Thứ sáu, 26/04/2024, 07:24 [GMT+7]

Gánh nặng chữ “thiếu” trong giáo dục Tân Uyên

Thứ sáu, 02/09/2022 - 14:08'
(BLC) - Trước thềm năm học mới 2022 – 2023, số giáo viên còn thiếu của toàn ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tân Uyên lên con số hàng trăm. Khó chồng lên khó, toàn ngành đang nỗ lực gấp bội với mục tiêu không để chữ “thiếu” ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Thách thức của chữ “thiếu”

Theo số liệu cung cấp từ Phòng GD-ĐT huyện Tân Uyên, năm học này toàn ngành còn thiếu 118 biên chế (trong đó 100 viên chức quản lý, giáo viên; 18 nhân viên). Cụ thể cấp THCS thiếu 54 giáo viên (chủ yếu ở 2 bộ môn Tin học, Ngoại ngữ); cấp mầm non thiếu 40 giáo viên và cấp tiểu học thiếu 24 giáo viên. Những trường còn thiếu chủ yếu tập trung ở các xã: Nậm Sỏ, Nậm Cần, Tà Mít, Mường Khoa, Hố Mít, Pắc Ta…

Làm rõ hơn thực trạng này, ông Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Uyên cho biết: Hiện tại, ngành GĐ-ĐT huyện được giao 1.369 biên chế nhưng qua rà soát, số giáo viên có mặt đến thời điểm trung tuần tháng 8 chỉ có 1.251 đồng chí và “căng” nhất vẫn là bậc THCS. Thực tế hiện nay có 11 đơn vị trường THCS thiếu 45 giáo viên, nếu tính trung bình thiếu hơn 4 giáo viên/trường.

Đối với những trường đông giáo viên mà ít lớp thì có thể san sẻ cho nhau nhưng những trường ít giáo viên mà nhiều lớp thì hoàn toàn không thể. Việc thiếu giáo viên dẫn đến việc các thầy, cô phải dạy thừa giờ; nếu dạy quá số tiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Người giáo viên phải thực hiện soạn giáo án, đứng nhiều, nói nhiều… dù có tâm huyết với nghề đến mấy nhưng nếu làm việc trong thời gian dài, sức khỏe sẽ không đảm bảo.

Trường THCS Mường Khoa cũng là một trong những đơn vị thiếu giáo viên. Chú thích: Giáo viên nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp học chuẩn bị năm học mới.

Trường THCS Mường Khoa cũng là một trong những đơn vị thiếu giáo viên. Trong ảnh: Giáo viên nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp học chuẩn bị năm học mới.

Việc thiếu giáo viên còn phải tính đến các tình uống như: giáo viên nữ nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, bệnh tật; các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn toàn ngành hay kể cả nhiều trường hợp giáo viên xin nghỉ không lương như trong thời gian qua. Cụ thể, từ tháng 8/2021 – 8/2022 có đến 23 đồng chí (16 giáo viên và 7 nhân viên) xin nghỉ không hưởng lương do đang trong quá trình tìm công việc mới phù hợp; khi có công việc phù hợp sẽ xin nghỉ hẳn.

Thêm vào đó, do Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 861), nhiều giáo viên bị giảm tiền lương lên tới 70% nên nguồn thu nhập bị thiếu hụt đáng kể. Theo tính toán, trung bình lương của giáo viên cấp Tiểu học chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, với mức sống hiện nay thì không thể đủ, nhiều thầy, cô giáo đã phải tìm nhiều việc làm khác nhau để có thêm thu nhập, đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chính sách thu hút giáo viên đối với huyện Tân Uyên cũng còn nhiều đáng bàn, nhất là giáo viên dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học. Minh chứng là trong 8 năm qua, Tân Uyên chưa tuyển dụng được giáo viên dạy môn Tiếng Anh nào, trong khi đó đã có 14 giáo viên Tiếng Anh xin chuyển công tác, hầu hết là về các tỉnh miền xuôi làm nhiều công việc khác nhau và thu nhập ổn định.

Thêm một thách thức nữa cho ngành GD-ĐT huyện Tân Uyên hiện nay nữa là, trước năm 2019 khi Luật Giáo dục 2019 chưa ra đời, đối với trình độ giáo viên cấp mầm non và tiểu học chỉ cần có bằng chuyên môn hệ trung cấp; bậc THCS có bằng chuyên môn hệ cao đẳng là đạt chuẩn. Tuy nhiên sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, trình độ chuyên môn của các cấp được nâng chuẩn, yêu cầu cấp mầm non, tiểu học phải có bằng cao đẳng, cấp THCS phải có bằng đại học. Đây là sự đòi hỏi quá sức so với điều kiện thực tế về đội ngũ ở địa bàn huyện Tân Uyên.

Ngoài ra, Quyết định 861 cũng tác động đến học sinh khi các chế độ hỗ trợ cho con em đến trường như: tiền ăn, nghỉ bán trú, sách giáo khoa bị cắt giảm. Sự thiếu hụt cả phía giáo viên lẫn học sinh khiến cho ngành GD-ĐT Tân Uyên khó chồng lên khó.

Giải pháp nào khả thi?

Với những thực trạng nêu trên ở huyện Tân Uyên đã cho thấy chủ trương đổi mới giáo dục đi quá xa so với điều kiện thực tế mà địa phương đang có, thể hiện sự chưa phù hợp với thực tiễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu, huyện Tân Uyên nói riêng.

Theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 thì môn Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc. Theo đó, đối với lớp 1, 2 trên quy mô toàn huyện sẽ tổ chức dạy học trên 120 lớp với 2.803 học sinh, tuy nhiên việc triển khai này gặp nhiều khó khăn do thiếu phòng học và thiếu cả giáo viên. Đối với môn tiếng Anh, có đến 9 trường không có giáo viên giảng dạy. Giải bài toán hóc búa này, ngành đã yêu cầu trường có giáo viên vừa kết hợp dạy trực tiếp tại lớp được phân công kết hợp với dạy trực tuyến phát cho các trường.

Tuy nhiên giải pháp này cũng chỉ mang tính ứng phó tạm thời bởi trang thiết bị cần phải nâng cấp đồng bộ mới đáp ứng cho công tác giảng dạy trực tuyến. Thêm vào đó, việc quản lý lớp, kiểm tra chất lượng học tập của các em học sinh cũng còn nhiều bất cập. Chế độ thanh toán cho giáo viên đứng lớp và kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên cũng cần phải chú trọng, chưa nói đến phương thức kiểm tra, chấm bài…

Đối với môn Tin học, có 7 giáo viên thực hiện giảng dạy tại 11 đơn vị trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, điều đó đồng nghĩa với 1 giáo viên phải dạy từ 2 – 3 trường mới đảm bảo chất lượng giáo dục. Theo đó, các trường sẽ có sự phối hợp, căn cứ theo từng vị trí để phân công, sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý và thuận lợi cho quá trình di chuyển của giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này cũng không dễ dàng bởi có những điểm trường cách nhau đến 40km, thậm chí nhiều hơn, chế độ công tác phí cho giáo viên cũng phải tính đến.

Bằng nhiều nguồn hỗ trợ, trường Tiểu học Hố Mít đã kêu gọi các mạnh thường xuân tặng áo đồng phục cho học sinh trong dịp năm học mới.

Bằng nhiều cách thức kêu gọi, Trường Tiểu học Hố Mít (xã Hố Mít) đã huy động được các mạnh thường quân tặng áo đồng phục cho học sinh trong dịp năm học mới.

Chẳng hạn như thầy giáo Hà Đình Chính là quân số thuộc trường Tiểu học Nậm Sỏ, năm học 2021 – 2022, ngoài thực hiện nhiệm vụ giảng dạy chính ở trường, thầy còn được giao đảm nhận thêm nhiệm vụ dạy 2 trường Tiểu học Thân Thuộc và Nậm Cần. Tâm sự với chúng tôi trước thềm năm học mới, thầy Chính cho hay, gia đình thầy ở thị trấn Tân Uyên, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại xã Nậm Sỏ, thầy phải đi 40 cây số mới vào đến trường.

Năm học 2022 – 2023, ngoài giảng dạy tại 2 trường Tiểu học Nậm Sỏ, Thân Thuộc, thầy tiếp tục điều đi xa hơn tại trường Tiểu học và THCS Tà Mít – một trong những điểm trường xa nhất huyện. Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, tuy không kể ra những khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi hiểu những gian nan thầy đang nỗ lực để vượt qua mỗi ngày.

Năm học mới cận kề, trước bộn bề khó khăn đang ở phía trước, đặc biệt là việc thiếu giáo viên, nhưng với lòng yêu nghề, sự quyết tâm của toàn ngành, chúng tôi hy vọng ngành GD-ĐT huyện Tân Uyên sẽ làm tốt vai trò, đáp ứng lòng tin của cấp ủy chính quyền địa phương cũng như sự mong mỏi của các bậc phụ huynh học sinh.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...