Thứ hai, 29/04/2024, 14:36 [GMT+7]

“Chìa khóa”nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ sáu, 06/01/2012 - 09:18'
(BLC) -Nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nên tỉ lệ người tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng tăng. Điều đó được thể hiện rõ qua số đơn vị ủng hộ quỹ Khuyến học không ngừng tăng qua các năm.

Nhà bán trú dân nuôi của Trường THCS Giang Ma (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) trở thành ngôi nhà chung của trên 30 học sinh mỗi năm.   

Những ngày cuối tháng 12, khi những nụ hoa đào đang e ấp trên cành chờ đón mùa xuân đến, chúng tôi đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Gõ cửa đến lần thứ 3, ông Đỗ Văn Hán – Giám đốc Sở GD-ĐT mới biết có khách. Trong câu chuyện với chúng tôi ông Hán khoe: “Những năm gần đây, công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của toàn tỉnh. Cũng chính nhờ kết quả giáo dục được nâng cao mà anh em trong ngành rất phấn khởi, ra sức làm việc”.

Công tác xã hội hóa giáo dục được Sở triển khai từ năm 2005. Ngay từ những ngày đầu thực hiện, Sở GD-ĐT đã tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong ngành cũng như nhân dân ý nghĩa của thực hiện xã hội hóa giáo dục: “Xã hội hóa giáo dục là tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào giáo dục”. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở còn thường xuyên đổi mới hình thức hoạt động, vận động nhân dân tùy theo điều kiện của mình tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục như: dạy con em học bài, quyên góp sách vở, quần áo giúp đỡ học sinh khó khăn, ủng hộ quỹ Khuyến học... Đồng thời Sở công khai minh bạch số tiền ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các ngôi nhà bán trú.

Nhờ triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp nên tỉ lệ người tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng tăng. Điều đó được thể hiện rõ qua số đơn vị ủng hộ quỹ Khuyến học không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2005, chỉ có 10 đơn vị tham gia ủng hộ quỹ với số tiền trên 85 triệu đồng thì tính đến ngày 2/10/2011 đã có 64 đơn vị ủng hộ. Nâng tổng số tiền các đơn vị ủng hộ trong 7 năm (từ năm 2005-2011) lên tới trên 2 tỷ đồng. Nhờ số tiền này, nhiều ngôi nhà bán trú dân nuôi được xây dựng tạo điều kiện cho học sinh có nhà xa trường yên tâm học tập; nhiều học sinh khó khăn được hỗ trợ tiền mua sách, vở, bút mực; nhiều thầy cô giáo, học sinh có thành tích cao trong học tập, dành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia được khen thưởng kịp thời, tạo động lực để các thầy cô, học sinh tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt việc dạy và học…. 

Năm học 2010 – 2011 chất lượng giáo dục của cả 4 bậc: mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được nâng lên. Trong đó, bậc tiểu học chất lượng giáo dục có chuyển biến mạnh nhất: 40% học sinh xếp học lực khá, giỏi (tăng 1,8% so với năm học 2009 - 2010), 99% học sinh đạt yêu cầu hạnh kiểm (tăng 0,5%). Toàn tỉnh có 293 thí sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc giao. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm 1% so với năm học 2009 – 2010.

Huyện Tam Đường là một trong những huyện làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Chỉ tính riêng trong năm 2011, Phòng GD-ĐT huyện đã vận động phụ huynh học sinh đóng góp nguyên vật liệu, ngày công; hỗ trợ ximăng, cát, ngói để làm mới và sửa chữa 28 phòng học tạm ở các xã: Sơn Bình, Khun Há, Tả Lèng… Ngoài ra, Phòng còn kêu gọi các tổ chức ủng hộ xây dựng nhà ở bán trú dân nuôi cho học sinh. Điều đáng nói là Phòng chỉ phải trích 20 triệu đồng từ quỹ Khuyến học để xây dựng một gian nhà bán trú, số tiền còn lại các doanh nghiệp ủng hộ. Trong 3 năm (2009-2011) toàn huyện có 65 gian nhà bán trú được xây dựng.

Chúng tôi đến thăm nhà ở bán trú dân nuôi của Trường THCS Giang Ma, xã Giang Ma, huyện Tam Đường (đưa vào sử dụng tháng 10/2010). 8 gian nhà bán trú đã trở thành ngôi nhà chung của trên 30 học sinh mỗi năm.

Em Lù A Dũng học sinh lớp 8A2, có hơn 1 năm gắn bó với nhà bán trú của trường chia sẻ: “Nhà em ở bản Ngài Trù, cách trường 7km, trước đây đi bộ đi học vất vả có lúc nản quá em định nghỉ học. Từ khi có nhà bán trú, em có nhiều thời gian học tập hơn. Nhờ đó, từ học sinh khá em vươn lên thành học sinh giỏi”.

Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều người tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục để mọi học sinh đến tuổi đi học được đến trường, khôn lớn, trưởng thành, góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...