Chủ nhật, 05/05/2024, 05:35 [GMT+7]

“Dấu ấn” giáo dục

Thứ ba, 05/01/2016 - 16:29'
(BLC) - Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, thành phố, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, chất lượng giáo dục được nâng lên, góp phần tạo nguồn và nâng cao chất lượng nhân lực tương lai cho tỉnh nhà.

Cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, các công trình trường lớp học, nhà bán trú, nhà công vụ cho giáo viên cũng được tỉnh quan tâm mở rộng quy mô, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo. Từ đó đã tiếp thêm động lực để con đường đến trường của các em học sinh vùng cao bớt “chông chênh” hơn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cho con đi học để có kiến thức, vận dụng vào cuộc sống sau này.

Tiết học môn Tiếng Việt (lớp 5A2, trường PTDT Bán Trú Tiểu học xã Bản Hon, huyện Tam Đường).

Địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế là những rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Mường Tè. “Khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục huyện đã đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Huy động công tác xã hội hóa giáo dục, lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Quan trọng nhất là đổi mới quản lý giáo dục, đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với từng vùng miền gắn với vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường, đảm bảo duy trì sĩ số” – bà Lý Mỹ Ly – Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) huyện Mường Tè tâm sự.

Thuận lợi hơn so với các địa phương khác, giáo dục đại trà của huyện Than Uyên tương đối vững kể từ khi chuyển từ tỉnh Lào Cai sang tỉnh Lai Châu. Do vậy, huyện tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn ở vùng thuận lợi và duy trì phổ cập vùng khó khăn. Điểm mạnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện đó là triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhờ đó, các đơn vị trường đã xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội. Học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập và các hoạt động khác.

Với những kết quả đó, ông Trần Quang Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định: “Hàng năm, toàn huyện có 91% trẻ mầm non đạt yêu cầu về cân nặng và chiều cao (riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%); 99% học sinh tiểu học đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất; 99,8% học sinh tốt nghiệp THCS. Đây là thành quả, là tiền đề cho huyện tiếp tục đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai”.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách về kết quả giáo dục giữa vùng đồng bằng với vùng núi, những năm qua, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp linh hoạt, tạo sự chuyển biến cả về chất và lượng theo hướng trọng tâm, thiết thực. Đáng chú ý là 5 năm trở lại đây, mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng ngành GD & ĐT tỉnh đã để lại nhiều “dấu ấn”. Cụ thể như: bậc Mầm non xây dựng được môi trường thân thiện, gần gũi, gắn bó để trẻ phát triển toàn diện và đã hoàn thành việc chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Bậc Tiểu học đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, giúp các em chủ động tích cực hơn trong học tập; giáo viên phát huy vai trò dẫn dắt học sinh tìm hiểu các vấn đề, nội dung học tập, kết quả có 99% tỷ lệ học sinh đủ tiêu chuẩn chuyển lớp. Ở bậc THCS và PTTH nổi bật với vai trò gắn kết giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn, giúp các em hiểu bài, nắm vững kiến thức hơn.

Theo Nhà giáo ưu tú Đỗ Văn Hán – Giám đốc Sở GD & ĐT: “Để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả theo năng lực học sinh. Đồng thời tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nhằm đánh giá phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; áp dụng linh hoạt các mô hình dạy học mới. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; giúp đỡ, khuyến khích học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, ít người, hoàn cảnh khó khăn…, giúp các em vươn lên trong học tập.

Một mùa xuân mới lại về, cùng với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, ngành GD & ĐT tỉnh nhà cũng có những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, tiến tới xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...