực tế, hiện nay tại tất cả các trường THPT chỉ có 4 môn chủ đạo: Toán học, Ngữ văn, Vật lý và Hóa học được xếp hạng trong tốp các lớp chuyên vì hầu hết phụ huynh và học sinh thường nghĩ rằng: “học những môn này thì tương lai mới phát triển ” hoặc đơn giản vì đây là những môn chính cần học nhất. Bởi vậy, để chọn được các đội tuyển học sinh giỏi có số lượng và chất lượng cao là vấn đề trăn trở của nhiều trường.

Giờ ôn luyện của đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn.

Trò chuyện với cô giáo Dương Thị Thu Hằng – người có tâm huyết với môn Sử học của trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn (thành phố Lai Châu) chúng tôi nhận được lời tâm sự chân thật từ cô. Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm, giáo viên chủ nhiệm các môn học lại ráo riết đi tìm học sinh giỏi, công việc mà đáng lý ra chỉ cần chọn lọc. Lấy ví dụ từ việc chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Sử học, cô Hằng cho biết: “Cả trường chỉ có một lớp chuyên Văn, muốn có được đội tuyển Sử thì phải chờ đội tuyển Văn đăng ký trước. Mà khó khăn là lớp chuyên văn cũng chỉ có từ 20 – 25 học sinh theo học nên để có đội tuyển Sử ưng ý, chúng tôi phải cố gắng động viên, tạo cơ hội và chọn lọc thời gian dài mới có được 3 - 4 học sinh yêu môn học này”.

Còn những môn tự nhiên, học sinh theo học với số lượng đông. Tuy nhiên lại dàn trải, khó chọn lựa. Theo các thầy cô ở trường THPT Mường Than (huyện Than Uyên), mỗi lớp học chuyên Toán, lý, hóa có 40 – 45 học sinh, nhưng chọn đội tuyển để đi cạnh tranh với các tỉnh trong cả nước thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2016 vừa qua là chứng minh chân thật cho điều đó. Không có môn tự nhiên nào đoạt giải.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, nhiều học sinh giỏi đã có tên trong đội tuyển có tâm lý “chán” tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Tìm hiểu tình hình tại ngôi trường chuyên dẫn đầu của tỉnh, chúng tôi lắng nghe được khá nhiều chia sẻ, tâm sự của học sinh. Phần đông các em đều thấy mệt vì áp lực của những cuộc thi lớn. Song song với việc học tất cả các môn học, các em phải giành nhiều công sức, thời gian cho đội tuyển. Gần như không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn và tham gia hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời. Có em mang nặng tâm lý “đi thi mà không được giải thì xấu hổ, mất tự tin với bạn bè” nên cố gắng vùi đầu vào sách vở và ôn luyện để có thể mang lại kết quả cao nhất.

Cần nâng cao trình độ cho giáo viên

Tâm lý của học sinh là vậy và người làm thầy, cô cũng không ngoại lệ. Dường như trong lịch trình dạy của mỗi giáo viên, không phải chỉ có giờ lên lớp mà cả những lúc ngoài giờ, họ lại lo phụ đạo thêm cho đội tuyển học sinh giỏi. Và vào các buổi tối, các giáo viên vẫn hăng say tìm kiếm, bồi dưỡng thêm kiến thức cho bản thân để có thể truyền đạt kiến thức cho những học sinh thân yêu của mình. Tuy vậy, đối với những người làm nghề giáo nơi miền núi xa xôi của Tổ quốc, việc nâng cao trình độ vẫn còn là khó khăn cần giải quyết.

Hiện nay, giáo viên dạy cho các đội tuyển học sinh giỏi tại các trường cấp 3 đều nằm trong chuỗi tự học và tự tìm hiểu. Khác với điều kiện như các trường ở dưới xuôi, trình độ của các thầy cô ở đây còn nhiều hạn chế. Đó là chưa được tham gia nhiều lớp tập huấn, huấn luyện giáo viên dạy giỏi, là đội ngũ còn trẻ, không có nhiều kinh nghiệm trong ôn luyện học sinh giỏi hay đơn thuần là vì điều kiện, kinh phí của nhà trường hạn hẹp… Cô giáo Phùng Thị Kim Oanh - giáo viên môn Văn, trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn cho hay: “Điểm nhấn để giúp các em có thể đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chính là kiến thức sâu rộng của giáo viên. Không thể đánh đồng tất cả lỗi học sinh không đoạt giải là do giáo viên yếu kém nhưng học sinh nhiều kiến thức hay không là do giáo viên truyền đạt”. Thế nên, tập trung bồi dưỡng cho giáo viên cũng là việc không thể xem nhẹ.

Được biết, mỗi năm giáo viên các trường THPT trong tỉnh vẫn có những buổi trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức các kỳ thi sát hạch cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh giỏi, các buổi tập huấn ở ngoài tỉnh… nhưng chỉ có thể bù đắp được phần nhỏ những lổ hổng thầy cô đang vướng mắc. Trong khi đó, kinh phí ở các trường lại không “nuôi” được hết những lớp bồi dưỡng dài hạn. Đánh giá về điều này, thầy giáo Đào Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn chia sẻ: “Tính ra chi phí cho một cuộc tập huấn, bồi dưỡng, có khi mời chuyên gia về giảng dạy cho các thầy cô giáo phải mất vài chục triệu. Nếu kéo dài hoặc mở vài lớp trong một năm thì Nhà trường không đủ để tài trợ. Bởi vậy, đành “lọt sàng xuống nia” chọn lọc những giáo viên đã có kinh nghiệm ôn học sinh giỏi để dẫn dắt đội tuyển mà thôi”.

Cần cơ chế, chính sách hợp lý

Trước những khó khăn đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần đề nghị tỉnh nên mở rộng chính sách cho cả đội ngũ giáo viên và học sinh giỏi. Không chỉ thưởng bằng tiền cho mỗi học sinh và giáo viên khi có thành tích, mà cần phụ cấp thêm cho mỗi đội tuyển trong quá trình ôn luyện. Có như vậy mới khuyến khích được học sinh tham gia đội tuyển, tạo hăng say cho thầy cô trong mỗi giờ phụ đạo. Bên cạnh đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể như Hội Khuyến học và mỗi phụ huynh nên ủng hộ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi bằng những nguồn quỹ tự nguyện. Hơn nữa, thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và học sinh tham dự các cuộc thi lớn mang tính cọ xát như: giải toán bằng tiếng Anh do Hội Toán học Hà Nội tổ chức, trại hè Hùng Vương, toán quốc tế giữa các thành phố mùa xuân của Nga…   

Dù là điều kiện, cơ chế hay chính sách gì, trọng tâm của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia vẫn phải đảm bảo yếu tố: tâm lý thỏa mái giữa thầy và trò, sự nỗ lực hết mình của mỗi giáo viên, học sinh thì mới có được những kết quả cao, mang lại niềm tự hào cho tỉnh nhà.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...